1. Nam sinh nghèo vượt khó trở thành thủ khoa đầu vào đại học
Năm 1987, chàng trai Lê Lực sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Thượng Lật, thành phố Bình Hương, tỉnh Giang Tây. Tuy gia cảnh khó khăn song bố mẹ anh luôn cố gắng để con trai được ăn học đầy đủ. Vốn thông minh, ngoan ngoãn lại chăm chỉ, Lê Lực có thành tích học tập rất xuất sắc. Anh luôn đứng đầu lớp và tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học khi chỉ mới 16 tuổi.
Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ và thầy cô, Lê Lực không chỉ trúng tuyển vào Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh mà còn là thủ khoa trường với số điểm 554.
Cả gia đình vừa mừng vừa tủi vì không biết sẽ lấy tiền đâu để đóng học phí cho con. May thay, nhờ có khoản vay sinh viên nên Lê Lực đã có cơ hội được bước chân vào giảng đường đại học.
Tuy nhiên, cuộc sống đại học không hề suôn sẻ như Lê Lực tưởng tượng. Vì gia cảnh không cho phép, anh thấy mình quá khác biệt với những người bạn sành điệu. Trong một lần kiểm tra sức khỏe ở trường, Lê Lực còn phát hiện mình bị viêm gan B. Sự tự ti dần khiến nam sinh này khép mình lại với mọi người xung quanh, ít tham gia các hoạt động tập thể.
Không muốn xin tiền bố mẹ, Lê Lực buộc phải ra ngoài làm việc bán thời gian để chia trang trải cuộc sống sinh viên. Cũng vì nhiều lần trốn học để kiếm tiền, thành tích học tập của anh giảm sút. Trải qua bốn năm đại học, Lê Lực phải tiếp tục học đến năm thứ năm vì không đủ tín chỉ và điều kiện để ra trường đúng hạn. Nhiều giáo viên và bạn học cũng đã cố gắng giúp đỡ, nhưng anh vẫn trốn tránh thế giới bên ngoài và từ chối lòng tốt của mọi người.
Rơi vào tình cảnh khốn đốn, Lê Lực dần muốn trốn chạy khỏi thực tại và đắm chìm vào việc chơi game để giải tỏa căng thẳng. Cuộc sống như vậy kéo dài 2 năm, Lê Lực vẫn không thể hoàn thành chương trình học đại học của mình. Trước khi tốt nghiệp đại học, anh đã thi trượt nhiều khóa học và chỉ nhận được chứng chỉ tốt nghiệp. Tuy nhiên, vì không thể chấp nhận kết quả như vậy, Lê Lực đã đưa ra một quyết định táo bạo nhằm kết thúc chuỗi ngày đen tối nhất cuộc đời mình.
2. Lạc lối
Chuỗi ngày nghiệt ngã càng khiến Lê Lực mất đi động lực sống. Anh càng đau đáu hơn khi biết đến khoản nợ 100.000 NDT trên vai cha mẹ. Cảm thấy rất tội lỗi, Lê Lực muốn giúp cha mẹ trả hết khoản vay này, nhưng bằng một cách vô cùng sai trái. Đó là cướp ngân hàng.
Vào ngày 12/7/2009, chàng trai này đã viết một lá thư tự thú rồi lên đường đến một ngân hàng gần trường học. Tại đó, anh đe dọa nhân viên để lấy đi 100.000 NDT tiền mặt.
Chỉ 5 giờ sau khi vụ việc xảy ra, Lê Lực đã bị cảnh sát bắt giữ tại một cửa hàng gần trường. Theo lời khai, Lê Lực thừa nhận rằng số tiền này sẽ được gửi về cho cha mẹ ở quê để trả nợ. Anh nhận tội và vô cùng hối hận về hành vi bồng bột của mình. Cha mẹ của Lê Lực đã rất sốc khi biết tin đứa con trai ngoan ngoãn và hiểu chuyện của họ đi cướp ngân hàng.
Cảm thương trước hoàn cảnh của Lê Lực, Phòng Giáo dục huyện Thượng Lật, nhà trường cùng hơn 2.000 dân làng và nhiều người khác đều lần lượt viết thư xin giảm án cho chàng trai này. Sau khi xem xét các tình tiết giảm án, cuối cùng, Tòa án tuyên phạt nam sinh 10 năm tù, bị tước quyền chính trị trong 1 năm và bị phạt 10.000 NDT.
3. Làm lại cuộc đời
Sau khi vào tù, Lê Lực hoàn toàn nhận ra những sai lầm trong quá khứ của mình và chăm chỉ cải tạo. Thượng Tú Vân – chánh án Tòa án vào thời điểm đó, vì cảm thông cho chàng trai này nên đã cho anh nhiều cơ hội cải tạo. Đồng thời bà thường xuyên đến thăm Lê Lực trong tù, mang cho anh rất nhiều sách để đọc và nghiên cứu. Bà còn tìm một bác sĩ tâm lý bên ngoài để chữa trị cho Lê Lực với hy vọng anh có thể thoát khỏi bóng đen tự ti trong quá khứ. Nhờ nỗ lực của mình, Lê Lực được giảm 2 năm 8 tháng tù và được ân xá ra trước hạn 2 năm.
Năm 2016, cuối cùng anh cũng đã được trả tự do và trở về quê hương cùng cha mẹ. Lúc này, mặc dù đã 29 tuổi nhưng Lê Lực quyết tâm tìm lại con đường tri thức của mình. Anh phớt lờ những ánh mắt dò xét và đánh giá của của mọi người để tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học một lần nữa.
Năm 2017, Lê Lực đạt 598 điểm và trúng tuyển vào ngôi trường danh giá Đại học Giao thông Tây An. Sau đó, anh đã ngay lập tức trở về Bắc Kinh và bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các thẩm phán và những người đã giúp anh lấy lại can đảm và tự tin khi ở trong tù.
Trải qua biết bao thăng trầm, cuối cùng cuộc đời của Lê Lực cũng đi đúng hướng, anh trở thành sinh viên chuyên ngành tiếng Anh và thường xuyên tham gia một số cuộc thi hùng biện tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh cũng đã tìm cho mình một công việc phù hợp. Giờ đây, Lê Lực không còn bất mãn với cuộc sống như trước kia mà đã thay đổi bản thân để sửa chữa sai lầm.
Trong cuộc đời này, ai cũng sẽ có lúc phạm phải lỗi lầm. Điều quan trọng là họ có thực sự thức tỉnh và dũng cảm sửa chữa lỗi lầm đó hay không mà thôi.
(Theo Sohu)