*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Tần Mỹ Anh, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
“Con đàn cháu đống” vẫn cô đơn
Tôi kết hôn năm 1970, hai vợ chồng có 2 con trai và 2 con gái. Khi còn trẻ, tôi rất tự hào về 4 đứa con của mình, nhưng khi lớn lên, chúng lại khiến tôi vô cùng thất vọng. Điều kiện gia đình tôi cũng không tệ nên đã cố gắng cho các con ăn học, nuôi dạy nên người. Cả 4 người con đều đỗ đại học và có công việc ổn định. Tuy nhiên khi thành đạt rồi, chúng cứ lần lượt rời xa tôi.
Năm tôi 43 tuổi, ở quê nhà chỉ còn hai vợ chồng với nhau. Các con thành gia lập thất, có cuộc sống riêng và bận rộn công việc nên hiếm khi về thăm nhà. Đôi lần, hai vợ chồng già chúng tôi nhớ con cháu quá lại phải lên tỉnh để thăm con. Không hiểu sao tôi lại có cảm giác khi con cái càng trưởng thành, chúng lại càng ít quan tâm đến chúng tôi. Nhiều lần hai vợ chồng ốm đau nằm viện, bệnh nặng hay bệnh nhẹ hầu như đều tự mình lo liệu. Cũng may, chi phí chữa bệnh không quá đắt, vợ chồng tôi vẫn tự lo liệu được nên cũng chẳng muốn phiền đến các con.
Tuy nhiên, 4 năm trước, sau khi chồng tôi lâm trọng bệnh qua đời, chỉ còn mình tôi sống lủi thủi một mình. Tuổi cao, sức đã yếu dần, tôi đâm ra hoang mang. Từ đó trở đi, tôi rất sợ bị ốm đau bệnh tật. Vì sức khỏe của bản thân, tôi chú tâm vào ăn uống và siêng tập thể dục hàng ngày hơn. Thế nhưng tuổi già đến, dù có chăm sóc bản thân kỹ bao nhiêu, tôi cũng không tránh khỏi những lúc ốm yếu.
Sau khi bước sang mốc 60 tuổi, cơ thể tôi lần lượt nảy sinh nhiều vấn đề như viêm khớp, cao huyết áp, tim mạch,… Khi đó, các con cũng có quan tâm và thỉnh thoảng về quê thăm tôi nhưng vì công việc nên cũng đi ngay.
Mùa hè năm ngoái, tôi cần phải phẫu thuật, ca phẫu thuật tuy nhỏ nhưng đối với một người đã ngoài 60 tuổi như tôi vẫn có chút mạo hiểm. Sau ca phẫu thuật, tôi cần ở lại theo dõi 4-5 ngày nên phía bệnh viện yêu cầu tôi phải có người đi cùng. Hoàn cảnh lúc đó cũng rất đặc biệt, vì trong đợt dịch nên bệnh viện chỉ cho phép 1 người nhà đến nên tôi muốn để ba đứa con thay phiên nhau chăm sóc. Tuy nhiên, sau khi tôi đặt vấn đề với các con, câu trả lời tôi nhận được là không ai trong số 4 người có thể đến vì không xin phép nghỉ việc được. Vì vậy, sau khi suy nghĩ, tôi không có ý định làm phiền các con tôi nữa mà nghĩ đến phương án khả thi hơn.
Trong 2 ngày đợi để phẫu thuật, tôi ở một mình. Vào thời điểm đó, tôi được chỉ định vào một khu có 3 bệnh nhân khác cũng có tình trạng bệnh tương tự như tôi. Tuy nhiên, họ đều có gia đình ở bên chăm sóc, chỉ có tôi phải nhập viện một mình. Chồng của bệnh nhân giường bên cạnh khen tôi tôi: “Chị à, chị giỏi thật đấy. Một mình chị nhập viện phẫu thuật mà vẫn tự lo liệu được.”
Nghe những lời đó, tôi cũng chẳng biết nên vui hay buồn. Tôi do dự một chút rồi giả vờ rất tự hào nói: “Thật ra là tôi bí mật đến đây để phẫu thuật. Tôi không muốn người nhà lo lắng quá nên mới nhập viện một mình.” Nói xong những lời này, trong lòng tôi thực sự cảm thấy buồn tủi.
