Không phải vô cớ, mà người ta thường rủ nhau “đi cà phê” cho những buổi trò chuyện hay gặp gỡ. Một cuộc hẹn cà phê – nơi bạn bè lâu ngày tái ngộ, cùng nhau đắm mình vào những câu chuyện cũ. Các gia đình tìm đến đây cũng như một nơi trú ẩn bình yên, tạm gác lại những lo toan cuộc sống, hay đơn giản hơn vào ngày cuối tuần, ngày lễ, đưa nhau đến một quán cà phê xinh đẹp để đổi không khí cho một tuần bận rộn. Đôi khi, quán cà phê cũng chính là mảnh đất tình yêu màu mỡ, nơi nhiều cặp đôi nên duyên hò hẹn. Thậm chí, quán cà phê cũng là nơi gặp gỡ đối tác và khách hàng để kết nối những dự án trong cuộc sống hiện đại này.
Quán cà phê là nơi gặp gỡ, chuyện trò hay là chỗ làm việc, học tập?
Việc tìm đến quán cà phê để làm việc hoặc học tập đã không còn là điều xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, phong trào này đã vô tình biến những không gian vốn dành cho việc thư giãn và giao lưu trở thành những “văn phòng mở” không chính thức. Điều này đã dẫn đến một cuộc đấu khẩu sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội: Liệu từ khi nào, những quán cà phê – nơi mọi người đến để hưởng thụ sự bình yên, để gặp gỡ và trò chuyện – lại trở thành địa điểm làm việc cá nhân, nơi mà tiếng nói cười cần phải được hạn chế?
Một bên của cuộc tranh luận này cho rằng, quán cà phê là không gian lý tưởng để bắt đầu các ý tưởng sáng tạo, nơi mà họ có thể tập trung làm việc/học tập mà không bị gò bó bởi không gian làm việc truyền thống. Họ cảm thấy việc yêu cầu một chút yên tĩnh khá hợp lý để có thể hoàn thành công việc hiệu quả.
Ngược lại, phe đối lập khẳng định quán cà phê phải giữ vững vai trò là một nơi xã giao, nơi mọi người có thể thảnh thơi gặp gỡ và trò chuyện. Họ coi việc đòi hỏi im lặng trong quán cà phê là hành động ích kỷ và không tôn trọng không gian chung.
Cuộc tranh luận này không chỉ phản ánh một vấn đề văn hóa mà còn nêu ra câu hỏi về sự cân bằng giữa không gian cá nhân và cộng đồng. Trong thời đại số hóa, khi ranh giới giữa công việc và thư giãn ngày càng mờ nhạt, liệu chúng ta có nên thiết lập lại những quy tắc ứng xử trong những không gian công cộng như quán cà phê hay không? Và quan trọng hơn, liệu có thể có một quy ước tác phong chung nào đó để mọi người đều cảm thấy thoải mái và tôn trọng nhau hay không?
Chẳng hạn, mới đây, có nhiều bạn trẻ đăng đàn bức xúc vì ra quán cà phê thư giãn, trò chuyện lại bị người bên cạnh nhắc im lặng để người ta làm việc. Dường như điều này gây nhiều tranh cãi, cũng có nhiều quan điểm đưa ra ý kiến khác nhau về việc ra quán cà phê để thư giãn hay làm việc.
Hãy đến đúng chỗ
Phần đông ý kiến cho rằng, chẳng có lý do gì lại bắt người khác im lặng để mình làm việc ngoài quán cà phê cả. Cùng bỏ tiền đồ uống như nhau, thậm chí là nhiều hơn, ra quán cà phê ngồi để trò chuyện và giải trí, việc mọi người trò chuyện ồn ào là điều bình thường. Không ít người cũng đồng quan điểm cho rằng, rất là “điên khùng” khi vào quán cà phê không có quy định yên tĩnh và bắt người khác phải lặng im cho mình học hoặc làm việc.
Trên thực tế, có rất nhiều quán cà phê mở ra với các mục đích khác nhau, có quán “chill chill” để khách hàng thủ thỉ, tâm sự; cũng có quán là nơi tụ họp, tán gẫu; cũng có nơi cà phê sách hoặc các quán mục tiêu hướng tới số đông dân văn phòng hoặc sinh viên có nhu cầu làm việc tại quán.
Chính vì vậy, vừa muốn có không gian làm việc thoải mái, không bị quá ồn ào có thể tìm đến những quán cà phê dành riêng cho học tập hoặc làm việc, vừa được việc của bản thân lại không gây ảnh hưởng với người khác.
Nguồn tin: https://cafef.vn/dang-tam-voi-ban-trong-quan-ca-phe-thi-bi-nhac-im-lang-de-nguoi-ta-lam-viec-rot-cuoc-lam-gi-o-quan-ca-phe-moi-dung-188240408064912152.chn