Chú Lý, 57 tuổi, người Trung Quốc rất thích ăn hải sản. 2 tháng trước, trong một lần đi du lịch cùng gia đình ở vùng biển, chú đã nếm thử các loại hải sản khác nhau. Sau khi trở về, chú thấy cánh tay mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Tưởng mình bị dị ứng hải sản, chú Lý vội vàng ra tiệm mua thuốc bôi nhưng không đỡ.
Vài ngày sau, chỗ ngứa trên cơ thể ngày càng nhiều, khiến chú không chịu nổi, lúc ngứa ở ngực, lúc lại ngứa ở vùng chân và lưng. Vị trí ngứa không cố định, tần suất càng nhiều.
Những ngày đầu, chú Lý có thể kiềm chế để không gãi. Nhưng càng về sau, chú không chịu được nên ngày nào cũng gãi khắp các vị trí trên cơ thể. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Vợ chú rất lo lắng cho sức khỏe của chú nên đã cùng chú đến khoa Da liễu của bệnh viện để điều trị. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết tình trạng này không phải do dị ứng mà do gan gặp vấn đề. Bác sĩ đề nghị chú Lý nên gặp bác sĩ chuyên khoa về gan để chẩn đoán bệnh chính xác.
Chú Lý theo lời bác sĩ và nhận được kết quả cuối cùng: Mắc ung thư gan. Vợ chồng chú bàng hoàng, kèm theo thắc mắc không hiểu vì sao ngứa da có thể liên quan tới ung thư gan.
Các bác sĩ cho biết, mặc dù một số vùng da ngứa là do thể chất, dị ứng hoặc biến đổi khí hậu. Nhưng đó còn có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Nhiều người không để ý đến tình trạng ngứa da, cho rằng chỉ cần bôi thuốc sẽ đỡ, chứ không nghĩ mắc các bệnh khác.
Trên thực tế, bằng cách quan sát làn da, bạn có thể phát hiện ra những thay đổi về sức khỏe sớm nhất. Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường nào trên da, hãy tới bệnh viên để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn càng sớm càng tốt.
Cơn ngứa thật sự khủng khiếp, là một trong những cảm giác khó chịu nhất của con người. Da là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể. Các thụ thể ngứa được phân bổ thành các chấm trên da. Khi các đầu dây thần kinh hoặc mạng lưới thần kinh có myelin (vật liệu bao quanh và bảo vệ các tế bào thần kinh) ở lớp bề mặt da bị kích thích, các thụ thể sẽ gửi tín hiệu. Khi não nhận được tín hiệu sẽ tạo ra cảm giác ngứa ngáy. Những vùng nhạy cảm hơn trên cơ thể thường dễ bị ngứa hơn.
Khi khối u ác tính xuất hiện trên cơ thể, các tế bào của mô khối u sẽ sản sinh ra một chất có hoạt tính sinh học gọi là histamine và axit phân hủy protein. Khi máu lưu thông, chất này có thể đến da và kích thích các đầu dây thần kinh cảm giác giác, gây ra tình trạng ngứa ngáy.
Tình trạng ngứa và khối u ác tính có liên quan chặt chẽ với nhau. Các khối u nội tạng được tìm thấy ở 3 – 47% bệnh nhân bị ngứa toàn thân. Khoảng 20 – 25% bệnh nhân ung thư phụ khoa, 50% bệnh nhân ung thư dạ dày và 12 – 26% bệnh nhân ung thư hạch sẽ gặp các triệu chứng ngứa toàn thân ở các mức độ khác nhau trước khi chẩn đoán.
Ngứa do khối u thường có 3 đặc điểm sau:
– Ngứa không rõ nguyên nhân, không liên quan đến thời tiết, tình trạng da không thuyên giảm bằng thuốc.
– Những thay đổi trên da không rõ ràng nhưng ngứa ngáy, khó chịu.
– Tình trạng ngứa xảy ra đột ngột, trước đây chưa từng xuất hiện.
3 vị trí ngứa có thể là dấu hiệu của ung thư
1. Da ngứa, vàng da có thể bị ung thư gan
Da vàng liên quan mật thiết đến gan. Khi gan gặp vấn đề, độc tố không đào thải được sẽ hiện lên trên bề mặt da.
Ngứa toàn thân thường gặp ở bệnh nhân vàng da, mắt vàng, da vàng, nước tiểu vàng. Xét nghiệm chức năng gan cho thấy bilirubin tăng cao, chuyển hóa thành muối mật và lắng đọng dưới da.
Khi lượng bilirubin tích tụ trong cơ thể càng nhiều sẽ kích thích các dây thần kinh dưới da và gây ra triệu chứng ngứa. Vàng da còn do người bệnh mắc viêm gan, xơ gan,…
2. Ngứa vùng da quanh hậu môn có thể là ung thư ruột
Ngứa quanh hậu môn là biểu hiện lâm sàng thường gặp của bệnh lý hậu môn trực tràng. Nhiều khi ngứa vùng da quanh hậu môn có thể bị nhầm lẫn với bệnh trĩ, bệnh chàm quanh hậu môn,…
Nếu vùng da quanh hậu môn bị ngứa, tiết dịch, hậu môn sưng tấy, có nốt cứng, bị loét, thậm chí chảy máu gây đau đớn thì bạn nên cảnh giác với khả năng mắc ung thư.
Đặc biệt, ung thư trực tràng gần hậu môn có thể gây ngứa hậu môn và tiết ra dịch nhiều hơn. Vùng da quanh hậu môn thấm dịch tiết có thể gây ra tình trạng thô ráp, giống như bị bệnh chàm hoặc nứt nẻ da.
3. Ngứa mũi có thể do khối u não
Ngứa cực độ ở lỗ mũi là một trong những triệu chứng của khối u não. Nếu ngứa bên trong khoang mũi mà không phải do phấn hoa, bụi, khí,… gây ra và không tìm được nguyên nhân, kèm theo ù tai, thị lực kém, nôn mửa, suy giảm trí nhớ và các tình trạng khác thì cần xem xét khả năng có khối u não.
Ngoài ngứa mũi, bệnh nhân u não còn có các triệu chứng đau đầu thường xảy ra vào buổi sáng hoặc khi đang ngủ. Nhưng sau khi thức dậy và vận động một chút, triệu chứng đau đầu sẽ giảm dần.
Khi điều này xảy ra, bệnh nhân nên tới bệnh viện điều trị kịp thời, thực hiện chụp CT não, hoàn thành các xét nghiệm liên quan, làm rõ vị trí và kích thước cụ thể của khối u não. Sau đó cần điều trị theo triệu chứng.
Sự khác biệt giữa ngứa do ung thư và ngứa da thông thường
Ngứa da do bệnh nhân mắc ung thư thường kéo dài dai dẳng, mẩn ngứa, nổi cục, đỏ da,… Còn ngứa da thông thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Đối với ngứa thông thời, ngay trong thời gian đầu, chỉ cần điều trị theo triệu chứng sẽ khỏi hoặc có thể cải thiện đáng kể. Còn ngứa do ung thư là triệu chứng lâm sàng do tế bào khối u ác tính xâm nhập vào bề mặt da. Tình trạng ngứa chỉ có thể thuyên giảm sau khi bệnh được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, điều trị triệu chứng thông thường thường kém hiệu quả.
Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị sớm là chìa khóa để chữa khỏi bệnh ung thư và kéo dài tuổi thọ.