Có một sự thật mà chúng ta khó lòng phủ nhận: Nếu những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có nền tảng tài chính không ổn định phải nỗ lực vượt khó khi trưởng thành, thì những đứa trẻ sinh ra đã “ngậm thìa vàng” lại phải nỗ lực “vượt sướng”, mới có thể hiểu được giá trị của đồng tiền.
Chuyện này cũng dễ hiểu thôi. Tháng nào cũng được bố mẹ chu cấp tiền triệu, thậm chí là chục triệu – trăm triệu, phải “cố tiêu cho hết”, mấy ai còn nghĩ tới việc tiết kiệm nữa? Phải đến khi đi làm, tự kiếm tiền, nhiều người mới bắt đầu nhận ra bài học về thái độ trân trọng tiền bạc và dần thay đổi thói quen chi tiêu, từ tiêu tiền như nước tới biết nghĩ trước khi chi dù chỉ vài trăm nghìn.
Đây chính là chia sẻ đang hot mấy ngày nay trên MXH Threads. “Bảnh” này kể rằng thời còn đi học, cô bị “nghiện” túi hiệu. Cứ có tiền là nhăm nhe mua túi mới. Tổng số tiền mà cô đã chi cho niềm đam mê sang chảnh này có thể đã lên tới tiền tỷ. Điều đáng nói, tất cả số tiền ấy đều là tiền bố mẹ cô. Có lẽ cũng bởi thế, nên cô mới có thể mua sắm thả phanh mà không cần nghĩ như vậy.
Trong phần bình luận, “bảnh” này cũng thừa nhận bản thân chưa có kỹ năng quản lý tài chính và vẫn đang nỗ lực, học hỏi mỗi ngày để khắc phục vấn đề này. Từ mua túi hiệu không cần nghĩ tới việc biết đắn đo khi chốt đơn chiếc áo 300k, cũng không hề ngoa khi khẳng định “bảnh” này đã vượt sướng thành công.
Không riêng gì cô gái này, nhiều người trẻ dù có sinh ra ở vạch đích hay không, cũng đều đang “vật vã” tìm cách tiết kiệm, quản lý chi tiêu nhưng mãi vẫn bất lực, vì không giữ nổi mình trước cám dỗ của muôn vàn mặt hàng từ bình dân tới xa xỉ phẩm.
3 cách để thoát cảnh chưa hết tháng đã hết tiền
Tiền mình kiếm ra, mình có quyền tiêu. Xét về mặt lý thuyết, suy nghĩ này không có gì là sai. Nhưng nếu thoải mái chi tiêu đến mức chưa hết tháng đã hết tiền, hoặc đi làm nhiều năm vẫn chẳng có nổi 1 đồng tiết kiệm, rõ ràng, đây là chuyện không ổn cho lắm.
Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể tham khảo 3 cách dưới đây.
1 – Quy giá trị món đồ muốn mua ra số giờ lao động
Giả sử thu nhập hiện tại của bạn là 10 triệu đồng/tháng. So với con số này, một cái váy 500k cảm giác “chẳng thấm vào đâu”. Rõ ràng, so với 10 triệu thì 500k là số tiền nhỏ. Nhưng nghĩ tiếp theo hướng, một ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ mới kiếm được 333k, số tiền 500k bỗng dưng từ nhỏ thành lớn ngay được.
Quy đổi giá trị món đồ mình muốn mua ra số giờ lao động là cách hữu ích mà bạn nên áp dụng để chặn cơn “nghiện” shopping của chính mình. Trong trường hợp đã thử cách này nhưng vẫn thấy không có hiệu quả mấy, 2 gạch đầu dòng phía dưới chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt.
2 – Biến tiền mặt thành thứ không có giá trị trao đổi trong chi tiêu
Trên thực tế, chúng ta không thể cầm nửa phân vàng hoặc 1 chỉ vàng ra chợ hay vào siêu thị để mua sắm được. Vì lẽ đó, việc biến tiền mặt thành thứ không có giá trị trao đổi trong chi tiêu thường ngày trở nên hữu ích với những người đang không thể kiểm soát thói quen tiêu tiền vô tội vạ của bản thân.
Mỗi tháng, bạn có thể cân nhắc trích 5-10% thu nhập để mua vàng tích sản. Nhiều thì mua 1 chỉ, ít thì mua nửa chỉ. Điều quan trọng cần nhấn mạnh trong bối cảnh này chính là vàng là loại tài sản cần giữ lâu dài, tuyệt đối không nên nghĩ tới việc mua vào – bán ra trong ngắn hạn để lấy lời. Bởi kiểm soát việc chi tiêu còn đang chưa làm được, tiết kiệm thì bập bõm tháng có tháng không mà ham đầu tư lướt sóng, viễn cảnh “mất cả chì lẫn chài” chắc sẽ không chừa bạn ra đâu nên đừng lạc quan thái quá.
3 – Chọn gói tiết kiệm không cho phép rút tiền trước hạn
Bạn có thể gửi tiết kiệm online hoặc trực tiếp ra ngân hàng, mở sổ tiết kiệm. Chọn cách nào cũng được, miễn sao đảm bảo tiền đã gửi vào là không thể nhất thời rút ra chi tiêu khi chưa đến hạn là được. Hãy học cách “trả lương cho mình trước” bằng cách ưu tiên trích 10-15% thu nhập hàng tháng để gửi tiết kiệm.
Trong 2-3 tháng đầu, khi mới bắt đầu và duy trì việc gửi tiết kiệm đều đặn ngay khi nhận lương, bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong chi tiêu vì càng về cuối tháng, tài khoản thanh toán càng “yếu” dần đi, nhưng đổi lại, tài khoản tiết kiệm lại có tiền triệu. Cảm giác “rỗng ví” nhưng không hẳn là hết tiền này chắc chắn sẽ cho bạn đủ động lực để tiếp tục gửi tiết kiệm, đồng thời, tìm cách chi tiêu hợp lý hơn với mức ngân sách sau tiết kiệm.
Tiết kiệm là thói quen có thể “gây nghiện” vì lẽ đó đấy!
Nguồn tin: https://cafef.vn/thoi-di-hoc-hon-nhien-dot-tien-ty-cua-bo-me-vao-tui-hieu-di-lam-roi-mua-cai-ao-300k-cung-phai-nghi-188240623171842533.chn