Giấy bạc là vật liệu quen thuộc trong căn bếp hiện đại. Nhờ khả năng chịu nhiệt tốt, dễ tạo hình và giữ nhiệt hiệu quả, nó được dùng rộng rãi để nướng, bọc, hoặc bảo quản thực phẩm. Thế nhưng, không phải món ăn nào cũng “hợp rơ” với giấy bạc. Dùng sai cách chẳng những làm giảm hương vị mà còn khiến món ăn tiềm ẩn nguy cơ sinh độc tố nguy hiểm.
3 loại thực phẩm không nên bọc trong giấy bạc
Thạc sĩ Cai Zhengliang, chuyên gia dinh dưỡng thuộc Hiệp hội Dinh dưỡng Đài Loan (Trung Quốc) cảnh báo rằng giấy bạc tuy tiện lợi, nhưng khi gặp một số nguyên liệu đặc biệt sẽ xảy ra phản ứng hóa học có hại cho sức khỏe. Đặc biệt, 3 loại thực phẩm sau tuyệt đối không nên gói trong giấy bạc – dù là khi nấu hay đơn thuần bảo quản:
Giấm và chanh
Các loại thực phẩm có tính axit cao như giấm và chanh dễ dàng phản ứng với nhôm trong giấy bạc. Dưới tác dụng của nhiệt, axit sẽ ăn mòn lớp nhôm, giải phóng các ion nhôm hòa tan vào món ăn. Kết quả không chỉ là mùi vị bị biến đổi, mà còn có nguy cơ khiến cơ thể hấp thụ kim loại nặng.
Ảnh minh họa
Khi tích tụ lâu dài trong cơ thể, nhôm có thể gây tổn thương gan, thận và đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Một số nghiên cứu còn chỉ ra mối liên hệ giữa nhiễm nhôm và các bệnh như Alzheimer, trầm cảm, hen suyễn. Do đó, không dùng giấy bạc bọc các món ăn có giấm hay chanh.
Cà chua
Cũng như chanh và giấm, cà chua chứa lượng axit citric và malic đáng kể. Nếu bọc cà chua hoặc các chế phẩm từ nó như sốt, bột cà chua bằng giấy bạc và đem đi nướng, nhôm sẽ dễ dàng bị hòa tan vào thực phẩm. Món ăn không chỉ trở nên kém hấp dẫn mà còn mang theo vị lạ, kèm theo nguy cơ đưa chất độc vào cơ thể mà không ai hay biết.
Ngay cả khi chỉ dùng để bảo quản trong tủ lạnh, giấy bạc cũng không phải lựa chọn tối ưu cho cà chua. Tác dụng của axit có thể khiến thực phẩm nhanh chóng đổi màu, mốc hoặc lên men bất thường.
Các loại sốt và gia vị chứa cồn
Rượu, mirin hay các loại sốt có chứa thành phần lên men như nước tương, giấm đen… đều không nên tiếp xúc trực tiếp với giấy bạc. Cồn và axit trong chúng khiến giấy bạc bị ăn mòn nhanh chóng, sinh ra hiện tượng thủng, cháy sém hoặc tạo mùi lạ khi nấu. Tệ hơn, nếu giấy bạc bị rách, nhôm có thể dính vào thức ăn, gây hại cho đường ruột, đặc biệt là với người có hệ tiêu hóa yếu hoặc trẻ em.
Làm sao để dùng giấy bạc an toàn hơn?
Thạc sĩ Cai khuyến nghị, nếu cần sử dụng các nguyên liệu có tính axit trong món ăn, hãy bọc giấy bạc ở ngoài lớp giấy nến hoặc lớp màng thực phẩm chịu nhiệt chuyên dụng. Khi nấu, nên chờ đến bước cuối cùng mới thêm giấm, nước chanh hoặc sốt cà để hạn chế phản ứng hóa học xảy ra.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, tuyệt đối không dùng giấy bạc bị trầy xước, bị nhăn nhúm hoặc đã qua sử dụng nhiều lần. Việc tái sử dụng không chỉ làm giảm khả năng chịu nhiệt mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh chất độc do bề mặt giấy bạc đã bị phân hủy hoặc nhiễm bẩn.
Giấy bạc là công cụ hữu ích, nhưng nếu không dùng đúng cách, nó có thể khiến bữa ăn tưởng bổ dưỡng lại trở thành mối nguy âm thầm. Hãy ghi nhớ ba loại thực phẩm “kỵ giấy bạc” này để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình nhé!
Nguồn và ảnh: Helloyishi, Daily Mail
Nguồn tin: https://cafef.vn/3-thuc-pham-tuyet-doi-khong-nen-boc-trong-giay-bac-mat-ngon-con-nuot-vao-toan-chat-doc-188250417090609206.chn