Trứng là một sản phẩm dễ hỏng nên điều quan trọng là phải bảo quản chúng đúng cách và ăn chúng trong thời hạn nhất định.
Trứng để được bao lâu?
Theo Healthline , tại Mỹ và một số quốc gia khác như Australia, Nhật Bản, Thụy Điển và Hà Lan, trứng luôn được được bảo quản lạnh thay vì để ở nhiệt độ phòng. Trứng đã được rửa và khử trùng ngay sau khi gà đẻ nhằm ngăn ngừa Salmonella, loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm từ các sản phẩm gia cầm. Khâu xử lý này có thể làm hỏng lớp biểu bì bảo vệ tự nhiên của trứng, thậm chí có thể giúp vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn. Do đó, trứng cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 4 độ C.
Việc làm lạnh trứng hiệu quả đến mức khi kết hợp với lớp vỏ bảo vệ của trứng và các enzyme, trứng để trong tủ lạnh hiếm khi bị hỏng nếu chúng được xử lý và bảo quản đúng cách.
Điều kiện bảo quản sẽ quyết định trứng để được bao lâu. Cụ thể, trứng để ở nhiệt độ phòng bình thường có thể giữ được trong khoảng 7 – 10 ngày. Trứng để tủ lạnh hoặc được bảo quản lạnh đúng cách có thể giữ được khoảng 5 – 6 tuần.
Theo Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ, trứng sau khi mua về nên xử lý bụi bẩn rồi nhanh chóng cất vào tủ lạnh. Nên bảo quản trứng trong hộp, giúp ngăn hấp thụ mùi và bảo vệ chúng khỏi sự dao động nhiệt độ khi cửa tủ lạnh được mở và đóng.
Vậy trứng để được bao lâu ở nhiệt độ phòng? Trứng không được rửa và làm lạnh có thể được giữ ở nhiệt độ phòng một cách an toàn trong 1 – 3 tuần. Tuy nhiên, sau khoảng 5 ngày ở nhiệt độ phòng, chất lượng trứng sẽ bắt đầu giảm sút.
Sau khoảng 21 ngày, khả năng phòng vệ tự nhiên của trứng sẽ mất đi hiệu quả. Lúc này, bạn có thể cất trứng vào trong tủ lạnh để kéo dài hơn thời hạn sử dụng, nhưng chúng sẽ không để được lâu như trứng đã được giữ trong tủ lạnh từ khi mới mua về.
Cách nhận biết trứng để quá lâu
Để không làm hỏng kế hoạch nấu nướng bởi những quả trứng hỏng, kém chất lượng, bạn cần tham khảo các cách nhận biết trứng để quả lâu được gợi ý dưới đây.
Quan sát vỏ trứng
Đây là cách nhận biết trứng để quá lâu dễ thực hiện nhất. Nhìn vào vỏ trứng, nếu bạn thấy có một lớp phấn mỏng màu trắng, đó chính là trứng mới. Vỏ trứng cũ thường bóng hơn, không còn lớp phấn mỏng bao bọc bên ngoài; vỏ bị trầy xước, thậm chí có vết rạn nứt, bị xuống màu, nhìn quả trứng không còn thấy độ tươi.
Cầm và sờ vỏ trứng
Bạn cầm những quả quả trứng trên tay và thử cảm nhận độ nặng của nó. Quả nặng hơn chính là trứng mới, còn quả nhẹ hơn là trứng cũ.
Khi sờ vào vỏ, nếu bạn thấy có độ ram ráp, nhám nhám thì đó là trứng mới. Quả trứng nào trơn nhẵn, mịn, sờ vào thấy sướng tay thì đó là trứng cũ hoặc rất có thể là trứng đã được tẩy trắng.
Lắc nhẹ trứng
Bạn cầm quả trứng lên, đặt gần tai và lắc nhẹ; nếu nghe thấy tiếng động là trứng đã cũ. Trứng chuyển động mạnh, nghe thấy như tiếng nước là trứng đã bị hỏng. Còn khi bạn lắc mà không nghe thấy tiếng động có nghĩa đó là quả trứng mới.
Soi trứng bằng đèn hoặc ánh nắng
Cầm quả trứng giơ lên phía ánh sáng, bạn sẽ thấy được phần bên trong. Nếu khoảng trống bên trong vỏ trứng (phần buồng khí) nhỏ, lòng đỏ không di động, lòng trắng không có vân thì đó là trứng mới. Buồng khí lớn, lòng trắng có nhiều đường vân chứng tỏ trứng đã cũ và không nên mua.
Kiểm tra mùi
Ngửi cũng là cách nhận biết trứng để quá lâu và hư hỏng rất đáng tin cậy. Quả trứng đã bị hỏng sẽ có mùi không thể nhầm lẫn, dù là trứng sống hay đã nấu chín.
Nếu bạn không thể nhận biết được khi trứng còn trong vỏ, hãy đập trứng vào đĩa hoặc bát sạch và ngửi. Nếu có mùi hôi tanh, hãy loại bỏ nó và rửa sạch bát bằng nước nóng, xà phòng trước khi đem sử dụng lại.
Thả trứng vào nước
Đây là cách nhận biết trứng để quá lâu được rất nhiều người sử dụng. Bạn hãy cho nước vào một chiếc cốc, sau đó nhẹ nhàng đặt quả trứng vào. Quả trứng chìm xuống chứng tỏ nó còn tươi mới. Nếu nó nghiêng hoặc nổi thì đó là trứng cũ. Những quả trứng không còn tươi nhưng cũng không quá cũ sẽ lơ lửng.
Khi quan sát, nếu bạn thấy đầu nhọn của quả trứng chúc xuống dưới là trứng mới, còn đầu to chúc xuống là trứng cũ.
Nguồn tin: https://cafef.vn/trung-de-duoc-bao-lau-trong-tu-lanh-va-o-nhiet-do-phong-188240128082141379.chn