Bộ “Đất lành”, “Đời con” và “Ly tán” của Pearl Buck có góc nhìn sâu sắc về xã hội, con người Trung Quốc thời cận – hiện đại.
Sau nhiều năm vắng bóng với độc giả Việt Nam, Pearl Buck trở lại với bộ ba tiểu thuyết Đất lành (tên tiếng Anh là The Good Earth), Đời con (Sons) và Ly tán (A House Divided). Trong đó, Đất lành là tiểu thuyết bán chạy nhất ở Mỹ vào năm 1931-1932, đoạt giải Pulitzer văn học năm 1932. Tiểu thuyết này cũng được tạp chí Life đưa vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất trong vòng 20 năm (1924-1944).
Bộ tác phẩm được đánh giá cao vì hiểu biết sâu sắc của Pearl Buck về xã hội và con người Trung Quốc trong giai đoạn đất nước này chuyển mình từ thời cận đại sang hiện đại, tức nửa sau thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20. Nhà văn tập trung khắc họa mối quan hệ mật thiết giữa người nông dân Trung Quốc với đất đai, đề cập đến những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa lâu đời của người nước này, từ hủ tục bó chân, ma chay, ẩm thực đến lễ hội.
Năm 1959, Nguyễn Công Phú từng dịch bộ sách với tên Sống vì đất. Năm 2001, Nhà xuất bản Văn nghệ TP HCM in bộ ba tiểu thuyết mang tên Đất lành, Mấy người con trai Vương Long, Vương Nguyên, Gia đình phân tán qua bản dịch của Nguyễn Thế Vinh. Sau hơn 20 năm, tháng 5 này, các tác phẩm tái xuất qua bản dịch của Nguyễn Tuấn Bình, Nguyễn Vân Hà và Nguyễn Quang Huy.
Trong mỗi nền văn hóa đều có sự tồn tại của các biểu tượng như là những chỉ dấu đời sống tinh thần, xã hội của cộng đồng. Tác phẩm của Pearl Buck có khá nhiều biểu tượng như: Đất, đôi bàn chân bó nhỏ, chiếc giày, quan tài. Trong đó, biểu tượng về đất chi phối toàn bộ. Pearl Buck kể về ba thế hệ trong một gia đình gốc nông dân. Vương Long là người đã xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng và làm giàu lên từ đất. Ba người con trai của Vương Long chọn ba hướng đi. Người con cả tiếp tục làm điền chủ, người con thứ hai trở thành thương gia và người con út Vương Mãnh Hổ trở thành tướng quân cát cứ một vùng.
Ngỡ rằng họ rời xa đất đai nhưng bằng những phương cách thầm lặng và kỳ lạ, đất vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Như một vòng quay của số phận, người con trai duy nhất của Vương Mãnh Hổ là Vương Nguyên đã không sống một cuộc đời như cha mình mong muốn mà quay trở về gắn bó với đất đai.
Theo Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, đất đối lập với trời một cách tượng trưng như là bản nguyên thụ động đối lập với bản nguyên chủ động, khuôn mặt nữ tính đối với khuôn mặt nam tính của thế giới. Trong Kinh Dịch, đất là quẻ khôn, là tính thụ động hoàn hảo, tiếp thu tác động của nguyên lý chủ động là quẻ càn. Đất chống đỡ, trời che phủ. Xét ở mặt tích cực, những đức tính của đất dịu dàng và chịu phục tùng, là tính kiên định, yên tĩnh và bền bỉ.
