Nếu như trước đây, loại quả mọc dại này không được ai để ý tới, thì nay, na rừng được rất nhiều người tìm mua vì cho là “thần dược phòng the”.
Hiện nay, na rừng loại thường được bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg, còn loại na rừng khổng lồ (nặng 3-4 kg/quả) có giá 500.000 đồng/kg vẫn hút người mua.
TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho hay na rừng còn được gọi là “hắc lão hổ”. Trong y học cổ truyền, na rừng được dùng làm thuốc có công dụng thanh nhiệt giải độc, khu phong, hoạt lạc, điều khí, chỉ thống, thanh can minh mục, ích thận cố tinh, bổ huyết, dưỡng nhan.
Quả na rừng thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa di tinh, tiểu đêm, mất ngủ, ho mãn tính, bệnh viêm dạ dày mãn tính, bệnh viêm loét dạ dày ruột, viêm khớp…
Theo TS. Giang, dựa trên kinh nghiệm sử dụng y học bản địa, người H’Mông thường dùng na rừng để tăng cường sinh lý, chữa các vấn đề rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Tuy nhiên, TS Giang lưu ý phải thận trọng khi sử dụng rượu na rừng ngâm vì có nhiều nguy cơ. Bản chất rượu là chất kích thích, có thể dẫn tới rối loạn cương dương. Việc dùng rượu na ngâm cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nam giới nên đi khám để được thầy thuốc tư vấn về phương pháp điều trị, bổ sung đúng cách các loại dược liệu, thực phẩm cũng như những thứ cần phải kiêng kỵ.
Nhiều bộ phận của na rừng được dùng làm thuốc
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết quả na rừng có hình dáng tương tự như quả na nhưng kích thước to gấp đôi hoặc gấp ba lần. Khi chín, thịt của quả na rừng có màu hồng, múi rất to, dễ tách thành từng múi nhỏ, có mùi thơm nhẹ. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và quả.
Cây na rừng thường được tìm thấy ở vùng núi Tây Bắc, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hòa Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng, Kon Tum.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, rễ cây na rừng có chứa ethanol, giúp giảm đau và chống viêm hiệu quả.
Trong y học cổ truyền, rễ cây na rừng vị cay, tính ấm, hơi đắng, có hương thơm nhẹ; quy kinh vị, đại tràng. Rễ cây na rừng có tác dụng hành khí, chỉ thống, hoạt huyết, khư phong, tán ứ, tiêu thũng.
Theo kinh nghiệm dân gian, na rừng được dùng làm thuốc bổ, hoạt huyết, giảm đau, kích thích tiêu hóa, ngày dùng 8-16g vỏ rễ hay vỏ thân tán nhỏ, ngâm rượu uống, chia làm 2 lần trong ngày.
Bác sĩ Vũ cho hay tại Trung Quốc, thân và rễ cây na rừng được dùng chữa phong thấp tê đau, viêm loét dạ dày – tá tràng, đau bụng kinh, đau bụng sau khi đẻ. Quả na rừng chữa thận hư, đau lưng, ho, viêm họng, viêm phế quản, thần kinh suy nhược. Dùng hàng ngày 6-9g sắc nước uống. Quả na rừng có thể dùng ăn hoặc ngâm rượu. Liều lượng khuyến cáo là khoảng 15 – 30 g mỗi ngày.
Na rừng rất tốt cho phụ nữ sau sinh, giúp ăn uống ngon, giảm đau, hỗ trợ co bóp dạ con và tăng tốc độ làm sạch dịch sản. Dùng 20 – 30 g rễ na rừng hãm cùng với một lượng nước vừa đủ. Dùng uống thay nước hàng ngày.
Người bị đau dạ dày dùng vỏ thân, rễ na rừng ngâm rượu để dùng uống hàng ngày. Ngoài ra, có thể dùng 8 – 16 g na rừng sắc nước uống như trà. Sử dụng thường xuyên có thể kích thích tiêu hóa, giảm đau, hỗ trợ điều trị đau dạ dày.
Ngoài ra, bác sĩ Vũ cho biết quả na rừng được sử dụng làm thuốc an thần giúp ngủ ngon. Dùng quả na rừng hãm trà pha nước uống có tác dụng an thần và gây ngủ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng na rừng người bệnh cần được khám và tư vấn điều trị bởi thầy thuốc có chuyên môn, không nên tự ý sử dụng.