1. Không hiểu rõ mình là ai
Có một câu chuyện như thế này: Một người phụ nữ trung niên cùng con trai ngồi trên ghế dài trong khu vườn của công ty thuộc tập đoàn Colossus Group nổi tiếng của Mỹ. Trời nóng khiến cô lấy khăn giấy lau mồ hôi liên tục, sau đó vò lại và ném vào bụi cây mà một ông già vừa cắt. Mỗi lần như thế, ông lão đều nhặt chúng lên và bỏ vào thùng rác.
Cô thấy vậy liền bảo với con mình: “Mẹ mong con hiểu rằng nếu bây giờ con không chăm chỉ học hành, thì tương lai con chỉ có thể làm những công việc thấp kém như ông già kia!”
Ông già nghe vậy liền lại gần và hỏi cô vào đây bằng cách nào. Người phụ nữ tự hào cho biết mình là trưởng phòng của một công ty thuộc tập đoàn này. Sau đó, ông mượn điện thoại của người phụ nữ để gọi cho ai đó. Cô ta đưa điện thoại cho ông lão nhưng vẫn không quên ném cho ông một cái nhìn khinh bỉ vì đến điện thoại ông cụ cũng không có. Tuy nhiên, người phụ nữ này không thể ngờ rằng ông cụ đó chính là chủ tịch của tập đoàn cô đang làm việc. Thái độ lúc nãy của cô cũng chính là nguyên nhân khiến cô bị sa thải ngay sau đó.
Hiện nay, có rất nhiều người giống như người phụ nữ này trong cuộc sống. Họ làm việc trong một cửa hàng sang trọng thì tự cho mình cái quyền coi thường những khách hàng có vẻ nghèo khó. Họ quên mất rằng bản thân cũng chỉ là người làm công ăn lương, phải phụ thuộc vào người chủ, không những thế còn tự mình đánh mất những khách hàng tiềm năng.
Những người này mới có chút thành tựu đã tự cao tự đại, không hiểu rõ chính mình để rồi cuối cùng tự rước họa vào thân. Người ta thường nói 7 tội lỗi lớn nhất của con người chính là: kiêu ngạo, nổi giận, lười biếng, tham lam, ghen tị, tham ăn, dục vọng. Trong đó, kiêu ngạo đứng đầu.
Lý do khiến con người tự đánh giá cao về bản thân chính là họ không biết mình đang ở đâu và nghĩ rằng mình tuyệt vời. Trèo cao thì ngã đau. Nếu bạn không biết mình là ai, trẻ thì khó công thành danh toại, đến già vẫn mông lung trong hành trình tìm kiếm bản thân, không có bến đỗ rõ ràng. Đến cuối cùng, bạn cũng chỉ tự mình đào hố chôn mình mà thôi.
2. Nghĩ bản thân không ai có thể thay thế
Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc Lưu Dung đã nói rằng: “Bản chất con người là lấy bản thân làm trung tâm, và luôn cho rằng mình là quan trọng nhất.” Trong cuốn sách “Bản chất con người bạn phải biết” của mình, nhà văn này đã kể câu chuyện về nhân vật mang tên Hổ Nữu vốn là tài vụ của một công ty lớn. Bởi vì phạm một sai lầm trong công việc nên cô gái này đã khiến người quản lý rất tức giận. Dẫu vậy, cô không hối lỗi mà đóng sầm cửa lại và bỏ đi.
Vì Hổ Nữu là người có năng lực nên quản lý sau đó đã nhún nhường và mong cô tiếp tục làm việc. Hổ Nữu cũng cho rằng bản thân nắm giữ nhiều thông tin khách hàng của công ty nên vị trí này của cô không thể để người khác thay thế. Do đó, cô đã đưa ra nhiều yêu cầu quá đáng để làm khó quản lý. Không ngờ, quản lý chẳng những không đáp ứng những đòi hỏi của cô mà còn giải quyết êm xuôi mọi việc, cuối cùng Hổ Nữu cũng chính thức bị sa thải.
Trên đời này làm gì có thứ gì “nhất định phải có”. Như một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc cũng đã nói: “Con người đều sẽ trải qua ba giai đoạn trong cuộc đời: quan trọng, đã từng quan trọng và không còn quan trọng”.
Ai trong chúng ta ít nhiều đều có hai nhược điểm: Một là tự phụ, hai là hay phàn nàn. Để nhìn nhận bản thân một cách rõ ràng, trước hết phải khắc phục được hai nhược điểm này. Với những người tự cao, hãy lắng nghe ý kiến của người khác nhiều hơn. Đối với những người hay than phiền về cuộc sống thì phải điều chỉnh tâm lý, nhận ra khuyết điểm của mình, khơi dậy lòng tin ở bản thân và cố gắng để thay đổi thực tại.
Tuổi trẻ bạn hiểu rõ chính mình, biết mình là ai, ở đâu, làm gì thì mới có thể làm nên đại sự. Về già, hiểu mình và vị trí của mình sẽ giúp bạn biết thế nào là đủ, có cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Chỉ cần mỗi người đều hiểu đúng bản thân thì đều có thể sống một đời bình yên, ít sóng gió.
(Theo Aboluowang)
Nguồn tin: https://cafef.vn/ve-gia-nguoi-chua-ngo-ra-2-dieu-nay-thi-den-cuoi-doi-van-kho-so-kho-vien-man-18823122113335103.chn