Câu chuyện thực tế
Lưu, sinh năm 1980 tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Học ở Bắc Kinh, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, anh về quê làm việc trong một viện thiết kế thuộc nhà nước được 4 năm. Khi các bạn cùng lớp và bạn bè của anh lần lượt rời quê hương, một số ra nước ngoài, một số đến các thành phố lớn, anh bắt đầu cảm thấy tiền lương của mình không đủ trang trải cuộc sống, áp lực và khoảng trống trong lòng càng ngày càng lớn. Nhịp sống chậm chạp của các doanh nghiệp nhà nước, mối quan hệ phức tạp giữa các cá nhân và làn sóng di cư của giới trẻ khiến quê nhà dần mất đi sức sống. Cứ như vậy, ở tuổi 26, Lưu đã đưa ra một quyết định táo bạo: xin nghỉ việc và tới Thủ đô.
Ở thành phố, anh thuê một căn phòng khá rẻ và tìm được việc làm. Nhờ nền tảng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, anh nhanh chóng được một công ty sản xuất thiết bị lọc quy mô lớn thuê với mức lương hàng tháng là 6 nghìn tệ (khoảng 20 triệu đồng). Nghĩ mình còn trẻ, còn sức, Lưu thường xuyên đi công tác và có những năm không thể về nhà vào dịp Tết.
Dù cuộc sống còn nhiều thử thách nhưng thu nhập của Lưu lại tăng lên đáng kể. Năm 2010, anh kết hôn với bạn gái và mua một căn nhà hai phòng ngủ rộng hơn 70 mét vuông ở thành phố với số tiền trả hàng tháng khoảng 5,5 nghìn tệ (khoảng 19 triệu đồng). Tuy nhiên, áp lực cuộc sống bắt đầu xuất hiện khi sức khỏe của Lưu cũng xuất hiện vấn đề. Tới nay, ở tuổi 34, anh đã mắc nhiều bệnh như huyết áp cao, lượng đường trong máu cao… và phải dựa vào thuốc để duy trì cuộc sống bình thường. Các phiếu khám sức khỏe hàng năm ngày càng dài hơn.
Vợ nhiều lần khuyên anh điều chỉnh công việc, giảm bớt các chuyến công tác, và tính đến chuyện sinh con. Năm 2016, họ chào đón đứa con đầu lòng. Nhưng có con, một loạt vấn đề lại ập tới. Cha mẹ hai bên thay nhau từ quê lên chăm sóc cháu, tuy nhiên do quan niệm và thói quen sinh hoạt khác nhau nên mâu thuẫn dần trở nên gay gắt, mối quan hệ mẹ chồng – con dâu cũng trở nên căng thẳng. Để bố mẹ có một môi trường sống thoải mái hơn, họ đã dùng tiền tiết kiệm mua được một căn nhà cũ rộng 60m2, để ba mẹ ban ngày tới chăm cháu, buổi tối có thể về nhà ngủ. Mặc dù số tiền phải vay cũng nhiều hơn nhưng mâu thuẫn gia đình cũng đã giảm bớt.
Vì có em bé, họ mua căn nhà thứ hai, Lưu cũng được một người bạn giới thiệu đến một công ty khác làm giám đốc bán hàng. Vì hiểu biết về công nghệ và tài hùng biện xuất sắc, Lưu nhanh chóng tạo dựng được nguồn khách hàng cho riêng mình, nhưng anh cũng phải đối mặt với nhiều hoạt động xã giao và thức khuya hơn. Để có thêm thời gian chăm sóc con, người vợ chỉ làm nhân viên thu ngân ở một công ty, tuy công việc ổn định nhưng đồng lương lại có hạn. Chiến lược của họ là trả dần khoản vay.
Năm 2018, bố của Lưu bị đột quỵ, dù ca phẫu thuật thành công nhưng ông di chuyển khó khăn và phải dùng nạng để hỗ trợ. Cha mẹ già không thể lên thành phố chăm sóc con cái vì mẹ vợ cũng đã có triệu chứng của bệnh Alzheimer. Vì vậy, vợ của anh buộc phải nghỉ việc, ở nhà toàn thời gian, tập trung chăm sóc đứa con chưa tới ba tuổi. Lưu trở thành trụ cột kinh tế duy nhất của gia đình.
