Nhiều tiền chưa chắc khiến bạn hạnh phúc hơn nhưng càng ít nợ càng hạnh phúc.
Năm 2010, hai nhà đoạt giải Nobel đã kết luận “nhiều tiền hơn khiến bạn hạnh phúc hơn”, nhưng không được vượt quá ngưỡng 75.000 USD một năm.
Vào năm 2021, một nhà kinh tế học đã xem xét lại vấn đề và nhận thấy từ 75.000 USD mức độ hạnh phúc ổn định, nhưng khi vượt trên 200.000 USD, hạnh phúc tiếp tục tăng.
Theo giáo sư Arthur C. Brooks (Trường Kinh doanh Harvard), tác giả chuyên mục Sống hạnh phúc của The Atlantic, của điều quan trọng không phải là có bao nhiêu, mà là bạn làm gì với số tiền đó.
“Hạnh phúc không tăng lên khi bạn mua đồ, mà là khi bạn dùng tiền của mình để trả cho những trải nghiệm đáng nhớ hoặc thời gian với những người yêu thương, hoặc khi cho đi”, học giả nổi tiếng người Mỹ nói.
Tạm bỏ những điều đó sang một bên, có một điều bạn có thể làm với tiền mà rất có thể sẽ gia tăng sự bất hạnh: Vay mượn mà không có nguồn lực rõ ràng để trả.
Theo Cục Dự trữ Liên bang, hầu hết người Mỹ đều mắc một số khoản nợ. Khoảng 77% vay thẻ tín dụng, vay sinh viên, khoản thế chấp, khoản vay mua ôtô hoặc các loại nợ cá nhân khác. Phần lớn trong số này là vay tiêu dùng.
Dĩ nhiên khó khăn tài chính khiến một người đi vay. Nhưng hàng triệu người khác không gặp khó khăn lại chọn cách sống quá khả năng của mình. Các nhà tâm lý học nghiên cứu hồ sơ cá nhân của người đi vay điển hình đã tìm ra những người hướng ngoại và cởi mở có thể vay mượn nhiều hơn so với những người khác. Còn đặc điểm tính cách gắn liền với việc không vay mượn nhất là sự tận tâm, theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Tâm lý kinh tế, của các nhà khoa học Đại học Sheffield, Anh.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ giữa nợ thẻ tín dụng và gene, theo nghiên cứu trên Tạp chí Hành vi và Tổ chức Kinh tế của các tác giả tại Trường Chính sách công, Đại học College London.
Theo khảo sát từ Forbes Advisor, 54% người mắc nợ nói rằng họ luôn hoặc thường xuyên cảm thấy căng thẳng về điều đó. Nợ nần cũng có thể dẫn đến sức khỏe kém hơn và đau đớn về thể xác hơn so với những người có ít hoặc không có khoản nợ. Ngoài ra, những bất đồng về tài chính được coi là một trong những loại xung đột hôn nhân nghiêm trọng nhất và hơn một nửa số người Mỹ cho rằng sự mắc nợ của bạn đời có thể là lý do chính đáng để ly hôn.
Tất nhiên, không phải tất cả các khoản nợ đều có tác động như nhau đến hạnh phúc. Ví dụ, các nghiên cứu thường không tìm thấy mối liên hệ giữa sự bất hạnh và nợ thế chấp. Lý do có thể vì vay thế chấp mua nhà sẽ dần tiến tới quyền sở hữu.
Tuy nhiên, nợ không thế chấp rõ ràng có tác động tiêu cực. Điều này đặc biệt đúng với số dư thẻ tín dụng. Tiết kiệm cho một khoản mua sắm quan trọng như một chiếc laptop hoặc một kỳ nghỉ sẽ mang lại hạnh phúc mỗi khi số dư ngân hàng tăng lên. Ngược lại, điều tích cực duy nhất mà bạn đạt được từ việc trả hết số tiền đã vay là nợ ít hơn một chút. Đến khi trả hết nợ và hoàn toàn sở hữu món đồ đó, chiếc laptop đã lỗi thời và bãi biển đầy cát chỉ còn là ký ức xa vời.
