Lên kế hoạch biếu tặng bố mẹ từ trước
Trần Trang (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng thông thường sẽ dành từ 20-30 triệu đồng để sắm Tết, cao hơn 20-40% so với các tháng khác trong năm. Trong đó, nhu yếu phẩm và quà Tết cho gia đình 2 bên, họ hàng chiếm 30-40%, riêng biếu Tết cho bố mẹ khoảng 20-30%.
“Mình thường biếu bố mẹ tiền mặt và quà tết như đồ ăn ngày Tết, giỏ quà, cây Tết. Mọi năm đều khá giống nhau vì ông bà 2 bên khá đơn giản, chi tiêu Tết hợp lý. Bố mẹ thường được họ hàng bạn bè khắp nơi gửi quà tặng nhân dịp Tết nên cũng khuyên gia đình con cái không nên chi tiêu lãng phí, tránh thừa thãi phải bỏ đi”.
Bên cạnh đó, bố mẹ Trần Trang khá truyền thống thích được tặng vàng, biểu tượng cho sự tích lũy lâu bền từ ngày xưa của các cụ. Tuỳ vào thị giá vàng tại thời điểm Tết, cô sẽ cân nhắc để mua tặng lấy lộc hoặc để đến ngày Thần tài tặng cho bố mẹ lấy may mắn và thịnh vượng.
Còn đối với Huệ Nguyễn (27 tuổi, Hà Nội), cô đang xem xét lại điều kiện kinh tế, mức thu nhập bao gồm lương thưởng cuối năm của 2 vợ chồng để lên lại kế hoạch trong những mục dự chi ngày Tết. “Mình dự tính năm nay sẽ chi tiêu ít hơn so với năm ngoái. Nếu như năm ngoái số tiền chi tiêu đợt Tết là gần 40 triệu, năm nay dự kiến mình sẽ chi khoảng 28-30 triệu, giảm 25-30%”.
Bởi vì thời điểm cuối năm, cô đi làm tại công ty khác, khoản lương tháng 13 và thưởng Tết bị ảnh hưởng nhiều. Do vậy, cô thay đổi chi tiêu sao cho phù hợp với tài chính hiện tại.
“Năm nay mình dự tính vẫn biếu tiền cho bố mẹ 2 bên nội ngoại. Tuy nhiên về quà Tết, mình đang chú trọng đến những sản phẩm thực phẩm chức năng, quà biếu hỗ trợ sức khỏe nhiều hơn. Năm ngoái mình mua bánh kẹo, giỏ quà cho bố mẹ. Năm nay mình dự kiến mua trà nấm linh chi, yến sào biếu Tết”.
Thông thường, sau khi có lương tháng thứ 13 và tiền thưởng Tết, vợ chồng cô sẽ dành ra 1 khoản để biếu ông bà 2 bên nội ngoại. Khoản này đã được lên kế hoạch từ trước đó và cũng không thay đổi quá nhiều.
Biếu Tết cho gia đình nội ngoại có đang trở thành áp lực tài chính?
Huệ Nguyễn chia sẻ rằng 2 năm đầu khi mới lập gia đình, cô rất căng thẳng mỗi dịp Tết đến xuân về. Song, cho đến nay cô vẫn luôn quan niệm rằng khoản biếu Tết cho ông bà nội ngoại nên cân đối đối với từng hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và nhu cầu của mỗi gia đình.
Không nên vì bất cứ lý do khách quan nào khác để gây ảnh hưởng đến việc biếu quà Tết cho gia đình. Vì quà Tết chính là món quà gói gọn sự yêu thương, lòng biết ơn đối với người thân. Cô cho rằng không cần phải mua những món quà quá xa xỉ, đắt tiền hay cao sang. Chỉ cần bố mẹ cảm thấy vui vẻ, đón nhận tấm lòng, sự quan tâm của con cháu, món quà đã thực sự có ý nghĩa và trọn vẹn.
Mặt khác, theo Trần Trang, bố mẹ 2 bên rất dễ chịu, có thể nói là thương các con và có lối sống đơn giản. Do vậy, cô luôn cố gắng tặng quà Tết theo đúng nhu cầu của bố mẹ và tấm lòng của các con. Bên nội và bên ngoại đều như vậy. Mặc dù là con gái đầu trong gia đình, cô chưa bao giờ thấy căng thẳng khi sắm Tết cho nội ngoại. “Mình cân đối giữa 2 nhà và mọi thứ xuất phát từ tấm lòng, hiếu kính thì bố mẹ sẽ đều vui vẻ đón nhận”.
Bên cạnh đó, trong câu chuyện sắm Tết, cô thường có kế hoạch và danh sách những món đồ cần thiết nên ít khi mắc sai lầm. “Tuy nhiên, mình cũng có lúc mua sắm thiếu kiểm soát vì giá giảm nhiều nhưng sau lại không dùng đến. Hơn thế nữa, do cuối năm công việc bận rộn, vợ chồng mình cũng thường mua những món đồ trùng nhau. Một sai lầm nữa mình thấy nhiều gia đình mắc phải là mua đồ thực phẩm thiết yếu quá nhiều. Thực phẩm sau Tết đều khá bình ổn giá, tiện lợi, sẵn mọi nơi nên chỉ cần đủ dùng và có dư hơn so với ngày thường là hợp lý. Mình nghĩ rằng ngày nay tâm lý nhét đầy tủ lạnh không còn phù hợp cũng như không đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Còn đối với Huệ Nguyễn, sau khi tích luỹ được những kinh nghiệm “sống còn”, cô đã không còn quá áp lực khi nghĩ về Tết. Cô thường đề ra mục tiêu để thực hiện tiết kiệm, chi tiêu phù hợp, có kế hoạch dự chi, mua sắm đúng với nhu cầu. Do vậy, Tết năm nay cô nghĩ sẽ bớt đau đầu hơn rất nhiều.