Tuy nhiên, kể từ năm 2020, dịch bệnh toàn cầu đã khiến nhiều dự án phải tạm dừng. Hoạt động kinh doanh của công ty Lưu nhanh chóng sa sút. Cuối năm 2021, xu hướng nhân viên nghỉ việc bắt đầu xuất hiện trong công ty, những nhân viên cốt lõi, trong đó có Lưu, đều chấp nhận cắt giảm 80% lương, hy vọng sẽ cải thiện vào năm 2022. Tuy nhiên, không như mong đợi, sau Tết Nguyên đán, một trận dịch quy mô lớn lại bùng phát dẫn đến việc nhiều nơi trên cả nước phải thực hiện đóng cửa thành phố và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, công ty của Lưu không thể trụ nổi. Giám đốc nhân sự cuối cùng đã sa thải anh.
Khi đối mặt với thỏa thuận sa thải, Lưu không hề ngạc nhiên, anh chấp nhận điều kiện bồi thường sa thải.
Trở lại văn phòng, Lưu lặng lẽ nhìn những bức ảnh gia đình trên bàn, khoảnh khắc hạnh phúc của một gia đình ba người. Khi điện thoại di động nhận được lời nhắc về khoản thế chấp tháng này, Lưu hít một hơi thật sâu và nhớ lại những nỗ lực trong mười năm qua, tình yêu thương của người thân, áp lực công việc và những mâu thuẫn trong cuộc sống. Anh đồng thời cũng nghĩ đến cảnh mẹ dìu bố đi dạo, nghĩ tới cảnh mẹ vợ thỉnh thoảng bị mất trí nhớ và không nhận ra anh, nghĩ tới chuyện học hành sau này của các con anh.
Trở về nhà, Lưu quyết định chia sẻ việc này với vợ và rất ngạc nhiên trước sự thấu hiểu và ủng hộ của cô. Họ quyết định bán nhà, trả hết nợ và về quê để có cuộc sống yên bình hơn cho gia đình. Lưu cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, họ trò chuyện rất lâu trước khi đi ngủ, giống như đang hồi tưởng lại những ngày tháng ấm áp ngày xưa.
Lưu nhắm mắt lại, lắng nghe một bản nhạc trong tai nghe, bài hát về thành phố nơi họ bôn ba suốt bao nhiêu năm qua. Đưa ra quyết định này, anh thấy lòng mình thanh thản.
Cần chuẩn bị gì trước khi ra quyết định rời phố, về lại quê hương?
1. Hiểu bản thân muốn gì trước khi bỏ phố về quê
Cuộc sống ở quê mang lại giá trị gì cho bản thân? Điều quan trọng nhất với bản thân là gì? Địa điểm đó có phù hợp với bản thân không?
Đây là 3 câu hỏi bạn phải tự đặt ra trong đầu và suy nghĩ thật kỹ để tìm câu trả lời cho chính bản thân mình. Hiểu rõ, cuộc sống ở quê mang lại giá trị gì cho bản thân bạn; Điều quan trọng nhất với bản thân là gì? Địa điểm đó có phù hợp với bản thân không? Hãy phân tích mặt ưu và nhược kỹ càng trước khi quyết định bỏ phố về quê.
2. Chọn địa điểm phù hợp trước khi bỏ phố về quê
Nếu bạn thích về quê vì phong trào hay muốn trốn tránh áp lực cuộc sống thì chỉ nên về quê vài ngày để thư giãn thôi, sau đó lại vào thành phố làm việc.
Địa điểm phù hợp cho bản thân vô cùng qua trọng. Đa phần ở quê sẽ yên bình nhưng không phải tất cả đều như thế.
Khu vực dân cư mất trật tự, hàng xóm thường xuyên nhậu nhẹt, hát karaoke, không khí có bị ô nhiễm không,…là các yếu tố bạn cần cân nhắc.
3. Chuẩn bị kế hoạch công việc trước khi bỏ phố về quê
Công việc là yếu tố chi phối rất nhiều cho quyết định có nên bỏ phố về quê hay không.
Về quê sẽ có rất ít cơ hội việc làm, không có công ty lớn để bạn phát triển công việc, phải có quan hệ mới xin được việc,…
Chính vì thế, bạn cần tìm một công việc phù hợp với bản thân, phù hợp với cuộc sống ở quê và dành thời gian trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trước nhé!
4. Chuẩn bị tâm lý thật vững vàng trước khi bỏ phố về quê
Áp lực cơm áo gạo tiền, sự nghiệp và chứng kiến bố mẹ già đi là những áp lực mà ai cũng dễ dàng nhận ra. Bạn càng chuẩn bị tâm lý kỹ càng để đối diện với vấn đề này thì câu chuyện về quê sẽ càng nằm trong tầm kiểm soát của bạn.