Các khoản vay sinh viên là một hình thức nợ khác gây tổn hại đến hạnh phúc. Các nghiên cứu cho thấy khoản nợ như vậy có liên quan đến căng thẳng. Quy mô của khoản nợ cũng có vấn đề: Sự bất hạnh và kiệt sức sẽ cao hơn khi các khoản vay lớn hơn. Rất nhiều cuộc khảo sát báo cáo rằng hàng triệu người Mỹ sống bằng tiền lương và nhiều người phụ thuộc vào tín dụng ít nhất một phần thời gian.
Qua đây, giáo sư Brooks mong muốn cho thấy rằng càng kiểm soát được hoàn cảnh tài chính của mình thì càng hạnh phúc. Và vì mục đích đó, đây là một số lời khuyên thiết thực:
Đừng vay mượn để tiêu dùng tùy ý
Hạnh phúc bị ảnh hưởng khi chúng ta tiêu dùng hôm nay và trả nợ vào ngày mai. Đôi khi điều này là cần thiết, ví dụ nếu bạn thiếu tiền thuê nhà hoặc mua hàng tạp hóa. Nhưng việc mua hàng bằng tín dụng để rẻ hơn, sở hữu món đồ mình muốn sớm hơn, tốt nhất không nên. Nếu có thể, hãy cố gắng không bao giờ có số dư thẻ tín dụng. Hãy mua chiếc xe rẻ nhất mà bạn có đủ khả năng để trả.
Nếu bạn đang gặp khó khăn với ý tưởng đó, hãy thử suy nghĩ này: Tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào về chiếc xe mới đó trong 5 năm nữa, khi nó đã có một vài vết xước và bí bách trong khoản thanh toán khổng lồ cho nó.
Vay ở mức tối thiểu, ngay cả với các khoản đầu tư cá nhân
Vay nợ để đi học là một khoản đầu tư tốt, nhưng cần biết vay càng nhiều hạnh phúc càng giảm. Một cử nhân mới ra trường mắc nợ hàng trăm nghìn đôla vay để học đại học, nhưng đi làm với mức lương khiêm tốn. Đến lúc này cô nhận ra đã lựa chọn nghề nghiệp sai lầm. Không phải vì cô không thích công việc mà vì những khoản thanh toán hàng thập kỷ sắp tới khiến cô cảm thấy như có một con sói rình rập trước nhà.
Chú ý thói quen chi tiêu
Có bằng chứng cho thấy tính cách sôi nổi và gene bốc đồng có thể khiến bạn dễ bị tổn thương khi chi tiêu bằng tín dụng. Nếu bạn nhận ra xu hướng này ở bản thân, hãy hành động để bảo vệ bản thân. Lập ngân sách và bám sát nó. Sử dụng thẻ ghi nợ thay vì thẻ tín dụng và tránh xa những người bán hàng có khả năng lôi kéo bạn chi tiền.
Tiết kiệm
Tránh vay mượn để tránh bất hạnh là một kế hoạch hữu ích. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là: Để hạnh phúc hơn, hãy tiết kiệm tiền.
Các nhà nghiên cứu thực sự đã phát hiện tiết kiệm sẽ nâng cao hạnh phúc. Và bạn không cần một quỹ tín thác khổng lồ nào đó, một nghiên cứu cho thấy chỉ cần có “tiền mặt trong tay” sẽ làm tăng phúc lợi tài chính, từ đó dự đoán mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn.
Như các học giả khác đã phát hiện, điều này là do tiết kiệm kết nối hiện tại của bạn với một tương lai tốt đẹp hơn.
Bảo Nhiên (Theo Atlantic)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tai-sao-khong-nen-vay-muon-4712071.html