Loại gỗ vương giả đắt đỏ bậc nhất của Việt Nam đó chính là hoàng đàn tuyết Lạng Sơn. Loại cây quý hiếm này đang được bảo tồn để tránh tuyệt chủng.
Chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Trung tâm cây giống Tam Đảo, Vĩnh Phúc, cho biết gỗ hoàng đàn tuyết Lạng Sơn là một trong những loại gỗ quý hiếm và có giá trị cao tại Việt Nam. Gỗ nổi bật nhờ hương thơm đặc trưng, vẻ đẹp tự nhiên và giá trị phong thủy sâu sắc. Đây là loại gỗ được gắn với nhà phật, xua đuổi tà ma, mang lại may mắn cho người sở hữu.
Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn có tên khoa học Cupressus torulosa D.Don, thuộc giống tùng là loài cây gỗ lớn, thường xanh, cao từ 15–20 mét, phân bố chủ yếu ở vùng núi đá vôi cao trên 300m tại Lạng Sơn, đặc biệt là khu vực Hữu Liên, Hữu Lũng.
Loài cây này được xếp vào nhóm IA – nhóm thực vật cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, do số lượng còn lại rất ít và đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Năm 2019, theo ghi nhận của báo Lạng Sơn, trên diện tích hơn 8.200 ha của Khu rừng đặc dụng Hữu Liên chỉ còn 7 cây hoàng đàn mọc trong tự nhiên đang sinh trưởng và phát triển.
Theo số liệu cập nhật từ cổng thông tin điện tử Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn năm 2021, nhờ sự nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát triển cây hoàng đàn của Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên và người dân trên địa bàn, đến nay, loài cây quý này đang dần phục hồi về số lượng cá thể.
18 cá thể cây hoàng đàn tuyết Hữu Liên ngoài tự nhiên được BQL rừng đặc dụng dùng để lấy hạt ươm giống.
Loại gỗ có giá trị kinh tế cao
Theo ông Biên, hoàng đàn tuyết Lạng Sơn thuộc nhóm gỗ quý nên có giá trị kinh tế rất cao. Tại Lạng Sơn, có người sở hữu cây hoàng đàn tuyết được trả giá hơn 10 tỷ nhưng vẫn không bán. Trong tự nhiên, hoàng đàn tuyết được bảo vệ nghiêm ngặt.
Cây hoàng đàn tuyết Lạng Sơn cho gỗ chất lượng cao, lõi gỗ màu đẹp, có nhiều dầu. Nhờ vào vẻ đẹp tự nhiên và hương thơm đặc trưng, gỗ hoàng đàn tuyết được sử dụng để chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp như: vòng tay, tượng gỗ, đồ nội thất…
Những sản phẩm này không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn được ưa chuộng vì ý nghĩa phong thủy và tinh thần mà chúng mang lại.
Gỗ hoàng đàn tuyết Lạng Sơn là một báu vật thiên nhiên, kết tinh giữa vẻ đẹp tự nhiên và giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc, xứng đáng được bảo tồn và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thời gian trồng hoàng đàn tuyết Lạng Sơn sẽ phải mất 30 năm mới có thể thu hoạch được, ông Biên nói.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Văn Biên, tiềm năng kinh tế của cây hoàng đàn tuyết Lạng Sơn không chỉ là ở gỗ mà còn ở giá trị cây cảnh, cây phong thuỷ.
Hiện nay, những loại cây hoàng đàn tuyết được trồng từ 5 – 7 năm vẫn có nhiều người sưu tầm tìm mua để trồng cây cổ thụ. Hoàng đàn tuyết có thể dùng làm cây bonsai tạo ra dáng thế rất đẹp. Giá trị kinh tế từ cây cảnh hoàng đàn tuyết là rất lớn. Những cây nhỏ, cao vài chục cm, đã có giá từ vài trăm nghìn tới hơn triệu đồng/cây – ông Biên thông tin.
Vị chuyên gia lâm nghiệp khuyến cáo, hiện nay rất nhiều người tìm mua hoàng đàn tuyết Lạng Sơn nhưng mua sai giống, lý do bởi cây hoàng đàn tuyết con rất dễ bị nhầm lẫn với các cây tùng cối, pu mơ, bách xanh hoà bình, hoàng đàn Vân Nam (Trung Quốc). Do trồng cây hoàng đàn tuyết phải mất cả một đời người (30 năm mới có thể thu hoạch) cho nên phải chọn đúng giống trồng.
Cây hoàng đàn tuyết Lạng Sơn tán dày, từ khi còn nhỏ cây đã tạo tán. Cấu trúc lá non mở, xoè uốn cong về sau. Phiến lá đàn tuyết Lạng Sơn khi thành lá già sẽ bè, không tròn như lá kim.
Trồng hoàng đàn tuyết Lạng Sơn giúp bảo vệ rừng
Cây hoàng đàn tuyết Lạng Sơn thích hợp với đất đá cho nên việc phát triển bảo tồn loại cây này giúp phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái rừng đá vôi, tránh xói mòn đất, suy thoái cảnh quan.
Việc bảo tồn hoàng đàn tuyết có ý nghĩa đặc biệt trong bảo tồn gene thực vật quý hiếm của Việt Nam, tăng cường độ che phủ rừng.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của hoàng đàn tuyết giúp người dân gắn bó hơn với rừng, thay đổi tư duy “rừng là để khai thác” sang “rừng là để nuôi dưỡng”.
Một số dự án trồng rừng gỗ quý ở Lạng Sơn đã thu hút sự tham gia của người trẻ, các tổ chức phi chính phủ, hình thành mô hình bảo tồn – phát triển bền vững.
Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên (Lạng Sơn) cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tiếp tục nuôi trồng thêm hơn 500 cây hoàng đàn tuyết, nhằm phát triển loài cây này theo hướng bền vững, lâu dài và hướng đến các giá trị gia tăng từ việc khai thác, tạo sản phẩm phục vụ cho du lịch, y học…
Nguồn tin: https://cafef.vn/viet-nam-co-loai-vuong-moc-dat-hon-vang-rong-chu-so-huu-duoc-tra-10-ty-van-khong-ban-188250422060520922.chn