Trong 1 đại gia đình, các thành viên cần đối xử chân thành, hết lòng với nhau để giữ được mối quan hệ tốt đẹp. Ông Đinh, 51 tuổi đến từ Trung Quốc, sinh ra trong 1 gia đình có 5 anh chị em. Trong 5 người, ông có lực học tốt nhất nên được bố mẹ quan tâm nhiều hơn. Khi lớn lên, người đàn ông này đã học Đại học và làm việc tại 1 công ty lớn ngoài thành phố. Trong khi đó, những người anh chị em khác đều chỉ tốt nghiệp trung học và sống bình yên ở quê nhà.
Là người có sự nghiệp ổn định, ông Đinh là niềm tự hào của gia đình. Bố mẹ ông thường nhắc nhở phải có trách nhiệm với anh em ruột thịt trong gia đình, cần giúp đỡ họ nếu có thể. Vì vậy, người đàn ông 51 tuổi từng sống hết lòng với anh em.
Tuy nhiên, sau khi vướng phải 1 vài mâu thuẫn, ông Đinh đã dặn lòng sẽ không “dính” tới 3 sai lầm dưới đây:
1. Không nên tìm việc giúp cháu
Người đàn ông ngoài 50 tuổi từng giúp đỡ con của anh chị em trong nhà tìm việc làm phù hợp. 5 năm trước, con trai ông mở 1 studio trên thành phố để phát triển sự nghiệp. Nhận thấy cháu trai ở quê cũng có năng lực trong ngành nghề này nên ông Đinh giới thiệu cháu đến làm việc. Một tháng, cháu trai ông nhận được 6.000 NDT tiền lương (tương đương 20 triệu đồng).
Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng làm việc, người này về nhà và nói rằng công việc rất áp lực, bó buộc thời gian. Vì vậy, anh luôn rơi vào trạng thái căng thẳng và muốn nghỉ việc. Chưa hết, người này còn cho rằng lương 6.000 NDT không đáp ứng được mong muốn của anh, vì thế không thể tiếp tục gắn bó.
Lúc này, gia đình ở quê bắt đầu xì xào bàn tán về ông Đinh. Họ cho rằng ông Đinh giới thiệu việc làm không tốt cho cháu trai. Hơn nữa, con trai ông Đinh cũng trả lương quá thấp cho người này dù là anh em trong nhà.
Trong gia đình, chúng ta có thể giúp đỡ nhau nhiều thứ nhưng không nên giới thiệu việc làm cho người khác. Dù chúng ta có ý tốt nhưng nếu công việc không vừa ý họ có thể sẽ trách ngược ta.
2. Không tìm bạn đời giúp người khác
Do điều kiện gia đình, trong số 5 anh chị em chỉ có ông Đinh và 1 anh trai đã mua nhà và ô tô ở thành phố, 3 người còn lại phát triển cuộc sống ở nông thôn. Ở quê nhà, cháu trai ông đã ngoài 30 tuổi rồi mà vẫn chưa tìm được bạn đời, vì thế cả gia đình vô cùng lo lắng.
Vì có mối quan hệ rộng nên ông Đình quen biết rất nhiều người, sau đó quyết định giới thiệu con gái của đồng nghiệp cho cháu trai. Cô gái này hơn cháu ông Đinh 1 tuổi nhưng tự chủ về kinh tế, gia đình lại sống rất tình cảm.
Tuy nhiên, sau khi cháu trai tiến tới với cô gái này lại phát sinh rất nhiều mâu thuẫn. Người này bắt đầu đổ lỗi cho ông Đinh rằng đã giới thiệu cho mình 1 người không tốt. Từ đó trở đi, người đàn ông ngoài 50 tuổi đã tự dặn lòng rằng sẽ không tìm bạn đời giúp người khác.
3. Không cho người nhà vay quá nhiều tiền
Vì có điều kiện sống tốt nên ông Đinh có khả năng cho người nhà vay tiền. Tuy nhiên, khi người này cho người thân vay tiền để mua nhà, mua xe, họ lại không trả lại tiền đúng hẹn. Vì cho người thân vay nên ông Đinh không để lại giấy tờ ghi nợ, để người nhà có thể thoải mái. Tuy nhiên cũng vì điều đó mà ông khó nhận lại được số tiền mình đã cho vay.
Sau này, người đàn ông 51 tuổi rút kinh nghiệm, chỉ cho người nhà vay số tiền nhỏ hoặc vay ngắn hạn. Bên cạnh đó, ông cũng nói trước thời hạn phải trả lại để người thân có thể chủ động sắp xếp.
Từ khi áp dụng 3 nguyên tắc trên, ông Đinh cảm thấy cuộc sống của mình suôn sẻ và bình yên hơn nhiều. Dù thân thiết tới mức nào bạn cũng nên tự “chừa đường lui” để mình không rơi vào tình huống khó xử và sống khổ sở.
Theo Toutiao