Qua ngòi bút của Pearl Buck, biểu tượng đất chính là nơi nuôi dưỡng, chở che, là nguồn sống và cũng là sự gắn kết con người. Đất đai và sự chăm chỉ lao động giúp gia đình Vương Long từ nông dân nghèo khổ thành một gia tộc giàu có. “Số bạc ấy từ đất đai mà có, từ mảnh ruộng mà anh đã cày sâu cuốc bẫm, vất vả lao động mà có. Anh mưu sinh nhờ đất; anh đổ từng giọt mồ hôi để làm ra hoa màu từ đất, rồi bán hoa màu lấy số bạc ấy”, sách viết. Và ở phần kết tác phẩm, khi Vương Long đã là một ông già gần đất xa trời thì lời dặn dò cuối của ông với con cái vẫn là: “Một gia tộc sẽ chấm hết, khi họ bắt đầu bán đất”, ông nói giọng khàn đặc. “Chúng ta từ đất mà ra và chúng ta sẽ quay về với đất, nếu còn giữ được đất đai, các con có thể sống tiếp, không ai có thể cướp đất của các con”.
Với tác phẩm Đời con, khi Vương Long qua đời, ba người con trai của ông bán đất để sống theo ý muốn của bản thân. Nhưng không ai trong số họ thấy hạnh phúc và hài lòng cho dù họ vẫn giàu có, vẫn quyền lực.
Sang đến Ly tán, lúc cả gia tộc phân ly theo những đường đi, lý tưởng sống khác nhau, cậu cháu nội Vương Nguyên sau nhiều dằn vặt, mâu thuẫn nội tâm, đã quay về mượn đất để chữa lành, cũng nhờ đất mà tìm thấy được tình yêu và hạnh phúc. Đất ở đây lại mang thêm ý nghĩa tái sinh sự sống. Cuộc đời con người cũng là hành trình tìm về với đất như tìm về một sự chở che, nuôi dưỡng.
Từ khi còn nhỏ, Vương Nguyên thích đất đai, đồng ruộng và ngôi nhà cũ của ông nội Vương Long như một tổ ấm bình yên, đối lập với thế giới phức tạp, xô bồ bên ngoài, giúp cậu xoa dịu những vết thương lòng, những bất trắc, bất toàn của cuộc đời.
“Cậu có thể phóng mắt đến tận chân trời, ngắm những thôn xóm bé nhỏ ẩn sau lùm cây rải rác trong vùng, nằm xa phía tây bức tường thành thị trấn, đen đúa nhấp nhô nổi trên nền trời màu men sứ. Bởi ngày nào cũng nhìn ngắm thỏa thuê tùy thích, khi ngồi trên lưng ngựa hay cuốc bộ trên mặt đất, mà cậu thấm thía ý nghĩa của từ “quê hương”. Những cánh đồng, mặt đất, bầu trời, những ngọn đồi nhợt nhạt, trơ trụi, thân thương này, tất cả đều là quê hương cậu”, sách có đoạn.
Bộ ba tác phẩm có thể đọc riêng rẽ, độc lập, nhưng cũng có thể đọc liền mạch. Bởi tuy viết về những số phận riêng, cả ba vẫn có hình ảnh chung về những con người và đất nước Trung Hoa một thời đại đã qua.
Pearl Buck (1892-1973), sinh ra ở Mỹ và lớn lên ở Trung Quốc. Trong suốt quãng đời sáng tác văn chương, bà để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, phần lớn đều lấy cảm hứng từ Trung Quốc, như Gió Đông gió Tây, Người cung nữ, Yêu muộn.
Dù chỉ sống ở Trung Quốc một phần ba cuộc đời, mảnh đất và con người nơi này khiến cho Pearl Buck có cảm hứng sáng tác hơn 60 tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bốn vở kịch và một kịch bản phim. Những thành công trong văn chương của Pearl Buck được ghi nhận bằng hai giải thưởng: Giải Pulitzer năm 1932 với tác phẩm Đất lành (The Good Earth) và Nobel Văn học năm 1938. Ngoài ra Pearl Buck còn dịch một số tác phẩm văn học Trung Quốc kinh điển sang tiếng Anh, nổi tiếng nhất là tác phẩm Thủy hử của Thi Nại Am với bản tiếng Anh mang tên All Men Are Brothers.
Hà Thanh Vân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bieu-tuong-dat-trong-tac-pham-cua-pearl-buck-4746910.html