Thế hệ trẻ đi làm từ chối thăng tiến, làm sếp
Trong nhiều năm, số đông mặc định con đường thăng tiến mà người trẻ muốn hướng đến khi đi làm công sở là: Chăm chỉ làm việc để nhanh chóng được thăng chức và lên chức vụ quản lý. Tuy nhiên, định hướng này đã không còn đúng với thế hệ Gen Z hiện nay. Bởi họ cho rằng, phần thu nhập tăng thêm sau khi lên vị trí sếp “không đáng để đối diện với căng thẳng”.
Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Emily Rezkalla (Mỹ) cho biết đây là ý kiến cô nghe được nhiều nhất khi tiếp xúc với các đồng nghiệp thuộc thế hệ Gen Z. Emily Rezkalla chỉ lớn hơn họ vài tuổi, song cô hiểu lý do tại sao nhiều người không còn ham muốn trở thành quản lý hay sếp.
Bởi lẽ trước đó, Emily Rezkalla từng phải phụ trách quản lý những người khác và dường như không còn muốn trở lại vị trí đó một lần nữa. Công việc khiến cô còn quá ít thời gian cho cuộc sống, liên tục phải lo lắng xem cấp dưới đang làm gì.
Những khách hàng của Emily Rezkalla cũng chung nỗi niềm, ngay khi có người chưa lên vị trí quản lý. Họ coi vị trí sếp là một kiểu nhân viên với khối lượng công việc nhiều hơn, còn công ty bổ nhiệm họ chỉ để “trông trẻ”.
Đối với nhiều Gen Z, khi nhìn vào sếp phụ trách mình, họ ngay lập tức “nói không” với việc thăng chức. Họ cùng chung nhận định: Tại sao phải chịu thêm căng thẳng với phần thu nhập gia tăng ít ỏi, nếu sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, hoặc mục tiêu nghề nghiệp đi xuống.
Để giải quyết suy nghĩ này của Gen Z, nhiều chuyên gia nghề nghiệp cho rằng sau khi quản lý cấp cao thăng chức cho nhân viên trẻ tuổi của mình, họ cần đưa cho cấp dưới “nhiều thứ hơn” ngoài tiền mặt. Cụ thể hơn, họ phải bỏ công sức nhiều hơn để hỗ trợ, đào tạo nhân viên Gen Z nói riêng và mọi thế hệ nói chung nhằm giúp họ có cảm giác khao khát thỏa mãn và hào hứng trong công việc.
Cách tạo động lực cho Gen Z
Nhiều nhân sự lớn tuổi có định kiến Gen Z lười biếng. Tuy nhiên việc thế hệ này không muốn thăng chức, không đồng nghĩa họ làm việc kém chăm chỉ. Nhiều nhân sự Gen Z sẵn sàng lắng nghe đồng nghiệp và quan sát, trao đổi thêm trên các công cụ như mạng xã hội.
Bởi hiểu được thách thức khi trở thành nhà quản lý, do đó không mấy ngạc nhiên khi Gen Z từ chối chạy theo cuộc đua thăng chức nơi công sở. “Họ đã thấy cấp trên kiệt sức ra sao” – TikToker Kyyah Abdul nổi tiếng với các lời khuyên nghề nghiệp – nhận định. Do đó, họ nhận định thăng chức không phải con đường đúng đắn.
Theo Pradeep Philip (Chuyên gia của hãng tư vấn Deloitte Access Economics), khi sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc là ưu tiên lớn tại môi trường công sở, các quản lý cấp cao cần suy nghĩ về các sáng kiến khác để thúc đẩy người lao động. Chuyên gia chia sẻ, nhiều nhân viên trẻ dường như không còn hào hứng với những thứ từng tạo động lực cho thế hệ trước như tiền bạc, thăng tiến.
Vào đầu năm nay, McKinsey đã thực hiện cuộc khảo sát về lý do khiến Gen Z không hài lòng trong công việc. Kết quả cho thấy bên cạnh mức lương, họ còn nhận định các nguyên nhân khác là thiếu phát triển và thăng tiến nghề nghiệp, thiếu quan tâm từ lãnh đạo. Họ cũng đánh giá ý nghĩa của công việc quan trọng không kém môi trường làm việc linh hoạt khi tìm kiếm việc làm.
Rod Thill (người sáng lập WorkDaze – một kênh tin tức tập trung vào các vấn đề công sở) cho biết một số người hoàn toàn hài lòng với lối sống, thu nhập hiện tại của họ. Vì thế, họ tự đặt câu hỏi “Tại sao phải được thăng chức và làm bản thân căng thẳng hơn, vắt kiệt sức lực trong khi đơn giản chỉ cần làm những gì phù hợp với mình?”.
Sau cùng, khi các nhà quản lý cấp cao biết rằng nhân sự Gen Z “nói không” với thăng chức, hãy nhớ rằng nhiều người trong số họ muốn những điều đơn giản hơn, ví dụ là tính minh bạch trong công việc, người hướng dẫn và văn hoá công sở.
Nguồn: Business Insider