Trung QuốcFu Tuntun, 27 tuổi, phải trải qua nhiều khoảnh khắc xấu hổ trong cuộc sống bởi cân nặng 143 kg.
Cô bị cảnh báo quá tải cân nặng khi bước vào thang máy, kẹt ở cổng vào tàu điện ngầm và bị hỏi có đang mang thai trong buổi phỏng vấn xin việc.
Dù cách nhìn nhận về người ngoại cỡ như Fu đã có thay đổi nhưng những tình huống trên vẫn phổ biến. Fu gặp khó khăn khi di chuyển trên phương tiện công cộng được thiết kế cho người mảnh mai.
Tháng 7/2023, Fu đã bắt đầu ghi lại những thước phim về cuộc sống đời thường của mình và đăng trên mạng xã hội. Cô liệt kê 100 thách thức của người ngoại cỡ trong lúc đi tàu hỏa từ Quảng Châu đến các thành phố miền nam Trung Quốc.
Fu thừa nhận luôn lo lắng khi sử dụng phương tiện công cộng. Trên tàu hỏa, mỗi hàng có ba ghế, Fu chọn ngồi ghế cửa sổ. Cô để trống chỗ giữa cô và hành khách ở ghế cạnh lối đi.
Tuy vậy, Fu vẫn gặp khó khăn bởi không có nhiều không gian để di chuyển, khay bàn ăn cũng không dễ dàng để gập xuống.
Ở chiều về, Fu đã mua vé hạng nhất cho chuyến đi 24 phút, giá cao hơn gần 3 USD nhưng chỗ ngồi rộng hơn. Với chuyến cao tốc đường dài giữa Bắc Kinh và Thượng Hải, vé hạng nhất có thể gấp 1,6 lần so với vé hạng hai.
Fu bị đánh giá là béo phì với mức BMI 49.4 theo tiêu chuẩn chính thức của Trung Quốc. Nghiên cứu trên quy mô 15,8 triệu người Trung Quốc năm 2023 cho thấy 48.9% người có vấn đề về cân nặng hoặc béo phì.
Tuy nhiên, không gian trên phương tiện giao thông công cộng không tăng lên. Ghế ngồi cá nhân trên tàu cao tốc có chiều rộng là 430 hoặc 435 mm cho ghế hạng hai và 475 mm cho ghế hạng nhất.
Kích thước được thiết kế dựa trên đo lường tỷ lệ cơ thể người Trung Quốc năm 1988. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng vào năm 2018, kích thước này vẫn đáp ứng được nhu cầu của số đông.
Một số dự kiến mở rộng kích thước ghế tàu hỏa đã được đề xuất nhưng vẫn chưa có kết quả chính thức. Người ngoại cỡ như Fu cũng không thể mua thêm không gian, vì mỗi hành khách chỉ được có một vé tương ứng với số ID cá nhân.
“Tôi chỉ là người bình thường và chưa bao giờ nghĩ đến việc hệ thống tàu hỏa cao tốc thay đổi vì tôi”, Fu nói. “Nhưng sẽ tốt hơn nếu người ngoại cỡ có thể mua thêm ghế”.
Đại diện hãng hàng không China Southern Airlines cho biết hành khách có thể chọn mua hai ghế kề nhau nhưng một số sân bay có thể không cho phép điều này do lo ngại về an ninh.
Một số hãng hàng không khác đã đưa ra các chính sách đặc biệt cho người có cân nặng lớn, bao gồm việc hỗ trợ thêm ghế thêm miễn phí.
Pan Yuxin, 28 tuổi, nặng 86 kg nghĩ chính sách dành cho người có cân nặng ngoại cỡ là chưa cần thiết. Thay vào đó, cô chỉ muốn tăng thêm độ rộng ghế ngồi trên các phương tiện công cộng.
Mong muốn này đã được nhà quản lý xe buýt đô thị ở Thượng Hải và Nam Kinh nắm bắt. Họ loại bỏ tay vịn ngăn cách giữa hai ghế khiến kích thước chỗ ngồi đủ rộng cho người khuyết tật, phụ nữ có thai và người ngoại cỡ.
Pan sống ở Thượng Hải, nơi mua sắm quần áo ngoại cỡ đã trở nên phát triển dưới hình thức trực tuyến.
Theo báo cáo hãng nghiên cứu Coresight Research, thời trang và người mẫu ngoại cỡ ước tính đã tạo ra thị trường giá trị khoảng 4,8 tỷ USD vào năm 2019.
Trên nền tảng thương mại điện tử Taobao hiện có hơn 410.000 cửa hàng quần áo cỡ lớn. Tháng 6/2023, Plusmall – thương hiệu thời trang bigsize hàng đầu đã bán được hơn 7.000 USD trong ngày lễ hội mua sắm trực tuyến.
Dù vậy, Pan vẫn nghĩ cộng đồng mạng vẫn chưa có cái nhìn cởi mở với người có cân nặng khủng như cô. Các diễn đàn trực tuyến của người ngoại cỡ chỉ chia sẻ thông tin hẹn hò và lời khuyên về thời trang.
Cả cô và Fu đều từng bị tấn công bởi cộng đồng mạng khi chia sẻ những khó khăn về đời sống của mình. Tuy vậy, họ cũng nhận được nhiều lời khuyên và sự động viên.
“Trong đời thực, chúng tôi không được thấu hiểu bởi rào cản cân nặng”, Fu nói. “Nhưng ở thế giới mạng, chúng ta giống nhau và không bị đơn độc”.
Ngọc Ngân (Theo SixthTone)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/noi-buon-phu-nu-ngoai-co-4702916.html