Dì Hạ, 56 tuổi, là một người mẹ đơn thân. Để giúp cô con gái trả nợ mua nhà, dù tới tuổi nghỉ hưu, bà vẫn miệt mài đi làm thuê nhiều năm liền.
Nhưng cách đây không lâu, sau khi gặp một người phụ nữ 48 tuổi ở viện dưỡng lão, bà đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ.
Tảo tần nửa đời, đến già vẫn lo cho con
Kể về thời tuổi trẻ của mình, dì Hạ cho biết: “Tôi sinh ra ở nông thôn, 25 tuổi lấy chồng, có 2 đứa con sau 7 năm chung sống. Cứ tưởng cuộc đời được hạnh phúc đủ đầy, không ngờ năm 32 tuổi, tôi phát hiện chồng ngoại tình, hôn nhân đổ vỡ. Sau khi ly hôn, con trai 3 tuổi theo bố, chỉ còn tôi và con gái sống nương tựa lẫn nhau.”
Làm một người mẹ độc thân, bà buộc mình phải trở nên mạnh mẽ và kiên cường. Ban ngày, bà làm việc trong nhà máy, đến tối thì đẩy xe đi bán chè cùng con gái. Tuy không thể cho con tình yêu thương của cha nhưng bà chưa bao giờ để con thiếu thốn thứ gì.
Con gái của dì Hạ cũng không làm mẹ thất vọng. Cô ấy nỗ lực học tập, thi đậu một đại học sư phạm ở tỉnh thành, sau khi tốt nghiệp thì ở lại làm việc với mức lương từ 5.000 – 6.000 NDT (tương đương 15-18 triệu đồng).
Khi đó, dì Hạ 50 tuổi và bắt đầu nghỉ hưu. Lúc đó, lương hưu của bà là 2.500 NDT/tháng (khoảng 8,2 triệu đồng). Cộng thêm tiền bán nước buổi tối khoảng 1.500 NDT/tháng (gần 5 triệu đồng), bà sống ở quê một mình vẫn khá dư dả.
2 năm sau đó, con gái quyết định kết hôn và bắt đầu mua nhà trả góp. Ban đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn ổn định, không phải lo nghĩ nhiều. Tuy nhiên, vừa mua nhà chưa bao lâu thì cô có thai, sức khỏe rất yếu nên quyết định nghỉ việc, ở nhà dưỡng thai. Điều này khiến gánh nặng trả nợ đổ dồn lên vai người chồng, ngày ngày đi làm từ sáng đến tối, không có chút thời gian nghỉ ngơi chứ đừng nói đến việc chăm sóc vợ mang bầu.
Ảnh minh họa: Sohu
Thấy gia đình con gặp khó khăn về tài chính, con gái lo nghĩ nhiều rồi tủi thân, dì Hạ cũng thấy chạnh lòng. Điều này khiến bà quyết định đi làm thuê, kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy, có thể hỗ trợ 3.000 NDT/tháng, đỡ đần phần nào cho các con. Cô con gái nghe vậy thì nhất quyết không đồng ý, chỉ muốn mẹ ở nhà nghỉ hưu, dưỡng già an nhàn. Tuy nhiên, bà chỉ bảo: “Mẹ quyết rồi”, sau đó kiên định làm theo ý nghĩ bản thân.
Quả thật, sự giúp đỡ của bà khiến đôi vợ chồng trẻ nhẹ gánh một phần. Ngày dự sinh càng gần, càng nhiều thứ phải chuẩn bị nhưng họ không còn quá áp lực như trước. Rồi gia đình đón thêm một cậu nhóc hồng hào, khỏe mạnh.
Cháu trai càng lớn, các khoản phải chi càng nhiều, đôi khi còn có chi phí thuốc men, khám chữa vì đủ loại bệnh vặt của trẻ nhỏ. Vì thế, dì Hạ vẫn đều đặn đi làm thuê, tiết kiệm rồi gửi tiền giúp đỡ các con, thậm chí còn từ từ tăng lên 4.000 – 5.000 NDT/tháng. Sợ con không lấy, bà dặn đi dặn lại, đây là tiền cho cháu ngoại yêu quý của bà.
