Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), châu Á (bao gồm 55 quốc gia và vùng lãnh thổ) đã thể hiện khả năng phục hồi trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Trong đó, 3 quốc gia giàu nhất châu lục là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Để xác định các quốc gia giàu có nhất châu Á, trang Insider Monkey đã phân tích từ dữ liệu về sự giàu có toàn cầu của Tập đoàn tài chính Credit Suisse tính đến hết năm 2021.
Phương pháp được sử dụng trong trường hợp này chỉ dựa vào tài sản tài chính và phi tài chính trong khi trừ nợ.
Insider Monkey đã chọn 20 nền kinh tế giàu nhất châu Á dựa trên tổng tài sản. Các nhà bình chọn lưu ý, bảng xếp hạng này rất phức tạp và đa dạng, và không có phương pháp đơn lẻ nào có thể nắm bắt hoàn hảo tất cả các khía cạnh giàu có của một nền kinh tế.
Những người thực hiện cũng không xem xét các yếu tố khác đóng góp vào sự giàu có chung của một quốc gia, chẳng hạn như tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực hoặc tiềm năng kinh tế của đất nước. Kết quả cho thất, Nhật Bản là quốc gia giàu thứ hai châu Á với tổng tài sản 25,692 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện tại “đất nước mặt trời mọc” đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện dự trữ. Ngày 9/6, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các hộ gia đình và các ngành công nghiệp xung quanh Thủ đô Tokyo tiết kiệm điện trong tháng 7 và tháng 8 để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong cao điểm mùa hè, mặc dù không đặt ra bất kỳ mục tiêu cụ thể nào.
Trang Bloomberg đưa tin, cơ quan Tài nguyên và Năng lượng Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi người dân và các doanh nghiệp hạn chế sử dụng điện không cần thiết vì có nguy cơ sẽ thiếu điện trong tháng cao điểm của năm 2023.
Theo ước tính từ chính phủ Nhật Bản, trong 2 tháng mùa hè, năng lượng dự trữ của nước này có thể giảm xuống mức thấp nghiêm trọng do nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong thời tiết nóng bức.
Mặc dù trên thị trường giá khí đốt tự nhiên và than đã giảm so với mức cao kỷ lục của năm ngoái, chính phủ và các công ty điện lực Nhật Bản vẫn lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung trong tương lai. Trong khi đó, quốc gia này là một trong những nước mua khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Việc kêu gọi sử dụng tiết kiệm điện có thể giúp giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch.
Không chỉ trong năm nay, Nhật Bản đã có các đợt vận động tiết kiệm điện thành công vào mùa đông và mùa hè năm 2022. Ở thời điểm đó, nhiệt độ cao nhất trong mùa kể từ khi kỷ lục bắt đầu thiêu đốt phần lớn miền Đông Nhật Bản trong một tuần vào tháng 6, khiến Chính phủ yêu cầu người dân cắt giảm sử dụng điện càng nhiều càng tốt.
Cụ thể, người dân được khuyến khích giảm dùng các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng từ máy sấy đến lò nướng bánh, nhưng nên tiếp tục sử dụng máy điều hòa không khí nếu có nguy cơ say nắng trong những tháng hè nóng bức.
Theo dự báo của Bộ Công nghiệp Nhật Bản vào tháng 5, thị trường điện của đất nước dự đoán sẽ không thắt chặt. Nhưng Bộ đã quyết định đưa ra lời kêu gọi tiết kiệm điện “trong phạm vi hợp lý” trong hai tháng tại các khu vực được cung cấp điện bởi Công ty Điện lực Tokyo Holdings. Lý do lớn nhất là bởi vì tỷ lệ dự trữ được ước tính là dưới 5%, gần với mức tối thiểu 3% để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Trong trường hợp xảy ra đợt nắng nóng kéo dài một thập kỷ, lượng điện dự trữ ở khu vực Tokyo là 3,1% cho tháng 7 và 4,8% cho tháng 8. Trong khi đó, số liệu ở những nơi khác là trên 5% cho cả hai tháng, theo báo cáo của Bộ Công nghiệp.
Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cho biết, Chính phủ đã không thực hiện bất kỳ biện pháp đặc biệt nào trong tháng 6 nhưng đang giám sát hoạt động của các nhà máy điện và nhu cầu điện trong tháng này…
Theo Bloomberg, AsiaOne