Thực tế, việc chúng ta sống hạnh phúc ở những năm cuối đời hay không, không quyết định bởi tiền lương hưu mà bạn có được. Niềm vui có được ở những năm cuối đời phụ thuộc nhiều vào nhận thức trong suy nghĩ và một cơ thể khoẻ mạnh.
Bà Vương Quý Anh (70 tuổi) đã nghỉ hưu được 15 năm. Ở những năm cuối đời, bà có cuộc sống khiến nhiều người đồng nghiệp phải ghen tị. Có nhà của riêng mình, không phải vướng bận chuyện chăm con, chăm cháu, ngày nào, bà cũng tự do thực hiện đam mê của mình. Thích ăn gì, bà chẳng ngần ngại thử.
“Nhiều người không biết tưởng rằng con tôi giàu có lắm nên cho nhiều tiền để mẹ ăn tiêu. Thực chất, các con tôi chỉ là những nhân viên văn phòng bình thường. Một số khác lại nghĩ rằng lương hưu của tôi chắc cao lắm nên mới có thể chi tiêu thoải mái đến vậy. Nhưng tiền lương hàng tháng của tôi chỉ có 1.500 NDT (khoảng 5 triệu đồng)”, bà Vương chia sẻ thật.
Còn để có được cuộc sống thoải mái như vậy ở những năm cuối, người phụ nữ này cho rằng nhờ 3 việc dưới đây
Làm việc và học hỏi không ngừng
Bà Vương kể lại rằng khi ông xã còn sống cả 2 vợ chồng đã làm việc cật lực để mua được một căn nhà. Cho đến khi thanh toán hết thế chấp ngân hàng, chưa kịp hưởng thụ ngày nào, chồng bà đã qua đời do tai nạn.
“Vợ chồng tôi chỉ có một cô con gái. Năm chồng tôi mất, con gái vào đại học. Tất cả tiền học phí và chi phí sinh hoạt trên thành phố đổ dồn lên vai tôi. May mắn, sau khi tốt nghiệp con gái tôi có thể xin được việc làm luôn. Gánh nặng của tôi nhẹ đi rất nhiều. Kể từ khi con có thể đi làm, tôi bắt đầu dành dụm tiền hưu trí cho bản thân”, bà Vương kể.
Khi sinh con đầu lòng, con gái muốn đón mẹ sang để phụ việc. Tuy nhiên, người phụ nữ này từ chối. Thay vào đó, bà quyết định đi làm thêm sau khi đã về hưu.
Bà cho biết mình đã xin vào làm giúp việc cho một cụ bà giáo sư đã nhiều tuổi. Thời điểm đầu, mức lương bà nhận được chỉ vỏn vẹn 2.800 NDT. Công việc chỉ đơn giản là dọn dẹp nhà cửa và lo bữa ăn cho bà cụ. Sau này, khi đã quen việc, nấu ăn ngon hơn, bà Vương dần được tăng lương. Hiện tại bà nhận được mức lương lên đến 6.000 NDT/tháng.
Nhờ có khoản lương này, cộng với lương hưu, mỗi tháng, bà có được 7.500 NDT. Chi tiêu thoải mái, bà vẫn cất đi được một khoản vào quỹ hưu trí.
Làm giúp việc cho cụ bà này được khoảng 8 năm, bà Vương cho biết mình tiết kiệm được thêm 200.000 NDT. Nhờ có khoản tiền này, bà cũng yên tâm phần nào về quãng đời sau này.
Không chỉ có thêm thu nhập, người phụ nữ này cho biết bà học hỏi được nhiều điều từ người chủ của mình. “Bà ấy thích đọc sách và thường khuyến khích tôi đọc sách mỗi ngày. Tôi cũng học được cách chi tiêu khoa học của bà chủ. Ngay cả khi có những đợt giảm giá kỷ lục nhưng bà ấy cũng chỉ mua khi thực sự cần chứ không mua bán quá đà”, bà Vương kể.
Giữ gìn sức khoẻ
Bà Vương có một người chị gái hơn 3 tuổi. Trước khi nghỉ hưu, người chị này từng công tác trong một công ty chế biến thực phẩm với chức vụ cao. Đến khi nghỉ ở nhà, cả hai vợ chồng người này có được mức lương lên đến 20.000 NDT/tháng – con số đáng mơ ước.
“Có con cái thành đạt, tài chính ổn định. Ban đầu, tôi rất ghen tị với cô ấy. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, chị tôi đau ốm liên miên. Sức khoẻ của chị tôi không tốt kể từ khi nghỉ hưu. Chị ấy không chú ý đến chế độ ăn uống hay vận động. Điều này khiến chị ấy bị cao huyết áp, và tiểu đường nặng. Nên quanh năm chị gái tôi phải uống thuốc”, bà Vương kể.
Mấy tháng sau đó, người chị của bà Vương phát hiện bị ung thư tuỵ. Vẻ ngoài đầy năng lượng trước đây đã không còn. Thay vào đó là dáng vẻ ốm yếu. Không lâu sau, người phụ nữ này qua đời. “Tôi rất buồn. Hoá ra dù giàu có đến đâu nhưng không khoẻ mạnh thì đến những năm cuối đời vẫn sống trong cảnh đau đớn”, bà bộc bạch.
Giữ mối quan hệ hoà hợp với con cái
Mặc dù không phụ giúp con gái việc chăm cháu nhưng mối quan hệ của bà Vương và lũ trẻ rất hoà hợp. Bà cho biết tuần nào được nghỉ sẽ chủ động đến chơi với con gái.
Vài tuần, các con lại đưa cháu về nhà bà Vương chơi. Không có nhiều tiền nhưng bà luôn chuẩn bị một phong bao lì xì nhỏ để cho cháu tiền ăn vặt. Khi các con mua căn hộ mới, không thể hỗ trợ tiền mua nhà nhưng bà cũng cố gắng tặng cho chúng thêm chiếc TV hay tủ lạnh. “Tôi coi đó là một khoản hỗ trợ lúc các con khó khăn. Có ít tôi cho ít. Nên đôi bên không hề áp lực”, bà nói.
Hiện tại, đã bước sang tuổi 70, bà có một khoản tiết kiệm lên đến 300.000 NDT, cộng với tiền lương hưu hàng tháng 1.500 NDT. Bà Vương cho biết khoản tiền này đủ sống mà không cần đến sự hỗ trợ của con cái.
“Bây giờ, tôi cùng bà chủ của mình tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Hôm nào ngày nghỉ mà không muốn nấu ăn, tôi sẽ đến nhà hàng. Ở nhà chán quá, tôi lại đưa bà chủ đi dạo quanh nhà. Có thể nói tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình”, bà Vương tâm sự.