Không cần lên công ty, linh hoạt về thời gian và mức thu nhập, gia tăng cơ hội làm việc trên đa dạng lĩnh vực,… là viễn cảnh tốt nghiệp mà nhiều người trẻ mong đợi sau khi nghỉ công việc văn phòng và chuyển hướng sang làm freelancer.
Tuy nhiên, freelancer cũng giống như khởi nghiệp, không phải ai cũng đạt được thành công như mong muốn. Đó là chưa kể, freelancer cũng có những đặc thù nghề nghiệp riêng, mà nếu không quen thì có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập hàng tháng.
Đừng dễ ôm mơ mộng làm freelancer kiếm nhiều hơn văn phòng
Thu nhập cao trong khi thời gian làm việc giảm là điều mà nhiều người trẻ kỳ vọng sau khi rời bỏ công việc cố định (full-time) để làm tự do (freelancer). Nhưng thực tế có thể không tốt đẹp như họ tưởng tượng.
Cách đây 3 năm, T.H (28 tuổi) đã nghỉ công việc lương 25 triệu đồng/tháng để chuyển qua làm freelancer tại nhà. Nhưng chỉ một năm sau, anh đã thấy hối hận với quyết định này, cũng như từ bỏ cuộc sống “tự do tự lo” của nghề freelancer.
Anh chàng chia sẻ: “Nhớ lại công ty cũ tăng lương 1 lần/năm. Nếu như vẫn ở lại công ty làm việc thì đến cuối năm, lương của mình sẽ lên 30 triệu đồng/tháng. Vậy mà mình vẫn quyết định làm ở nhà vì tâm lý ‘thích thì làm, chán thì nghỉ’, cộng với sự tự tin vào năng lực bản thân.
Kết quả thu nhập từ freelancer không ổn định, có tháng kiếm được nhiều nhưng cũng có tháng chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng. Sau một năm làm tự do, trung bình thu nhập của mình còn chưa đến 20 triệu đồng/tháng. Tính ra quyết định nghỉ việc này của mình chỉ lỗ chứ không có lãi”.
Một trường hợp, Nguyệt Trinh (27 tuổi) chia sẻ, cô từng có gần một năm chuyển sang làm freelancer để trải nghiệm cái mới và tìm cách gia tăng thu nhập. Cô chia sẻ, ở lĩnh vực của bản thân mà làm freelancer nếu muốn thu nhập cao thì phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ là thời gian, sức khoẻ,…
Để đánh đổi được sự tự do mà cuộc sống công sở không mang lại, Nguyệt Trinh chấp nhận theo đuổi nghề freelancer với mức lương tương đương khi còn làm ở văn phòng, tức 40-45 triệu đồng/tháng mà áp lực lớn hơn.
Nguyệt Trinh chia sẻ: “Đó còn chưa kể, làm freelancer bạn sẽ không nhận được một số đặc quyền khi còn làm công sở, mà rõ ràng nhất là nhận lương tháng 13. Bên cạnh đó, các bạn freelancer thường không tránh khỏi có vài lần bị khách quỵt tiền.
Lời khuyên của mình là nếu bạn sợ bị quỵt tiền thì có thể yêu cầu khách đặt cọc trước. Nếu khách không chịu cọc, thường lý do đưa ra là “không biết chất lượng sao nên khó cọc” thì bạn có thể đưa họ xem các sản phẩm đã làm trước đó. Còn nếu họ không chịu đặt cọc thì bạn nên bỏ qua hợp tác. Thời gian đầu khó kiếm khách nên thu nhập của bạn sẽ không ổn định, nhưng nếu bạn có năng lực và kiên trì thì mọi chuyện sẽ đâu lại vào đó. Thời buổi này không có việc nhẹ lương cao đầu”.
Và những “cái trả giá” khác
Với T.H, freelancer chỉ phù hợp với những người có năng lực quản lý bản thân tốt. Một vấn đề khác là làm freelancer thường dễ thui chột năng lực và kỹ năng công việc, vì lúc này hầu như bạn chỉ làm việc một mình, không có ai đứng cạnh chỉ bảo và cho lời khuyên như thời còn làm công sở. Ngoài ra, nếu bạn không có khả năng quản lý thời gian, cân bằng giữa công việc và cuộc sống thì bạn dễ bị cuốn theo cơn sóng “làm việc hối hả”, từ đó áp lực sẽ còn nhiều hơn so với thời làm nhân viên văn phòng.
Anh chàng chia sẻ: “Công việc freelancer phù hợp với người có tính kỷ luật và tự giác cao. Mới chuyển sang làm freelacer thì mình khuyên bạn chỉ nên nhận ít job để quen công việc và bắt đầu xây dựng lối sống kỷ luật cho bản thân.
Đơn cử như mình, nếu làm văn phòng thì 5h chiều mình đã có thể cất gọn máy tính nhưng làm freelancer thì chuyện làm hơn 8 tiếng/ngày là bình thường. Kiếm tiền không hề dễ dàng. Tăng thu nhập đồng nghĩa bạn sẽ phải chăm chỉ gấp nhiều lần, lúc nào cũng làm việc. Điều này đôi khi có thể gây ra tác dụng ngược, khiến bản thân căng thẳng hơn nhiều khi làm công ăn lương”.
Còn về phía Nguyệt Trinh, một trong những áp lực khi theo đuổi freelancer là dù lương kiếm được chẳng kém so với dân văn phòng, song cô nàng vẫn bị đánh giá là “không ổn định” trong cha mẹ. Bên cạnh đó, cô nàng cho biết công việc tự do cũng có làm tăng ca, thêm giờ. Chưa kể đôi khi nhận quá nhiều dự án thì bản thân bị trùng giờ, Nguyệt Trinh phải nỗ lực gấp 2-3 lần ngày bình thường, đi kèm với áp lực cũng gấp bội không kém.
“Một trong những rủi ro lớn nhất của freelancer vào thời điểm kinh tế khó khăn là khâu tiền lương. Vì dự án mà bạn theo đuổi dù đã xong nhưng bị khách hàng bùng tiền. Hoặc nếu họ không bùng tiền thì tiền lương có thể bị ngâm, thanh toán chậm. Quá trình đòi nợ dai dẳng thường khá mệt tinh thần”, cô nàng cho hay.
Mặc dù freelancer đang là xu hướng hiện nay nhưng cả T.H và Nguyệt Trinh không quá khuyến khích tư duy bỏ việc văn phòng để đi làm tự do. Ngành nghề này có thể kiếm rất nhiều tiền nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực, may mắn và biết cách làm đúng đắn.
“Làm tự do thì mình không bị gò bó về địa điểm, không gian hay dung hoà các mối quan hệ công sở. Nhưng bù lại, bạn phải độc lập tài chính, tự kiếm được thu nhập và công việc để tự lo cho bản thân. Nhìn chung, bạn không nên nghỉ việc đi làm tự do khi chỉ nhìn thấy màu hồng của bức tranh, mà bỏ qua những thiếu sót của bản thân. Thị trường này cũng rất khó khăn, đặc biệt trong năm kinh tế suy thoái, chứ không phải ai cũng có được thu nhập cao đâu”, Nguyệt Trinh chia sẻ.
Nguồn tin: https://cafef.vn/hoi-han-vi-nghi-cong-viec-van-phong-luong-tren-30-trieu-thang-de-lam-freelancer-nhung-kiem-it-hon-thoi-buoi-nay-khong-co-viec-nhe-luong-cao-dau-188240720203353002.chn