Vickie Bajtelsmit là giáo sư tài chính tại Đại học bang Colorado trong 26 năm qua. Khi bắt đầu mỗi lớp học về bảo hiểm, Vickie Bajtelsmit cho học sinh của mình một tình huống. Các học sinh sẽ tưởng tượng mình có 6.000 đô, họ có thể giữ số tiền hoặc đem đi đầu tư nhưng có khả năng mất một phần tiền vì rủi ro tài chính. Bajtelsmit cho biết: “Trong tất cả những lần tôi dạy lớp này, đàn ông là những người chấp nhận rủi ro nhiều hơn phụ nữ”.
Thật vậy, phần lớn các nghiên cứu về sự khác biệt giới tính cho thấy phụ nữ ngại rủi ro hơn nam giới trong những quyết định về đánh cược tiền bạc, đầu tư chứng khoán . Phụ nữ đầu tư ít tiền hơn và thận trọng hơn nam giới. Trong một nghiên cứu khác, nam giới chỉ nắm giữ một phần nhỏ các khoản đầu tư thu nhập cố định (rủi ro thấp) và nhiều cổ phần hơn trong cổ phiếu có rủi ro cao nhưng có khả năng thu lợi lớn.
Chấp nhận rủi ro tài chính không phải lúc nào cũng tốt hơn. Nhưng các khoản đầu tư có rủi ro cao hơn như cổ phiếu có thể đóng góp quan trọng cho khoản tiết kiệm hưu trí. Bajtelsmit nhận định, vì phụ nữ sống lâu hơn và do đó có thể sẽ nghỉ hưu lâu hơn, phụ nữ nên đầu tư nhiều hơn.
Thay vào đó, họ thường làm ngược lại. Phụ nữ thường ít đầu tư khi nghỉ hưu, và do đó họ có thể trải qua một tuổi già không mấy dư dả, hay tệ hơn là có nguy cơ cạn kiệt nguồn lực kinh tế.
Tại sao phụ nữ lại ít tiết kiệm hơn?
Lý do rõ ràng nhất là họ bị thiệt thòi về kinh tế so với nam giới: Họ kiếm được ít tiền hơn và có phúc lợi hưu trí kém hơn. Nhưng cũng khó có thể trách, họ tiết kiệm ít hơn vì thu nhập thấp hơn. Điều này cũng có thể giải thích tại sao phụ nữ thường lo lắng về tài chính hơn nam giới, họ không có đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các mục tiêu tài chính dài hạn, trong số đó có đầu tư cổ phiếu. Đầu tư cổ phiếu đòi hỏi một tinh thần thép, người “chơi” đôi khi phải chấp nhận khả năng gặp một khoản lỗ lớn.
Bản thân phụ nữ cũng có thể trở thành nạn nhân của những định kiến văn hóa về cách phụ nữ tiết kiệm và đầu tư. Nhiều phụ nữ nghĩ họ không nên tham gia vào thị trường chứng khoán vì họ không giỏi lĩnh vực đó. Một nghiên cứu giải thích: “Lý do không chuẩn bị cho việc nghỉ hưu một phần liên quan đến vai trò truyền thống của phụ nữ trong xã hội, họ bị gắn với vai trò yếu thế, phụ thuộc và thụ động”.
Định kiến giới đã phần nào cản bước phụ nữ
Nghiên cứu cho thấy rằng những người thiếu tự tin vào năng lực bản thân không thể lập kế hoạch cho những tình huống khẩn cấp. Nếu phụ nữ thiếu tự tin về kế hoạch nghỉ hưu, họ sẽ không thử. Sự bất an và định kiến sẵn có của phụ nữ làm họ e ngại về tài chính, họ sẽ không tìm hiểu về tài chính ngay từ đầu. Và những người không hiểu biết về tài chính ít có khả năng lên kế hoạch nghỉ hưu. Ngược lại, đàn ông thì có xu hướng quá tự tin về khả năng đầu tư của mình, vì vậy họ cũng ít tự ti về bản thân.
Nhưng Bajtelsmit không tin rằng văn hóa, định kiến giới là lý do duy nhất khiến phụ nữ có xu hướng như vậy, cần thêm sự khác biệt về tính cách sinh học. Ngay cả khi xã hội trở nên công bằng hơn, sự khác biệt về cách đầu tư của nam giới và nữ giới có thể vẫn tồn tại.
Ví dụ, xu hướng của phụ nữ đối với việc đưa ra quyết định kỹ lưỡng có thể phá hỏng quỹ hưu trí của họ một cách trớ trêu.
Bajtelsmit nói: “Phụ nữ là những người lập kế hoạch”, họ thường suy nghĩ rất nhiều khi phải quyết định về tương lai. Đàn ông sẽ đưa ra đánh giá nhanh chóng hơn nhiều, trong khi phụ nữ đặt rất nhiều câu hỏi, họ muốn nắm bắt các chi tiết và mọi rủi ro có thể xảy ra trước khi làm liều.
Theo số liệu, đàn ông phải mất một hai lần gặp cố vấn tài chính để quyết định chọn một sản phẩm tài chính, trong khi phụ nữ sẽ gặp cố vấn đến bảy lần. Khi biết quá nhiều thì khả năng do dự cũng tăng lên.
Phụ nữ tính toán rất nhiều về các khả năng
Dù vậy, khả năng xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn và cân nhắc cẩn thận rủi ro là đặc điểm của các nhà đầu tư khôn ngoan. Vì vậy, phụ nữ, mặc dù ngại rủi ro, nhưng khi vượt qua được trở ngại này thì họ có thể trở thành chiến binh “bất khả chiến bại”.