Đôi khi, những nhận xét vô tình, dù thiện chí từ ông bà có thể tạo ra một môi trường khiến cháu cảm thấy không thoải mái hoặc bất an.
Ann-Louise Lockhart, nhà tâm lý học nhi khoa và chủ tịch của A New Day Pediatric Psychology ở San Antonio, Mỹ, nói rằng ông bà nên nhận thức được mức độ ảnh hưởng của lời nói đến cách trẻ suy nghĩ và cảm nhận về bản thân.
Andrea Dorn, nhà trị liệu tâm lý và là tác giả của bộ sách thiếu nhi Mindful Steps cho biết: “Không bao giờ là quá muộn để ông bà chú ý hơn đến cách tương tác với trẻ”.
Theo các chuyên gia, có những câu sau đây ông bà không nên nói với cháu.
“Đừng nói với bố mẹ… “
Câu này có thể được nói ra khi ông bà lén cho cháu tiền, kẹo bánh sau lưng cha mẹ chúng, hoặc để chúng thức quá giờ đi ngủ.
Nhà tâm lý học lâm sàng Zainab Delawella ở Atlanta nói rằng bất cứ khi nào bạn khuyến khích cháu giữ kín điều gì đó với cha mẹ chúng, điều đó có thể có hại. Điều này làm suy giảm quyền lực của cha mẹ, gây ra những hậu quả lâu dài. Hơn nữa, nó làm mẫu cho trẻ rằng chúng có thể rơi vào những tình huống mà lợi ích tốt nhất là không nói với cha mẹ. Điều này có thể đặc biệt nguy hiểm nếu trẻ nghe ai đó xa lạ dụ dỗ hoặc đang bị ai đó bắt nạt.
“Bố mẹ con đã sai trong việc…”
Phong cách nuôi dạy con cái của mỗi người là khác nhau, chưa kể sự thay đổi theo thời gian. Ông bà có thể đã nuôi dạy con cái theo một cách khác với cách những đứa trẻ hiện tại được nuôi dưỡng.
Chuyên gia Howes nói, ông bà lớn lên ở một thời đại khác với những phong tục và chuẩn mực khác nhau, do đó, bình luận về sự khác biệt là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tránh có thái độ chê bai, chỉ trích các con trước mặt cháu mình và gây cho trẻ sự bất an, lo lắng.
Tốt nhất, ông bà nên giữ những nhận xét đó cho riêng mình trừ khi thấy rõ các vấn đề từ cha mẹ có thể gây hại cho trẻ.
“Cháu béo/gầy quá” hay “Cháu ăn nhiều/ít quá”
Lockhart cho biết những nhận xét về cơ thể hoặc cân nặng của một đứa trẻ là điều không nên vì chúng có thể góp phần gây ra các vấn đề về hình ảnh cơ thể và lòng tự trọng.
Nhiệm vụ của ông bà là hỗ trợ và khuyến khích trẻ tự tin vào bản thân, Do đó, nên tránh đưa ra bất kỳ bình luận nào có khả năng gây tổn hại đến giá trị bản thân trẻ và dẫn đến cảm giác bất an.
Thay vì quan tâm quá nhiều vào ngoại hình, ông bà nên quan tâm đến nội tâm của trẻ, điều này sẽ giúp chúng cảm thấy được lắng nghe, được tôn trọng, đồng thời gửi thông điệp rằng mọi người không chỉ quan trọng là vẻ ngoài hay trang phục.
Tương tự như vậy, việc quá quan tâm đến thói quen ăn uống của trẻ và nhồi nhét trẻ ăn hoặc ngược lại, cấm đoán trẻ ăn hoàn toàn không phù hợp, gây cảm giác xấu hổ và khiến trẻ không dám lắng nghe cơ thể. Trong trường hợp bạn muốn hướng cháu đến một vóc dáng đẹp hơn, nên chỉ cho cháu thấy giá trị của việc xây dựng một thói quen ăn uống tốt và lành mạnh.
“Cháu hư quá”
Khi thấy cháu hành động không ngoan khi hoặc chúng không làm theo ý mình, ông bà có thể có xu hướng đưa ra nhận xét về việc cháu hư hỏng như thế nào. Điều này không phù hợp, vì hành xử của một đứa trẻ có liên quan mật thiết đến việc chúng được nuôi dạy ra sao.
Ryan Howes, một nhà tâm lý học lâm sàng từ Pasadena, California, nói: “Nếu trẻ hư hỗn thì đây có thể là hành vi chúng đã học từ cha mẹ hoặc được cha mẹ dung túng. Vì vậy, đổ lỗi cho trẻ là không công bằng. Ông bà nên khéo léo nói chuyện với bố mẹ trẻ nhưng hãy giữ sự phán xét cho riêng mình thay vì nói thẳng với chúng”.
Thùy Linh (Theo Yahoo Life)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-cau-ong-ba-khong-nen-noi-voi-chau-4691794.html