Hiện tại đã giữa tháng 5, những cơn nắng choi chang khiến cơ thể dễ mất nước. Nhiệt độ những ngày này khiến cho làn da của chúng ta khô hơn, môi nứt nẻ và dễ nóng giận. Bởi vậy, ngoài việc chú ý uống nhiều nước, chúng ta còn cần ăn nhiều hoa quả theo mùa.
Tháng 5 có nhiều loại hoa quả như dứa, cam, dưa hấu, dâu tằm giúp giải nhiệt, tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó cũng có một loại quả được nhiều chị em “chào đón” không kém. Đó là quả thanh mai.
Những “quả cầu lửa nhỏ” có lịch sử hơn 3.000 năm
Có lẽ hương vị chua chua ngọt ngọt được mong đợi nhất trong mùa hè, và thanh mai là thức quả như vậy. Thanh mai, còn gọi dâu rừng, là một loại trái cây cổ xưa, khi chín đỏ tựa như những “quả cầu lửa nhỏ”.
Trong nhiều tài liệu cổ như Sử ký, những quả thanh mai dại đã có từ 10.000 năm trước. Ở Trung Quốc, có thể thanh mai đã bắt đầu được sử dụng từ thời nhà Thương, cách đây khoảng 3.000 năm. Ở nước ta, thanh mai mọc nhiều ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh,…
Thanh mai Quảng Bình được ưa chuộng hơn cả vì độ chua ngọt dịu dàng.
Thời gian chín của thanh mai của các vùng khác nhau và cũng phụ thuộc vào giống quả, việc thu hoạch kịp thời có thể ngăn chặn thanh mai rụng. Cho dù cùng một cây thanh mai cũng sẽ chín theo đợt, đối với những giống cây bị rụng quả nặng, người ta còn phun một số loại thuốc chống rụng với liều lượng phù hợp.
Đó cũng là một trong những lý do nhiều chủ hàng hoa quả khuyến cáo tránh mua loại thanh mai Trung Quốc. Thêm vào đó, thanh mai thời gian bảo quản rất ngắn, chỉ khoảng 2-3 ngày. Nếu bạn không ăn ngay sau khi mua về, thanh mai dễ bị hỏng. Mặc dù thanh mai Trung Quốc quả to đẹp, mỡ màng, mọng nước nhưng do vận chuyển lâu, sẽ có thuốc bảo quản nên ăn sẽ không tốt. Còn nếu đi du lịch tại các vùng này, ăn trực tiếp thì không cần lo lắng về độ tươi ngon.
Thanh mai ở ta quả sẽ nhỏ hơn, vị chua dịu nhưng thơm. Đó là sự khác biệt cơ bản giúp bạn phân biệt hai loại thanh mai trên thị trường. Không phải tự nhiên chị em phụ nữ lại yêu thích thanh mai khi đến mùa như vậy, bởi chúng rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là làn da.
Ăn thanh mai có tác dụng gì?
Giàu chất chống oxy hóa
Thanh mai giàu chất phytochemical và chất chống oxy hóa, vitamin A, vitamin C, vitamin E. Ngoài ra chúng còn ít calo. Chất chống oxy hóa này giúp bảo vệ tế bào khỏe mạnh. Không chỉ vậy, các chất chống oxy hóa này còn giúp chống lại chứng viêm – có liên quan đến sự tích tụ mảng bám dọc theo thành động mạch, đồng thời cung cấp thêm khả năng bảo vệ tim mạch tốt hơn.
Cung cấp folate
Theo Weekand, một quả thanh mai chứa 3,4 microgam folate, hoặc 54microgam trong khẩu phần 100 calo. Folate cần thiết cho sự hình thành DNA và đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh để, giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh.
Bảo vệ và giúp làm sáng da
Chất dinh dưỡng tạo nên màu đỏ đậm của quả thanh mai, cyanidin-3-glucoside, có thể chống ung thư, đặc biệt là ung thư da. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa giúp da được bảo vệ, cung cấp dưỡng chất giúp da sáng mịn, trắng khỏe.
Hướng dẫn chọn mua và rửa sạch thanh mai đúng cách
Mẹo mua thanh mai ngon
Khi mua thanh mai, hãy chú ý đến màu sắc của quả. Tốt nhất nên chọn loại có màu đỏ đậm hoặc đổ tím. Quả thanh mai có màu sắc như vậy chín già và tươi. Nếu chúng có màu đỏ nhạt và đen thì không nên mua. Loại màu đỏ nhạt là chưa chín hẳn, loại màu đen là chín quá, dễ bị hỏng.
Bề mặt thanh mai được bao phủ một lớp “gai quả”, hình dạng của nó sẽ thể hiện độ chín của quả. Bạn nên chọn quả có gai tương đối tròn, loại quả như vậy có vị ngọt và nhiều nước hơn. Loại quả có gai nhọn sẽ chua nhiều hơn.
Sau đó, cầm quả thanh mai lên tay để cảm nhận độ ẩm. Tốt nhất nên chọn quả cảm thấy khô và không dính. Nếu thấy ướt thì có thể người bán phun nước để giữ tươi hoặc quả quá chín khiến nước chảy ra ngoài, điều này dễ khiến quả bị nhiễm vi khuẩn.
Rửa thanh mai thế nào mới đúng?
Có nên rửa thanh mai trước khi ăn không cũng là câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Một vài thông tin cho thấy trong thanh mai có ấu trùng ruồi giấm, nhưng thực tế chúng không gây hại cho cơ thể con người.
