Hai rưỡi sáng, ông Trương Thế Ngọc (63 tuổi, Trung Quốc) leo ra khỏi giường. Ông tắt chuông báo thức trên điện thoại di động, uống vài ngụm nước và cố gắng thoát ra khỏi cơn buồn ngủ.
Hiện ông đang sống cùng 7 người đồng nghiệp khác trong một căn nhà thuê rộng khoảng 80m2. Không khí trong nhà đục ngầu, xen lẫn mùi mồ hôi và thuốc lá. Dẫu biết không ổn song ông vẫn phải chấp nhận bởi giá thuê rẻ, chỉ 200 NDT/người/tháng, tiền điện nước chia đều số người trong nhà.
Sau khi vệ sinh cá nhân, ông Ngọc đi xuống cầu thang rất nhanh. Khi đến sảnh tầng 1, ông khéo léo đếm đủ số lượng chổi lớn, chổi nhỏ, cũng như găng tay, khăn tắm, bình nước. Sau đó, ông mặc chiếc áo phản quang, leo lên chiếc xe gom rác 3 bánh để bắt đầu một ngày làm việc của mình.
Tuổi đã cao nhưng ông vẫn phải cố gắng đạp chiếc xe gom rác trên đoạn đường 2,8km trong 24 phút để kịp đến nơi làm việc trước 3h30. Đến 6h sáng, với sự hỗ trợ của xe quét rác, ông và đồng nghiệp đã hoàn thành công việc dọn dẹp 1,7km đường chính, 1km đường phụ cùng quảng trường nhỏ và 1 chợ rau.
Đây là năm thứ 2, ông Trương Thế Ngọc làm công nhân vệ sinh. Chiếc khẩu trang dùng một lần màu xanh lam không thể che giấu được sự mệt mỏi trên khuôn mặt của người đàn ông. Công việc này cho ông mức thu nhập 2.000-3.000 NDT/tháng. Số tiền này chủ yếu để ông chuyển cho con trai trả nợ thế chấp. “Mệt lắm, nhưng tôi đâu có lựa chọn nào khác để có tiền cho con trai?”.
Khó khăn chồng chất
Ông Trương Thế Ngọc sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo. Thậm chí, ông còn sinh sống tại làng nghèo nhất huyện. Vợ chồng ông sinh được 2 người con, gồm 1 trai và 1 gái.
Do hoàn cảnh gia đình, cả 2 người con của ông sớm bỏ học sau khi tốt nghiệp cấp 2. Vừa tròn 20 tuổi, con gái ông Ngọc lấy chồng sau khi làm việc ở xưởng chăn bông được vài năm. Trong khi, anh con trai thì liên tục gặp rắc rối.
Đầu tiên, anh con trai đến một nhà hàng làm phụ bếp nhưng chỉ được vài tháng lại bỏ. Sau đó, ông Ngọc cho con đi học bằng lái xe tải để có được công việc mức lương cao hơn. Tuy nhiên, sau một lần va chạm, anh từ bỏ công việc này khi đã 27 tuổi.
Khỏe mạnh, tính cách hướng ngoại, ai cũng đánh giá con trai ông Ngọc hiếu thảo và ngoan ngoãn. Ở độ tuổi của anh, mọi người đều có công việc ổn định nhưng con trai ông lại thích ở nhà hơn.
Anh nghĩ nếu còn ở với bố mẹ thì mọi chuyện sẽ được lo liệu hết. Sau khi được một người cùng làng giới thiệu, cuối cùng, anh cũng chịu làm nhân viên bảo vệ tại một công ty. Công việc không tốn nhiều sức lực nhưng sẽ phải làm ca đêm.
Quen một cô gái cùng chỗ làm được gần 1 năm, khi nghe được yêu cầu “chỉ kết hôn nếu mua được nhà ở thành phố”, anh biết rằng mối quan hệ này sắp kết thúc. “Nếu không trúng số, tôi nghĩ có làm cả đời cũng không dám nghĩ về việc mua một căn nhà ở thành phố’, con trai ông Ngọc nói.
Nhận thấy bản thân không thể đáp ứng, anh chấp nhận chia tay mối tình này. Sau đó, anh cũng làm quen với một vài cô gái khác nhưng đều thất bại. Bởi ai cũng ra yêu cầu rất cao.
Ngôi nhà ở thành phố là một gánh nặng
Nhận thấy ngôi nhà trong thành phố trở thành yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của hôn nhân, ông Ngọc quyết định ‘tậu’ cho con một căn hộ 2 phòng ngủ 450.000 NDT (khoảng 1,5 tỷ đồng). Ông tuyên bố cho dù có phải vay tiền ông cũng không muốn con trai mình bị thua thiệt.
Gia đình ông mượn tiền của họ hàng với bạn bè được vỏn vẹn 250.000 NDT đủ tiền cọc mua nhà. Mùa hè năm đó, con trai ông Ngọc được nhận sổ đỏ. Cùng năm đó, anh cưới vợ. Toàn bộ tiền mở cỗ cưới gia đình ông cũng vẫn phải đi vay.
Sau khi kết hôn, vợ chồng anh con trai phải tự lo trả nốt khoản vay thế chấp. Theo đó, hai người sẽ phải lo trả 2.700 NDT/tháng cho ngân hàng. Sống trong căn nhà mới ở thành phố, song các con của ông Ngọc không cảm thấy hạnh phúc.
Sau khi dọn vào ở nhà mới được 1 năm, vợ chồng anh đã không còn đủ khả năng chi trả tiền vay ngân hàng. Với mức lương 3.000 NDT hàng tháng, con trai ông Ngọc phải chi trả toàn bộ chi phí trong nhà. Vì vợ anh đang ở cữ sau sinh nên không thể đi làm.
Đến lúc này, con trai ông Ngọc dần nhận ra họ cần phải chi tiêu nhiều khoản hơn dự kiến. So với cuộc sống ở làng, mọi chi phí sinh hoạt tại thành phố đều đắt đỏ hơn.
Đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh bị sa thải tại công ty. Do không có bằng cấp, anh rất khó tìm được một công việc tốt. Lang thang nửa tháng, anh may mắn lại xin được làm bảo vệ tại một công ty gần nhà. Vì cần tiền để trang trải và trả nợ nhà, anh chấp nhận làm cố định ca đêm để có mức lương cao hơn.
Dẫu vậy, do quá nhiều khoản phải chi nên dường như tiền lương của anh là không đủ. Đến kỳ hạn trả nợ ngân hàng, anh thường vay tạm em gái. Lúc khó khăn quá, anh lại phải vay tiền của mẹ.
Nhìn thấy cuộc sống của con trai quá khó khăn, dẫu đã ngoài 60 tuổi song, ông Trương Thế Ngọc chấp nhận lên thành phố làm dọn vệ sinh để có thêm khoản phí giúp đỡ các con.
Lúc đầu, con trai ông Ngọc vô cùng xấu hổ khi nhận tiền của cha. Song với sự giúp đỡ của cha, cuộc sống của gia đình anh ‘dễ thở’ hơn nên vẫn phải nhận tiền. Đến lúc này, anh cảm thấy ngôi nhà ở thành phố đã khiến cuộc sống của gia đình bị đè nén. Khoản tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng giống như một sợi dây vô hình ghì chặt mọi người không được tiến về phía trước.