Bộ phận này là răng.
Theo đó, các nhà khoa học ở Nhật Bản đang đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển ra một loại thuốc mới có khả năng giúp răng mọc lại.
Trên thực tế, những thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7/2024. Các chuyên gia hy vọng loại thuốc này sẽ được các nha sĩ sử dụng vào năm 2030.
Dị tật răng bẩm sinh phổ biến ở người và điều này làm ảnh hưởng đến 1% dân số trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu loại thuốc của Nhật Bản được phát triển thành công thì đây sẽ là thuốc đầu tiên giúp mọc răng lại trên thế giới.
Nghiên cứu này do Viện Nghiên cứu y khoa Bệnh viện Kitano ở Osaka (Nhật Bản) đứng đầu, nhằm mục đích mang đến một loại thuốc mới điều trị cho các bệnh nhân thiếu răng trưởng thành do các yếu tố bẩm sinh.
Tiến sĩ Katsu Takahashi, trưởng khoa phẫu thuật răng miệng ở Viện Nghiên cứu y khoa Bệnh viện Kitano, đã tiến hành nghiên cứu loại thuốc này từ những năm 1990.
“Ý tưởng mọc răng mới là giấc mơ của mọi nha sĩ“, Tiến sĩ Katsu Takahashi cho biết, đồng thời tự tin cho rằng ông có thể biến giấc mơ này thành hiện thực.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y tế Nhật Bản (AMED), nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Katsu Takahashi đã kích thích thành công sự phát triển của răng ở “thế hệ thứ ba”, sau răng sữa đầu tiên và sau đó là răng trưởng thành, trên các động vật.
Cụ thể, bằng cách phát triển ra một loại thuốc kháng thể trung hòa nhằm ngăn chặn hoạt động của USAG-1, loại gene làm hạn chế sự phát triển của răng ở người và chuột, nhóm nghiên cứu đã kích thích mọc lại răng thành công ở chuột và chồn sương.
Các kết quả đầy hứa hẹn của nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature vào năm 2021, thu hút sự chú ý từ cộng đồng khoa học toàn cầu.
Tờ The Mainichi ở Nhật Bản đưa tin rằng, nhóm nghiên cứu hiện đang tiếp tục thực hiện các bước để có thể đưa loại thuốc này sẵn sàng cho con người sử dụng. Một khi tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này được đảm bảo, thuốc trước tiên sẽ được dùng để điều trị cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi có dấu hiệu của chứng anodontia (thuật ngữ chỉ tình trạng thiếu răng bẩm sinh), và sau đó là những người bị mất răng vì bị sâu răng hoặc do bệnh răng miệng nghiêm trọng.
Vì sao con người chỉ mọc răng vĩnh viễn một lần trong đời?
Trên thực tế, nhiều loài động vật có thể mọc lại răng mới hoàn toàn để thay thế cho những chiếc răng cũ bị hư hỏng. Nhưng con người lại chỉ mọc răng sữa và sau đó thay thế bằng răng trưởng thành.
Tại sao có sự khác biệt như vậy?
Theo các chuyên gia, chỉ một số ít động vật có vú có thể mọc lại răng nhiều lần so với con số 50.000 loài bò sát và cá. Chẳng hạn như loài tắc kè. Chúng có thể thay thế tất cả 100 răng chỉ sau 3 – 4 tháng một lần. Tắc kè có thể sống từ 6 – 10 năm. Nhưng chúng có thể mọc khoảng 1.800 – 4.000 cái răng trong đời.
Nguyên nhân là tắc kè có một loại tế bào đặc biệt trong lợi, gọi là tế bào gốc. Theo đó, tế bào gốc rất tiện dụng vì chúng có thể biến đổi thành các tế bào khác nhau khi cần, chẳng hạn như tế bằng răng gốc để xây dựng răng mới.
Trên thực tế, con người cũng có những tế bào gốc này khi còn nhỏ. Tuy nhiên, sau khi thay thế bằng răng trưởng thành, các tế bào gốc này chết và biến mất.
Các chuyên gia cho biết, các loài bò sát thường sử dụng răng để làm mọi việc như giữ, xé động vật. Do đó, chúng cần những chiếc răng có cùng kích thước và hình dạng để giữ con mồi không thể thoát khỏi miệng của chúng.
Trong khi đó, động vật có vú đã phát triển chế độ ăn uống đặc biệt hơn. Minh chứng là động vật gặm cỏ chỉ ăn cỏ và động vật săn mồi thì ăn thịt. Kết quả, động vật có vú tiến hóa răng khác nhau cho những mục đích khác nhau. Đó có thể là nguyên nhân động vật có vú không thể mọc lại nhiều răng.
Giả sử chúng ta có thể mọc lại một bộ răng mới nhiều lần. Nhưng điều quan trọng là các răng trên và dưới sẽ khớp với nhau. Nếu không, chúng không thể nhai thực phẩm một cách hiệu quả. Về nguyên tắc, điều này có vẻ đơn giản, nhưng với mỗi bộ răng mới, nguy cơ răng bị mọc ngược, mọc lệch sẽ rất cao.
Vì vậy, răng trưởng thành ở người không thể tái sinh. Tuy nhiên, với nghiên cứu trên, việc mọc lại một chiếc răng là điều có thể xảy ra trong tương lai gần.
Bài viết tham khảo nguồn: Euronews, Businessinsider