Năm 2022, Tạp chí Dịch tễ học Trung Quốc đã công bố một cuộc khảo sát về nguyên nhân gây tử vong sớm ở người trưởng thành từ 56 đến 69 tuổi tại 10 khu vực ở Trung Quốc. Theo đó, phân tích dữ liệu từ gần 100.000 người trong 10 năm đã cho thấy nguyên nhân gây tử vong sau 70 tuổi phổ biến nhất là các bệnh về tim mạch (49,7%), ung thư (19,5%) và các bệnh về hô hấp (13,7%).
Các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo cần phòng ngừa 3 căn bệnh này sớm, nếu qua 70 tuổi chưa bị ung thư, bệnh tim hay bệnh hô hấp thì có khả năng sống thọ cao hơn rất nhiều so với các bệnh nhân đã mắc.
Đó là bởi sau tuổi 70, số lượng tế bào gốc giảm dần và mất dần khả năng tái tạo, ảnh hưởng đến quá trình tái tạo mô và bảo trì những chức năng trong cơ thể, dẫn đến khả năng mắc các bệnh mãn tính cao, thiếu cơ, chức năng tiêu hóa và hấp thu đều bị suy yếu.
Bệnh tim mạch
Khi tuổi tác tăng lên, chức năng mạch máu suy giảm dần, xơ cứng và mảng bám tăng lên, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người cao tuổi tăng lên đáng kể. Nhiều khảo sát cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là các cơn đau tim tăng lên đáng kể vào mùa đông. Thời tiết thay đổi đột ngột, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm sẽ dẫn đến đột quỵ, tăng huyết áp nếu không giữ ấm cơ thể.
Theo bác sĩ Lưu Hồng, phó trưởng khoa Tim mạch tại Bệnh viện Lão khoa Bắc Kinh (Trung Quốc), nếu người già có những biểu hiện sau cần đi khám ngay lập tức: Đau ngực, tức ngực và đánh trống ngực sau khi tập thể dục; nhức đầu, căng thẳng hoặc tức ngực khi kê thấp gối hoặc khi nằm; mạch đập không đều, nhịp tim nhanh hoặc chậm không rõ nguyên nhân.
Muốn phòng tránh bệnh tim, cần theo chế độ ăn ít muối, ít béo, ít đường. Thường xuyên tập thể dục, tránh thức khuya và tránh sử dụng các chất kích thích. Nghỉ ngơi điều độ, tránh vận động quá sức và giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.
Ung thư
Tuổi càng cao có thể khiến cơ thể phản ứng chậm hơn và tăng khả năng chịu đau, khiến các triệu chứng của khối u dễ bị bỏ qua. Do đó ung thư ở người cao tuổi khó phát hiện kịp thời, thậm chí bị bỏ qua do lẫn với triệu chứng các bệnh mãn tính khác.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư lớn tuổi cũng có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn do khả năng miễn dịch giảm, nền tảng thể chất yếu và khả năng tiếp nhận điều trị kém. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, người cao tuổi nên chú ý hơn đến việc tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm.
Bệnh hô hấp
Các bệnh về đường hô hấp bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính, viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,… Các bệnh hô hấp rất dễ mắc vào mùa đông do hệ miễn dịch người cao tuổi suy giảm, phản ứng chậm, khó nhận diện được sự tiềm ẩn của các mầm bệnh.
Một số người già có sẵn bệnh lý mãn tính về phổi khi bị cảm cúm, cảm lạnh sẽ làm tăng yếu tố thúc đẩy các bệnh mãn tính có sẵn này tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong. Suy giảm về miễn dịch và đề kháng còn khiến khả năng tự phục hồi, khả năng phát hiện và sửa chữa các tế bào bị tổn thương cũng chậm hơn, khiến bệnh dễ trở năng, đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ nhắc nhở người cao tuổi, đặc biệt là sau 70 tuổi không nên chủ quan với các triệu chứng ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, chảy nước mũi, khó thở… cần đi khám ngay khi phát hiện triệu chứng. Đồng thời giữ môi trường sống sạch sẽ và chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng tốt cho phổi cũng như tăng khả năng miễn dịch.
Theo Toutiao