Tuy nhiên, khi đã 56 tuổi, việc buôn bán thêm buổi tối dần trở nên vất vả. Việc kinh doanh cũng không tốt như mấy năm trước. Bà chẳng kiếm được là bao, chỉ còn thu nhập từ việc làm bảo mẫu và lương hưu cố định hàng tháng.
Một lần, có người phụ nữ trẻ tuổi ở thôn bên cạnh tới tìm dì Hạ, muốn thuê bà tới viện dưỡng lão, chăm sóc cho mẹ chồng của cô trong thời gian dài. Mức lương 1 tháng lên tới 4.500 NDT. Công việc không quá nặng nề vì ở viện đã có đội ngũ y tá, điều dưỡng viên túc trực. Dì Hạ lập tức đồng ý ngay.
Muốn thương con, hãy thương mình trước
Đến đúng ngày, dì Hạ khăn gói vào viện dưỡng lão để nhận việc. Bà phát hiện ra rằng, người cần chăm sóc năm nay mới 50 tuổi, tên là Mai. Người phụ nữ ấy bị thoái hóa cột sống, đi lại vất vả, không tiện làm việc nên vừa đến tuổi đã lập tức nghỉ hưu. Con cái đều có gia đình riêng, chồng cũng đã qua đời, bà Mai quyết định vào ở viện dưỡng lão. Bà chỉ nhờ con dâu tìm giúp bà một người trung niên trạc tuổi để vừa chăm sóc, vừa bầu bạn.
Ảnh minh họa: Sohu
Suốt thời gian ở viện dưỡng lão, dì Hạ nhận ra, bà Mai là một người rất lạc quan và vui tính. Con cái của bà đều rất thương mẹ, luân phiên mỗi tuần vào thăm 2-3 lần, lần nào cũng ở lại tới tối mịt mới trở về. Dì Hạ lấy làm lạ mới hỏi: “Tôi thấy tình cảm gia đình mình rất tốt, nhưng sao bà không ở với các con mà lại vào đây?”
Bà Mai cũng ngạc nhiên hỏi lại: “Vào đây thì sao? Bà thấy cuộc sống của tôi ở đây không tốt chỗ nào à?”
Rồi bà cũng nói thêm: “Con cháu có cuộc sống riêng, cũng tự có phúc của mình. Đây là việc mà vợ chồng chúng nó phải tự trải qua. Chúng ta làm cha mẹ, ở bên bảo ban, chăm sóc chúng nó nửa đời người rồi. Giờ cũng đến lúc buông tay nghỉ ngơi được rồi chứ?”
”Bà nhìn bệnh của tôi đi, cũng vì ngày xưa làm việc nặng nhiều quá, không chú ý thân thể. Ngày thường không sao, đến khi trái gió trở trời, đau nhức không chịu được. Đáng lẽ khi còn có sức khỏe thì phải trân trọng, chứ không nên vắt kiệt thân thể làm gì. Đến lúc già yếu, nhiều bệnh tật lắm.”
Từ sau buổi nói chuyện đó, dì Hạ suy nghĩ rất nhiều. Một lần gặp con gái, dì hỏi tình hình tài chính của đôi vợ chồng đã ổn chưa. Cô con gái đưa ra câu trả lời chắc nịch: “Bọn con ổn mà. Bao năm nay con đã nói rồi, mẹ không cần vất vả để lo cho chúng con nữa đâu. Bây giờ, mẹ an tâm dưỡng già thì chúng con mới an tâm phấn đấu.”
Ảnh minh họa: Sohu
Có thể thấy, khi còn trẻ, gắng sức phấn đấu vì công việc, cuộc sống, đến tuổi trung niên rồi mới bắt đầu phát ra đủ mọi bệnh tật, lúc này mới bắt đầu điên cuồng lao vào “bảo dưỡng” cơ thể. Con người, tuy sống vì sinh kế, nhưng cơ bản nhất vẫn nên có một cơ thể khỏe mạnh. So với thời gian, chúng ta vĩnh viễn không bao giờ có thể thắng được.
Bình minh nào rồi cũng sẽ hoàng hôn. Nhưng có thể đối mặt với nó bằng cách nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Hãy tự nhủ với chính mình: Không phải lúc này thì còn là khi nào?
*Nguồn: Sohu