Nhiều đại diện giới làm sách cho rằng AI chưa thể truyền tải sắc thái nhân vật tốt như con người khi chuyển ngữ tác phẩm văn học.
Tọa đàm dịch thuật và ra mắt bản dịch Cuốn sách hoang dã của tác giả Tây Ban Nha Juan Villoro diễn ra sáng 9/5 tại Hà Nội. Trong bối cảnh AI hiện diện ở nhiều lĩnh vực, các diễn giả đề cập đến tính khả thi của việc sử dụng công cụ này trong dịch sách.
Ông Nguyễn Xuân Minh – giám đốc Kế hoạch và Bản quyền Công ty sách Nhã Nam – cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ dịch văn bản tin tức, tài liệu khoa học đơn giản nhưng không phù hợp với tác phẩm văn học. Theo ông, trong quá trình chuyển ngữ, người dịch phải mường tượng thái độ, cách nói chuyện, xem nhân vật đang lên giọng hay hạ giọng để mô tả đúng sắc thái từ ngữ.
Ông Nguyễn Xuân Minh tham gia phần tọa đàm sáng 9/5. Ảnh: Châu Anh
Ông ví dụ: “Từ you khi dịch ra tiếng Việt đã có hàng chục đại từ thay thế. Chỉ người dịch mới có thể xác định đúng đại từ. Trên thế giới, các nhà xuất bản yêu cầu nghiêm khắc đối tác không được sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch tác phẩm văn học. Trong nước, hợp đồng bản quyền của Nhã Nam cũng yêu cầu điều này”. Ông cho biết gần đây, tại Hội sách London 2025, có hàng chục hội thảo xoay quanh vấn đề đạo đức và sử dụng AI trong dịch thuật. Đại diện đơn vị phát hành sách cho rằng người dịch cần trau dồi kiến thức để ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiệu quả, “làm tốt hơn AI”.
Đồng quan điểm, dịch giả Lê Mạnh Thắng cho rằng với các tác phẩm văn học, AI chưa thể dịch đạt các yếu tố Tín – Đạt – Nhã, ba nguyên tắc dịch thuật cốt lõi. Tín là nội dung phải đúng nguyên bản; Đạt là cách diễn đạt, viết câu đúng nghĩa; Nhã chỉ cái hay, ví von của bản gốc mà bản dịch phải truyền tải được. Song, anh cho biết có thể dùng trí tuệ nhân tạo để nắm ý, nội dung: “Khó để dịch mà không sử dụng AI hay dịch tự động. Từ khi đi học, tôi đã được dạy về các phần mềm hỗ trợ dịch. Tuy nhiên, tùy loại văn bản mà trí tuệ nhân tạo hỗ trợ được ít hay nhiều. Việc chính vẫn thuộc về người biên, phiên dịch”.
Từ trái qua: Nhà văn, dịch giả Chu Thùy Anh, dịch giả Lê Mạnh Thắng, Thạc sĩ Nguyễn Thùy Trang tại buổi tọa đàm và ra mắt sách sáng 9/5. Ảnh: Châu Anh
Các diễn giả còn bàn về vấn đề dịch sách qua ngôn ngữ trung gian. Theo đại diện đơn vị phát hành sách, có ít người dịch các tiếng như Tây Ban Nha. Ông Nguyễn Xuân Minh cho biết hiện nay, văn học hay sách vở dịch từ ngôn ngữ này không nhiều, hầu hết được chuyển ngữ thông qua phiên bản tiếng Anh, Pháp.
Các chuyên gia chỉ ra văn hóa các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Mỹ Latin rộng lớn, sâu sắc. Dịch giả phải tìm hiểu kỹ văn hóa, phong cách viết của tác giả để tìm ra giọng văn phù hợp. Việc dịch qua ngôn ngữ trung gian gây trở ngại lớn bởi người dịch không được tiếp xúc trực tiếp với bản gốc, thiếu đi sự thuần khiết, hiểu sát với ngôn từ trong bản gốc. Thạc sĩ Nguyễn Thùy Trang lấy ví dụ việc phiên âm tên nước ngoài của nhân vật ra tiếng Việt. Bà cho rằng giữ tên nhân vật khi dịch chứ không phiên âm cũng là cách lan tỏa, tôn trọng văn hóa quốc gia đó.
Mặt khác, nhà xuất bản cũng gặp khó khăn trong vấn đề bản quyền khi dịch qua ngôn ngữ trung gian. “Với tác phẩm dịch thông qua tiếng Anh, phải xin phép cả tác giả bản gốc và bản tiếng Anh. Đôi khi, tác giả chỉ muốn sáng tác của mình được dịch từ tiếng gốc”, theo ông Nguyễn Xuân Minh.
Sự kiện còn đề cập học tập và cơ hội việc làm cho người học tiếng Tây Ban Nha, nhất là lĩnh vực xuất bản và giao lưu, trò chuyện về tác phẩm Cuốn sách hoang dã dưới góc nhìn ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục.
Tọa đàm được tổ chức dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mexico, có sự tham gia của Đại sứ Mexico tại Việt Nam, nhà văn, dịch giả Chu Thùy Anh và các giảng viên, sinh viên khoa tiếng Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội.
Châu Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ai-khong-the-dich-tot-tac-pham-van-hoc-4883906.html