Trong khi mọi người thường quan tâm ăn thứ gì dễ gây ung thư hay chống được ung thư, công trình mới từ Viện Ung thư Địa Trung Hải, Viện Ung thư châu Âu – IRCCS, Đại học Catania (Ý) và Đại học King Saud (Ả Rập Saudi) cảnh báo mức độ chế biến của thực phẩm mới là nguyên nhân đáng chú ý trong bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư tuyến tiền liệt ám ảnh quý ông nhiều độ tuổi – Ảnh minh họa từ Internet
Theo bài công bố trên tạp chí y học Nutrients, các nhà khoa học đã theo dõi các bệnh nhân nhập viện trong vòng 2 năm tại một cơ sở y tế ở TP Catania miền Nam nước Ý. Họ được thu thập chi tiết dữ liệu về chế độ ăn uống.
Bốn nhóm thực phẩm được theo dõi kỹ, gồm: Thực phẩm thô hoặc chế biến tối thiểu (rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt…); thực phẩm được dùng trong nấu ăn (muối, đường, mật ong, giấm, dầu); thực phẩm chế biến sẵn (trái cây và rau đóng hộp, sấy…); thực phẩm siêu chế biến (mì gói và các món ăn liền khác, nước ngọt, kẹo, snacks…).
Kết quả cho thấy càng ăn nhiều thực phẩm có mức độ chế biến sẵn càng cao, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng.
Nhưng nguy hiểm hơn, mức độ nghiêm trọng cũng tăng ở những người đang mắc bệnh cũng tăng, khiến kết quả điều trị của họ không tốt như những người thích thực phẩm tươi.
Đây là một lời cảnh báo đáng chú ý bởi các ước tính từ Anh, Mỹ cho thấy tỉ lệ quý ông mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể lên tới 1/8-1/9 trong cộng đồng. Tại Anh, căn bệnh này giết chết gần 12.000 người mỗi năm.
Ngoài ra căn bệnh này và việc điều trị nó cũng có thể dẫn đến các biến chứng “đau khổ” bao gồm suy giảm chức năng tình dục, tiểu không tự chủ.
Ngoài ung thư tuyến tiền liệt, một số nghiên cứu khác cũng kết nối thực phẩm siêu chế biến với các dạng ung thư vú, ung thư ruột (đại trực tràng)…
Tuy nhiên, phát hiện này đồng thời cho thấy thực phẩm ít bị chế biến, tươi sống có thể được dùng như một phương án hỗ trợ đối với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt – và có thể cả các bệnh ung thư khác – để cải thiện kết quả điều trị.