Gần đến ngày phẫu thuật, nhờ sự giúp đỡ của các hộ lý, cuối cùng tôi cũng đã thuê được một cô y tá ở ngoài viện với giá 400 NDT/ngày (tương đương 1,3 triệu đồng). Quả thực, tôi rất cần người chăm sóc tôi sau khi phẫu thuật, người này sẽ giúp tôi kiểm tra kim tiêm, giúp lau vết mổ, giúp tôi nấu cơm và mua đồ. Có thế, tôi mới yên tâm làm phẫu thuật.
Vào ngày thứ ba sau ca tiểu phẫu, vết thương của tôi về cơ bản đã ổn. 2 ngày sau đó, tôi đã có thể tự chăm sóc bản thân và chuẩn bị ra viện. Lúc này tôi cũng hiểu ra rằng tuổi xế chiều của mình không thể dựa dẫm vào các con được. Tôi phải làm gì đó cho chuỗi ngày sau này.
Bài học cho bản thân
8 ngày nằm viện, tôi tiêu tốn hơn 30.000 NDT, trong đó, chi phí thuê người giúp đã hết 2000 NDT (hơn 6 triệu đồng). May thay chi phí này giảm đi rất nhiều vì có bảo hiểm y tế. Với số lương hưu 10.000 NDT/tháng, tôi tin là mình có thể tự lo liệu mà chẳng cần phụ thuộc vào con cái. Do đó, sau khi xuất viện, tôi đã lên một kế hoạch cho tuổi già của mình.
Thay vì trông chờ vào một cuộc sống phải nương nhờ con cháu, trong nhà có việc gì, tôi đều bỏ tiền ra thuê người giúp. Tôi còn tính cả đến lúc sức khỏe yếu dần, bản thân không còn tự lo liệu được mọi việc nên quyết định chuyện bán nhà, lấy số tiền ấy để vào viện dưỡng lão tốt nhất để sống. Tôi nhờ người định giá căn nhà cũ 100m2 nằm ở quê của mình được hơn 1 triệu NDT. Cùng với khoản tiết kiệm 300.000 NDT và khoản lương hưu hàng tháng, tôi hoàn toàn có thể sống thoải mái tự do đến cuối đời.
Có một điều lạ là từ hơn một năm nay sau khi chọn cách tự chủ về tài chính, tôi ít liên lạc với các con hơn thì chúng lại có vẻ quan tâm đến tôi hơn. Ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán, sau khi tôi thông báo thông tin qua một vài người thân rằng tôi định bán căn nhà của mình để vào viện dưỡng lão sống, các con đều chủ động gọi điện hỏi thăm và thường xuyên đến thăm tôi vào những ngày nghỉ.
Hóa ra, nguyên nhân khiến các con tôi bỗng nhiên thay đổi chính là vì khoản thừa kế. Biết được mục đích của các con, tôi cũng trả lời thẳng thắng số tiền bán nhà sẽ được tôi dùng để lo cho cuộc sống sau này. Tôi không có ý định để lại hay chia tài sản cho bất cứ ai. Còn về phần đời còn lại, tôi cũng đã sắp xếp ổn thỏa.
Trong câu chuyện này, các bậc làm cha làm mẹ không nên trách móc con cái làm gì cả. Bởi cha mẹ chăm con là điều hiển nhiên, còn chờ đợi con cái chăm sóc lại mình sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng đừng đổ hết trách nghiệm cho các con mà thay vào đó nên chủ động lựa chọn cho mình một phương án tốt nhất và có sự chuẩn bị từ sớm để thực hiện kế hoạch của mình.
Thay vì thụ động chờ đợi tuổi già ập đến và phải sống phụ thuộc vào con cháu, hãy chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính cụ thể. Có như thế, chúng ta vừa được sống thoải mái mà cũng bớt gánh nặng cho các con. Đến lúc đó, chúng ta chỉ cần hưởng thụ những ngày tháng còn lại mà không cần phải vướng bận quá nhiều việc. Bản thân tôi cũng đang tận hưởng nốt những ngày tháng đó. Nhờ cách nghĩ đó mà tôi thấy rất nhẹ nhõm, ngày nào cũng trôi qua trong vui vẻ.
(Theo Toutiao)