Ngày nay, EQ (trí tuệ cảm xúc) đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng nhất của việc tuyển dụng và thăng tiến. Những người EQ cao, họ có khả năng hiểu biết chính mình lẫn thấu hiểu cảm xúc, tư duy của những người xung quanh. Do đó, họ biết tự khống chế cảm xúc của bản thân, lại biết cách xây dựng quan hệ lành mạnh với người khác, dễ thích nghi trong mọi hoàn cảnh.
Khác với IQ, EQ không phải yếu tố bẩm sinh mà có thể thay đổi theo thời gian. Cũng vì thế, nhận biết mình có biểu hiện EQ thấp hay không cũng là cách nhanh chóng để bạn cải thiện chỉ số này.
Dưới đây là 3 câu nói cửa miệng của người EQ thấp, thông qua đó bạn có thể đánh giá bản thân và những người xung quanh có trí tuệ cảm xúc như thế nào.
1/ “Việc đơn giản thế này mà bạn cũng không làm được”
Tôn trọng đối phương là nguyên tắc đầu tiên mà mọi người cần ghi nhớ khi giao tiếp với người khác. Bởi lẽ, bất kể chúng ta nói chuyện với ai thì cũng đều mong muốn được người khác lắng nghe, tôn trọng và đánh giá cao. Nếu bạn bắt ép bản thân nói chuyện với một người liên tục phủ nhận đối phương thì về lâu dài, bạn sẽ nghi ngờ và phủ nhận chính mình.
Sự tự tin của một người không phải tất cả đều đến từ lời khen của người khác. Tuy nhiên, nếu một người có lòng tự trọng thấp thì nguyên nhân chính có lẽ do họ thường xuyên bị coi thường trong công việc và cuộc sống. Do đó, khi nói chuyện với người khác, họ cũng vô thức hoặc cố tình lặp lại hành động coi thường và phớt lờ cảm xúc của người khác.
Khi ai đó nói với người khác: “Việc đơn giản như vậy chúng ta không thể làm tốt được”, thì tức là họ đặt mình lên vị trí cao hơn đối phương. Khi đó họ nghĩ rằng: “Mọi việc tôi làm đều đúng và người khác phải nghe theo tôi”.
Vô tư chà đạp nhân phẩm của người khác, tức là không biết tôn trọng đối phương và đó là biểu hiện của EQ thấp. Tuy nhiên, cần nhìn nhận về sâu bên trong, những người quen đề cao bản thân bằng cách phủ nhận người khác thực chất là người thiếu sự tự tin.
2/ “Tôi nói thế là muốn tốt cho bạn thôi”
Những người lạm dụng câu nói này khi giao tiếp, thực chất là họ đang muốn gây tổn phương cho đối phương, bằng cách “thao túng tâm lý”: Họ làm điều đó vì tốt cho bạn.
Điều đáng sợ nhất trên đời là bắt một người phải phục tùng ý muốn của người khác. Trong cuộc sống thực, chúng ta không khó để bắt gặp những người nhân danh muốn tốt cho đối phương nhưng lại đi bắt ép họ chiều theo ý kiến của mình.
Chẳng hạn, khi bạn bạn đang tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng lên thành phố lớn lập nghiệp, sẽ có người luôn nói vào tai bạn: “Giá nhà ở thành phố cao quá, trong khi chi phí sống quá đắt đỏ. Dù có làm việc cật lực cả đời thì bạn cũng không đủ tiền mua nhà đâu. Thà bạn cứ quê, sống bình yên như vậy thôi. Tôi nói thế là vì tốt cho bạn thôi”.
Và khi bạn tìm được việc làm, lại có người nói vào tai bạn: “Công việc này không ổn định và không có tương lai. Tại sao bạn không nhìn người khác làm công việc lương cao hơn mà học tập. Tôi nói thế là muốn tốt cho bạn thôi”.
Hay khi bạn đang muốn có chuyến đi du lịch thư giãn, họ sẽ nói vào tai bạn: “Sống ở đời thì nên tiết kiệm tí đi. Đừng đi du lịch vì tốn kém lắm. Tôi nói thế là muốn tốt cho bạn thôi”.
Bạn có thấy điểm chung của những người EQ thấp, có câu nói cửa miệng: “Tôi nói thế là muốn tốt cho bạn thôi” không? Đó là họ thích tự cho rằng những điều mình làm, quan điểm mình tin tưởng là đúng và có thể giúp đỡ người khác. Thế nhưng, họ không bao giờ quan tâm đến suy nghĩ của đối phương, chứ đừng nói đến lời khuyên bảo có phù hợp với người nghe hay không.
Khi giao tiếp, chúng ta không chỉ cần sự lắng nghe mà còn là sự thấu hiểu từ người đối diện. Do đó, một khi ai đó cảm thấy mình không được thấu hiểu, họ sẽ cảm thấy khó chịu và có thể dẫn đến xung đột.
3/ “Tôi chỉ nói đùa thôi mà”
Đừng đánh giá thấp lời nói đùa, bởi thông qua đó, chúng ta có thể nhận biết ai là người EQ cao hay thấp. Một trò đùa vui sẽ làm cho đối phương vui vẻ, nhưng một trò đùa kém tinh tế không chỉ khiến chất lượng giao tiếp đi xuống mà còn bộc lộ trí tuệ cảm xúc thấp của người nói.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp một vài người nói ra câu đùa thiếu tinh tế, chẳng hạn như: “Bộ quần áo của chị xấu quá đi”, “Cái điện thoại chị mới mua không tốt lắm nhỉ?”,... sau đó bao biện bằng câu nói “Tôi chỉ nói đùa thôi mà”,... Thực tế, họ chỉ đang lấy danh nghĩa nói đùa để mỉa mai, chế giễu người khác. Họ thường chỉ quan tâm đến hạnh phúc của bản thân mà không để ý đến cảm xúc của người đối diện.
Sau cùng, mức độ trí tuệ cảm xúc của một người không phải là họ có tài hùng biện như thế nào mà là họ nói năng có chừng mực hay không. Bạn không cần phải quá dè dặt, thận trọng khi giao tiếp với người khác, nhưng cần suy nghĩ nhiều hơn trước khi nói, nói những gì có thể nói và dừng lại ở những gì nên nói mà thôi. Không làm người khác xấu hổ và không gây rắc rối cho bản thân là những quy tắc cơ bản trong giao tiếp xã hội của người lớn.
Nguồn: Sohu
Nguồn tin: https://cafef.vn/nguoi-eq-thap-co-3-cau-noi-cua-mieng-mong-ban-khong-trung-cau-nao-188240610193524869.chn