Từ đầu mùa cưới đến nay, anh Thành Danh không nhớ nhận được bao nhiêu thiệp cưới có in mã QR nhưng với những thiệp này, anh chỉ gửi tiền mừng, không đến dự.
Người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nam nói luôn có cảm giác khó chịu vì việc in thêm mã QR (số tài khoản ngân hàng được mã hóa) giống như bị cô dâu, chú rể ép phải gửi tiền mừng, khách mời không được tôn trọng.
Đã có lần anh đến dự lễ thành hôn của đôi trẻ nhưng cảnh tiệc chưa tàn khách đã truyền tay nhau tấm thiệp để quét mã “rất phản cảm”. “Không khác gì đi ăn nhà hàng mà chia tiền theo đầu người”, anh Danh nói.
Nhưng với Lê Lan, 30 tuổi, ở quận Hà Đông (Hà Nội) những tấm thiệp mời cưới có in mã QR là chuyện rất bình thường. Hai trong số ba thiệp cô nhận được gần đây là loại này.
“Tôi cũng dự nhiều đám cưới có dán mã QR ngay cạnh thùng tiền mừng hoặc trên bàn tiệc. Cách mừng cưới này khá thuận lợi. Không phải xin tài khoản ngân hàng dễ gây nhầm lẫn, cũng không lo chuẩn bị phong bì, trao tay dễ thất lạc”, Lan nói.
Từng nhận thiệp cưới có kèm mã QR chuyển tiền, Tuấn Dũng ở TP HCM cho rằng cách thức này phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chàng trai 27 tuổi xa quê đã nhiều năm, bạn bè mời cưới khó về bởi khoảng cách địa lý.
Trước đây, mỗi khi nhận thiệp cưới, Dũng phải liên lạc với nhiều người để nhờ “làm phong bì” do ngại xin số tài khoản của cô dâu, chú rể. Nhưng không phải lúc nào anh cũng nhờ được, đành chờ đến khi có cơ hội gặp mặt mới tặng quà. Chàng trai này dự định khi nào kết hôn cũng sẽ in mã QR chuyển tiền lên thiệp, thuận tiện cho bạn bè ở xa.
Ngày nay số người có suy nghĩ làm thiệp cưới in số tài khoản như Dũng không hiếm. Hầu hết các quảng cáo liên quan tới cưới hỏi trên mạng xã hội đều cung cấp dịch vụ này. Trong một nhóm chuyên in thiệp cưới trên mạng xã hội với 100.000 thành viên, trung bình mỗi ngày có hơn 30 bài giới thiệu dịch vụ in ấn theo yêu cầu, đa phần đều nhận gắn mã QR lên thiệp.
Chị Mai Anh, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp dịch vụ cưới hỏi trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết gần đây nhu cầu in thiệp cưới có mã QR gia tăng. Khách phần lớn là người trẻ ở thủ đô và các tỉnh lân cận.
“Trước đây một số cặp còn ngại ngần, sợ bị đàm tiếu là thực dụng nhưng nay tư tưởng cởi mở hơn. Họ mong muốn in QR chuyển khoản tạo thuận lợi cho người được mời cũng như giản tiện thủ tục mừng cưới”, chủ cửa hàng nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội) cho rằng hành động này ngày càng phổ biến một phần xuất phát từ việc người trẻ chạy theo xu hướng, thấy bạn bè thực hiện nên học theo. Phương thức này cũng phù hợp với xã hội hiện đại khi gần 75% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng và thường xuyên giao dịch bằng phương thức chuyển khoản.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch qua kênh QR code tính đến hết quý 2/2023 tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
“Dù có mặt tích cực nhưng theo tôi việc in mã QR chuyển tiền trên thiệp cưới chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”, bà Tâm nói.
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết tiền mừng cưới xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng. Mục đích là chung sức tạo điều kiện vật chất cho cặp vợ chồng trẻ từng bước xây dựng cuộc sống mới.
“Chuyển khoản hay quét mã đều là phương thức chuyển tiền, là văn minh mới. Đặc biệt với những người ở xa, không có điều kiện dự ngày vui để chúc phúc trực tiếp. Hình thức đó không có lỗi nếu phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể”, ông Vĩ nói.
Tuy nhiên vị chuyên gia cho rằng in mã QR lên thiệp cưới hoặc phông bạt chưa được tế nhị và không phù hợp với văn hóa.
Lấy ví dụ bằng tâm trạng của anh Thành Danh, chuyên gia Nguyễn Thị Tâm cho rằng nhiều người khi nhận thiệp cưới in mã QR sẽ có suy nghĩ đây là điều bắt buộc, là nợ phải trả nên tỏ ra khó chịu, không muốn dự tiệc cưới hoặc có cái nhìn thiếu thiện cảm với cô dâu, chú rể.
Từng có ý định in số tài khoản lên thiệp nhưng được chủ tiệm khuyên không nên bởi không hợp truyền thống, Ngọc Minh, 23 tuổi, ở Bắc Ninh quyết định chia thiệp mời làm hai loại. Loại in mã QR sẽ để mời bạn bè, đồng nghiệp, loại không in gửi đến khách của bố mẹ, tránh điều tiếng không hay có thể xảy ra trong đám cưới.
Để không rơi vào tình huống khó xử, bà Tâm khuyên các cặp vợ chồng trước khi tổ chức đám cưới nên cân nhắc, đặt mình vào vị trí của người được mời thay vì tự do làm theo ý thích cá nhân.
“Tiền mừng cưới vốn rất tế nhị. Không nên đẩy chúng thành tác nhân gây tổn thương, bức xúc cho khách. Nếu mời, hãy mời một cách lịch sự và tinh tế”, bà Tâm nói.
Quỳnh Nguyễn – Hải Hiền
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhan-thiep-cuoi-in-ma-qr-tai-khoan-ngan-hang-4701357.html