Tác giả Dương Kỳ nghiên cứu truyền thống thẩm mỹ và di sản nghệ thuật, trong sách “Lịch sử mỹ thuật Trung Hoa”.
Tác giả Dương Kỳ, 90 tuổi, là Giáo sư Khoa Lịch sử và Lý luận Nghệ thuật, Học viện Nghệ thuật, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Ngoài giảng dạy, ông quảng bá và lan tỏa kiến thức nghệ thuật qua các kênh truyền thông, cố vấn nghệ thuật chương trình Quảng trường Văn hóa Thế giới của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ông cũng dẫn chương trình Giảng đàn danh sư và Giảng đường Văn hóa Trung Hoa của Đài truyền hình Bắc Kinh. Dương Kỳ từng xuất bản một số cuốn sách, nổi bật là Dẫn nhập về Nghiên cứu Nghệ thuật, 10 bài giảng về Nghệ thuật hang động Đôn Hoàng.
Bìa “Lịch sử mỹ thuật Trung Hoa”. Sách 436 trang, phát hành đầu tháng 5. Ảnh: Omega+
Cuốn Lịch sử mỹ thuật Trung Hoa của ông gồm 14 phần, trình bày về mỹ thuật qua các triều đại lớn như thời Hạ Thương Chu (năm 2070 TCN-256 TCN), thời Tần (năm 221 TCN-206 TCN), thời Hán (năm 206 TCN- 220), thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (năm 220-581). Qua đó, độc giả có dịp khám phá nhiều tác phẩm, hiểu thêm về 50 nghệ sĩ góp phần phát triển hội họa, điêu khắc, thư pháp và kiến trúc. Tác giả còn mô tả bối cảnh văn hóa xã hội từng thời kỳ, thủ pháp, tinh thần và mục đích của nền mỹ thuật.
Xét về mặt thể hiện cảm xúc, sự phát triển mỹ thuật trải qua ba giai đoạn: Theo đuổi hình tự (theo đuổi cái giống về mặt hình thức bên ngoài), dùng hình tả thần (dùng hình thức để diễn tả thần thái) và tâm họa (khắc họa nội tâm). Hội họa đề cao tính biểu đạt, chất trữ tình và ý tứ cảm xúc, hướng đến những giá trị nhân văn cao đẹp và tâm hồn trong sáng.
Theo tác giả, đặc trưng của mỹ thuật Trung Quốc là nội dung phong phú, một lời khó diễn tả hết. Hội họa không thể tách rời với tư tưởng triết học cổ đại. Trong đó, tư tưởng Thiền tông ảnh hưởng muộn nhất, nhưng lại gợi ra nhiều thay đổi thẩm mỹ. “Nó chủ trương ‘lĩnh ngộ’, thông qua tu luyện để đạt đến cảnh giới lý tưởng siêu phàm thoát tục, loại bỏ mọi tạp niệm, tĩnh lặng quên mình, đi vào trạng thái thuần khiết ‘chân như’, đạt đến cảnh giới tâm thân thông suốt, hòa vào tự nhiên, quên vật quên mình. Đây cũng là cảnh giới ý cảnh cao nhất mà hội họa Trung Hoa theo đuổi”, tác giả viết.
Một số tranh minh họa trong cuốn sách. Ảnh: Omega+
Theo giới chuyên môn, cuốn Lịch sử Mỹ thuật Trung Hoa của ông Dương Kỳ được ví là bức tranh toàn cảnh về di sản nghệ thuật và thẩm mỹ qua 5.000 năm. Ông giới thiệu nền văn hóa qua những tranh vẽ trên đá thời tiền sử, bức sơn thủy họa của Vương Hi Mạnh, tượng điêu khắc Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng.
Sách có đoạn: “Dùng quy luật cơ bản của phát triển mỹ thuật để quan sát quá trình phát triển, chúng ta có thể thấy mỹ thuật Trung Quốc giống Hoàng Hà dào dạt, Trường Giang cuồn cuộn, đợt sóng này nối tiếp đợt sóng khác, mỗi một đợt sóng từ đáy dâng lên cao, rồi lại từ cao đi xuống đáy. Khái quát lại có ba đợt sóng: Đầu tiên là nhân vật họa, thứ hai là sơn thủy họa, thứ ba là hoa điểu họa. Mỗi đợt sóng này đều trải qua quá trình khởi đầu – hưng thịnh – suy tàn”.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/5-000-nam-my-thuat-trung-hoa-qua-sach-4881405.html