“Biệt động Sài Gòn” – phim kinh điển về lực lượng kháng chiến – vào top 50 tác phẩm tiêu biểu của TP HCM.
Kết quả được công bố trong buổi vinh danh tác phẩm dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, sáng 25/4 tại TP HCM.
50 tác phẩm tiêu biểu thuộc chín lĩnh vực, gồm: Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Kiến trúc, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Quá trình bình chọn trải qua ba cấp, nhiều chuyên gia góp mặt. Ban đầu, hội đồng sơ khảo chọn ra 91 tác phẩm, sau đó qua nhiều vòng, chốt lại danh sách với con số 50. Ở lĩnh vực phim ảnh, Biệt động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân) là một trong sáu phim được bình chọn.
Bà Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao – cho biết tác phẩm đạt các tiêu chí về chất lượng, giá trị tư tưởng, nghệ thuật, ca ngợi phẩm chất của con người Việt Nam và có sức lan tỏa sâu rộng.
Nghệ sĩ Hà Xuyên đóng vai Ngọc Mai, chiến sĩ tình báo có bí danh Z20, trong “Biệt động Sài Gòn”. Ảnh: Xưởng phim truyện Việt Nam
Phát hành năm 1986, phim xoay quanh những chiến công của đội biệt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm ban đầu được Thiếu tướng Hải Phụng (nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, lúc ấy là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP HCM) đặt hàng, khởi động từ năm 1981, bấm máy bốn năm.
Phim gồm bốn tập Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em. Nhân vật chính là Tư Chung – Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng đồng đội Ngọc Mai, đóng giả một cặp vợ chồng giàu có, ngày ngày chạm trán quân địch. Những đồng đội khác của họ như Sáu Tâm, Huyền Trang, Năm Hòa (bí danh K9) giữ nhiều vị trí, cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Cảnh nhân vật Tư Chung trong “Biệt động Sài Gòn”
Phân cảnh của nhân vật Tư Chung (0:27) – nghệ sĩ Quang Thái đóng – trong “Biệt động Sài Gòn”. Video: VFS
Tác phẩm gây ấn tượng với những cảnh chiến đấu lẫn các tình huống đấu trí căng thẳng. Ông Vũ Văn Nha – chủ nhiệm phim – từng cho biết sau khi ra mắt, tác phẩm thu hút hơn 10 triệu lượt khán giả đến rạp. Phim là bệ phóng của hàng loạt tên tuổi từ vai chính đến phụ, như Thương Tín, Quang Thái, Thúy An, Thanh Loan, Hà Xuyên.
Sau gần 40 năm ra đời, phim là một trong những tác phẩm sống mãi với thời gian của Hãng Phim truyện Việt Nam, được chiếu lại trong một số dịp kỷ niệm của đất nước. Trên một kênh YouTube đăng tải phim, mỗi tập hút khoảng bảy, tám triệu lượt xem.
Quay phim trong thời kỳ đất nước còn khó khăn thiếu thốn, đạo diễn Long Vân không sử dụng cascadeur (diễn viên đóng thế), các nghệ sĩ phải đánh đấm thẳng tay trong nhiều cảnh. Nghệ sĩ Hai Nhất (vai Ba Cẩn) cho biết nhớ nhất đoạn bị diễn viên Thương Tín (vai Sáu Tâm) đá, lực khá mạnh khiến ông đau đớn. Ở cảnh ni cô Huyền Trang bị tra tấn, nghệ sĩ Thanh Loan bị dội nước lạnh, quay trong một đúp. Cảnh em bé giao liên do Vân Dung – con gái đạo diễn Long Vân đóng – bị tra tấn bằng bầy rắn, ông mua rắn thật từ một nhà hàng, nhổ răng, rút nọc, không cho con biết trước.
Nghệ sĩ Thanh Loan vào vai ni cô Huyền Trang – chiến sĩ biệt động phải khoác áo tu hành để hoạt động. Ảnh: VFS
Các bộ phim còn lại trong danh sách được vinh danh, gồm: Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến), Ván bài lật ngửa (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng), phim tài liệu truyền hình Mê Kông ký sự (tổng đạo diễn Phạm Khắc), phim Ngọc trong đá (đạo diễn Trần Cảnh Đôn).
* Danh sách 50 tác phẩm tiêu biểu của TP HCM nửa thế kỷ qua
TP HCM sẽ tổ chức triển lãm vinh danh, đồng thời lên kế hoạch quảng bá suốt hai năm để lan tỏa sức ảnh hưởng của các tác phẩm đến công chúng.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/biet-dong-sai-gon-la-phim-tieu-bieu-cua-tp-hcm-50-nam-qua-4878587.html