Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận diện và thấu hiểu cảm xúc, bao gồm cảm xúc của chính bạn và cảm xúc của người khác. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một loại năng lực rất đặc biệt và có giá trị cao. Trí tuệ cảm xúc có thể giúp bạn xây dựng và củng cố các mối quan hệ, đẩy lùi xung đột và cải thiện sự hài lòng trong công việc nói chung.
Điều đặc biệt là trí tuệ cảm xúc không phải đặc quyền của riêng ai, mỗi một người đều có thể tập luyện để nâng cao năng lực trí tuệ cảm xúc của mình. Các chuyên gia tâm lý nói rằng nếu bạn sử dụng 13 cụm từ này mỗi ngày một cách tự nhiên, bạn có EQ cao hơn hầu hết mọi người:
1. “Bạn kể thêm cho mình nghe được không?”
Những người thiếu khả năng tự nhận thức thường một mực quan tâm đến suy nghĩ và ý kiến của riêng họ. Những người thông minh cảm xúc lại quan tâm đến cả cảm giác của người khác và lời nói đối phương thể hiện.
Họ luôn cố gắng khuyến khích đối phương bộc lộ nhiều hơn về cảm xúc, trải nghiệm của mình, đồng thời lắng nghe một cách tích cực.
2. “Ừ mình vẫn đang lắng nghe đây”
Khi ra tín hiệu đồng thuận với ý kiến của một người, bạn đang xây dựng một bầu không khí cởi mở, chịu lắng nghe và tiếp thu. Và chỉ khi cả hai thực sự lắng nghe nhau thì thông tin mới được truyền đi một cách rõ ràng, thân thiện, mang tính xây dựng.
3. “Mình hiểu ý bạn, nhưng cho phép mình được bổ sung thêm ý kiến khác”
Nếu bạn không đồng ý với ai đó, hãy bày tỏ một cách khéo léo, đừng cố gắng tỏ ra thù địch, tiêu cực. Mục tiêu cuối cùng là tìm được một giải pháp mà cả hai đều đồng ý, đồng thời không triệt tiêu đi các ưu điểm trong giải pháp của nhau. Người có trí tuệ cảm xúc cao hiểu rõ điều này nên luôn biết cách giao tiếp hiệu quả.
4. “Bạn đang cảm thấy như thế nào?”
Để mọi người cảm thấy được tôn trọng, hãy chú ý và dành thời gian để hiểu, cảm thông và chấp nhận cảm xúc của họ, cho dù họ không có cách tiếp nhận thông tin giống như bạn.
Khi bạn lắng nghe, hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của họ. Bởi cùng một sự việc, mỗi người sẽ có cách phản ứng cảm xúc khác nhau.
5. “Mình chưa nắm rõ vấn đề lắm, bạn giải thích thêm cho mình được không?”
Bạn đang cho đối phương hiểu rằng bạn quan tâm vấn đề của họ, và thay vì phản ứng tiêu cực, bạn sẵn sàng lắng nghe suy nghĩ của họ.
Ngoài ra, một số câu nói thay thế là: “Bạn giải thích rõ hơn giúp mình được không”, hoặc “Mình đang hiểu vấn đề là…, không biết mình có đang hiểu đúng không?”.
6. “Ý bạn là gì?”
Giống như cách trên, thay vì nói rằng bạn không hiểu và muốn người kia lặp lại câu hỏi, bạn sẽ yêu cầu đối phương diễn giải theo cách khác hoặc cung cấp thêm tin để bạn nhìn nhận rõ vấn đề hơn.
7. “Bạn giỏi quá”
Chúng ta ai cũng có nhu cầu được nhìn nhận và đánh giá cao những nỗ lực đã bỏ ra. Vì vậy, người có trí tuệ cảm xúc cao không ngại thể hiện lời khen ngợi với một người, họ cho rằng khích lệ là điều cần thiết để giúp ai đó có thêm động lực cố gắng trong đời.
8. “Cả hai đều có điểm hợp lý, bây giờ cần xem có thể kết hợp với nhau như thế nào”
Cụm từ này rất có lợi trong mặt ngoại giao, khi bạn lắng nghe nhiều quan điểm khác nhau, bạn biết cách để dung hòa ưu nhược điểm của từng người và giúp mọi người cảm thấy ý kiến của mình có giá trị.
Các nghiên cứu cho thấy khả năng giải quyết xung đột là đặc điểm nổi bật của người có trí tuệ cảm xúc cao.
9. “Mình cảm thấy chưa ổn lắm về trường hợp này”
Khi có vấn đề, những người thông minh về mặt cảm xúc không tập trung vào người đã gây ra vấn đề, mà tập trung vào tình hình chung, vào bức tranh lớn hơn.
Họ không đổ lỗi cho ai đó hoặc đẩy đối phương vào thế bí, đồng thời vẫn thành thật thông báo cho mọi người về cảm xúc của mình. Bằng cách này, họ vừa tôn trọng mọi người và cũng khiến mọi người tôn trọng lại mình.
10. “Mình cảm thấy…”
Như đã nói, những người có trí tuệ cảm xúc cao không chỉ giỏi thấu hiểu cảm xúc của người khác mà cũng giỏi giải nghĩa cảm xúc của chính mình. Kiểu tự nhận thức này cho phép họ dễ dàng chia sẻ cảm xúc, giúp họ trở nên gần gũi và đáng tin hơn.
11. “Mình xin lỗi”
Người có trí thông minh cảm xúc cao thường không sợ xin lỗi vì họ hiểu rằng việc này giúp duy trì và củng cố mối quan hệ với người khác. Họ cảm nhận và hiểu được cảm xúc của người khác và biết cách giải quyết xung đột một cách hiệu quả thông qua việc xin lỗi và tha thứ.
12. “Cảm ơn nhé!”
Cảm ơn là một phép lịch sự thông thường rất cơ bản, chúng ta có thể nói cảm ơn với người lạ nhưng đôi khi lại không thể nói cảm ơn với người thân thiết, như người thân trong gia đình, bạn thân vì nghĩ rằng đó là sự lịch sự quá mức.
Người có trí thông minh cảm xúc cao sẵn sàng nói cảm ơn với bất kỳ ai, bởi họ biết ai cũng xứng đáng có được sự tôn trọng như nhau.
Nguồn: CNBC