Trên thực tế, quả thanh mai không có vỏ như các loại quả khác nên ruồi giấm có thể dễ dàng đẻ trứng vào. Hơn nữa, thanh mai có chứa đường tự nhiên, rất thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng ruồi đục quả.
Chúng phát triển trong quả từ khi còn nhỏ, kể cả vậy, chúng cũng không có mầm bệnh. Bởi ấu trùng ruồi giấm không thể ký sinh trong cơ thể người, sẽ bị dịch vị ở dạ dày trực tiếp tiêu hóa, biến thành đạm để cơ thể người hấp thụ.
Tuy vậy, trước khi ăn thanh mai, vẫn cần ngâm rửa sạch sẽ. Trong quá trình vận chuyển, đóng gói, thanh mai sẽ bị bụi bẩn.
Khi rửa thanh mai, bạn cần chú ý một số điểm sau. Mua thanh mai về, một số quả vẫn còn cuống, bạn không nên kéo phần cuống này ra để rửa. Chỉ nên cắt nhỏ phần cuống. Nếu kéo phần cuống này, cùi sẽ bị lột ra, rửa bị ngấm nước khiến quả bị nhạt, hương vị cũng không ngon.
Thêm nước vào chậu, cho 1 thìa muối to vào chậu, khuấy đều. Nhẹ nhàng cho thanh mai vào. Ngâm khoảng 5 phút. Nước muối sẽ khiến loại bỏ tạp chất, ấu trùng. Vị ngọt của thanh mai nhờ đó cũng trở nên nổi bật hơn.
Tiếp đó, bạn cho thanh mai vào một chậu nước khác có pha baking soda và bột mì (hoặc bột ngô) trong 5 phút. Làm như vậy sẽ giúp vi khuẩn, bụi bẩn được loại bỏ hoàn toàn. Vớt ra để ráo và thưởng thức.
Hướng dẫn cách làm mứt thanh mai giải nhiệt mùa hè
Như đã nói, thanh mai tươi không để được lâu, chỉ nên ăn trong 2-3 ngày kẻo sẽ hỏng. Bởi vậy, thanh mai thường được sấy khô, làm mứt, ngâm đường để dùng được trong thời gian dài. Hai công thức làm mứt thanh mai và rượu thanh mai sẽ giúp bạn tận hưởng được hương vị thanh mai bất cứ lúc nào. Chúng tỏa ra hương thơm nồng nàn khiến người ta mê mẩn.
Trước khi làm mứt hay ngâm rượu, thanh mai đều cần rửa sạch như cách đã hướng dẫn ở trên.
Làm mứt thanh mai
Nguyên liệu làm mứt thanh mai theo tỷ lệ 2 thanh mai: 1 đường.
Thanh mai sau khi rửa sạch, để ráo. Dùng dao nhọn bỏ đi phần lõi.
Cho vào khay lớn, thêm đường, trộn đều rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Ướp khoảng 1 giờ cho đường ngấm vào thanh mai.
Sau đó, đổ thanh mai ướp đường vào nồi, đun sôi trên lửa lớn, sau đó hạ lửa nhỏ liu riu. Lúc này, nên khuấy thường xuyên để phần mứt sánh lại nhanh hơn. Đến khi mứt sền sệt lại là được. Để nguội hoàn toàn.
Hũ thủy tinh đã khử trùng với nước sôi để khô. Cho mứt thanh mai vào lọ, đậy kín nắp. Bảo quản trong tủ lạnh. Mỗi lần lấy ra nên dùng thìa/muỗng mới, phần còn lại đậy kín và cất trong tủ lạnh.
Vào mùa hè nắng nóng, chỉ cần vài thìa mứt thanh mai, thêm nước và đá là bạn đã có ly nước giải khát bổ dưỡng, thanh nhiệt.
Làm rượu thanh mai
Rượu hoa quả nồng độ thấp uống một chút cũng có lợi cho cơ thể. Trong cuốn “Bản thảo dược liệu” có ghi rằng thanh mai có tác dụng “làm dịu cơn khát, điều hòa ngũ tạng, làm sạch dạ dày và loại bỏ sự bồn chồn”. Dùng thanh mai làm rượu còn giúp giải nhiệt và cân bằng độ pH cho cơ thể.
Nguyên liệu làm rượu thanh mai là 300g thanh mai, 750ml rượu trắng 45 độ, 200g đường phèn, một chút baking soda, lọ thủy tinh.
Thanh mai cũng ngâm rửa sạch như phần đã hướng dẫn. Trụng qua lọ thủy tinh với nước sôi, để khô.
Rửa sạch thanh mai, để ráo.
Xếp thanh mai vào lọ, cứ một lớp thanh mai một lớp đường phèn. Rót rượu vào bình. Chú ý cách miệng bình khoảng 2cm, không đổ đầy tràn. Đậy kín nắp bình, đặt ở nơi mát mẻ trong khoảng 1 tháng.
Rượu thanh mai có màu đỏ hấp dẫn, mùi thơm nồng. Vì có đường phèn nên rượu sẽ ngọt nhẹ, dễ uống. Lưu ý những quả thanh mai để ngâm rượu nên dùng quả đồng đều, màu đỏ tươi, tương đối cứng. Nếu dùng quả mềm sẽ ủ rượu không ngon.
Trong quá trình ngâm rượu, khoảng nửa tháng nên mở hé để thoát bớt khí gas giúp rượu ổn định, tránh bị lên men nhanh. Sau đó lại đậy kín để rượu ủ ngon hơn.