Bé Én được bố mẹ nuôi dạy theo mô hình unschooling (là phương pháp giáo dục dựa trên nguyên tắc trẻ tự quyết định những gì chúng sẽ học), nên vẫn chưa được đến trường ngày nào, cũng không học online. Nhưng hiện tại, con đã có thể tự đọc sách truyện ít chữ và nhiều chữ, giao tiếp tiếng Anh cơ bản tốt, nghe được giọng đọc nhanh.
Với tiếng Anh, để con phát triển khả năng nghe đọc, chị Phượng đã đồng hành nhiều năm với con bằng hai phương pháp đơn giản: “Tắm ngôn ngữ” bằng nghe – xem đều đặn và kiên trì đọc sách.
Tận dụng khoảng “thời gian vàng”
Bé Én được mẹ cho tiếp xúc với tiếng Anh từ lúc 2 tuổi. Suốt 5 năm, con đều nghe – xem tiếng Anh đều đặn mỗi ngày 2 lần và mỗi lần 15 phút. Với phần nghe, khi còn nhỏ chị Phượng cho con nghe 30 phút/lần, 2 lần/ngày. Lớn hơn thì tăng thành 1 tiếng.
“Hồi nhỏ mình bày cho con xem phim hoạt hình Disney với giọng Anh chuẩn chỉnh, câu chuyện hình ảnh lôi cuốn hấp dẫn, nghe nhạc thiếu nhi trên Super Simple Song, hay xem chú Steve vui nhộn trên kênh Steve and Maggie, rồi làm quen cộng trừ qua Number Block. Các kênh trên youtube khác như: Lucus Spider; Ausum Time; Dr Binocs; The Numble Nums; Ted ed; Bright Side; The Dodo…
Lớn hơn chút thì con không thích mấy thể loại này nữa. Bé bắt đầu tự khám phá các kênh hấp dẫn khác (mình duyệt nội dung rồi mới cho con xem), như các kênh khoa học, các hiện tượng mây mưa, các hành tinh trong dải ngân hà hay các loài vật côn trùng sống như thế nào, các tế bào trong cơ thể hoạt động ra sau, cấu trúc như thế nào. Lúc đó mỗi ngày bé đều xem Ausum Time, Dr Binos, Ted Ed”, chị Phượng chia sẻ.
Từ khi con còn nhỏ, chị cũng đã mua rất nhiều sách theo từng giai đoạn phát triển của con nên sách với Én luôn là người bạn thân quen. Nhà chị không có kệ sách cố định, từ phòng ngủ cho đến nhà kho đều có sách, bé rảnh rỗi giờ này hay lúc nhàm chán thì lấy sách ra đọc, trưa hè nằm võng đong đưa đọc sách. Biết tiếng Anh kha khá, lúc cho con tập làm quen với sách, chị Phượng cũng đọc sách tiếng Anh cho con nghe. Con lên 6 tuổi, chị rèn cho con tự đọc sách mỗi ngày.
Con tiến bộ mỗi ngày một ít, đến 4 tuổi thì đã đọc được chữ. Hiện tại con tự đọc, sách truyện ít chữ và nhiều chữ, thể loại nào bé cũng đọc qua. Giao tiếp tiếng Anh cơ bản tốt, nghe được giọng đọc nhanh.
Chị Phượng cho rằng, việc cho con học tiếng Anh không nên là một giáo trình cứng nhắc, bố mẹ càng không nên tự tạo áp lực cho mình và cho bé khi mỗi ngày phải hoàn thành khối lượng kiến thức nhất định.
Dạy con học lúc đi chơi, đi siêu thị, đi công viên, trên đường đến trường… cũng mang lại hiệu quả cao không kém gì lúc hai mẹ con ngồi học ở nhà bởi việc dạy bé học ở nhiều địa điểm khác nhau không chỉ tạo cho bé sự hứng thú, mà còn giúp bé nhớ nhanh, nhớ lâu hơn, không bị nhàm chán với những điều quen thuộc.
Tiếng mẹ đẻ vẫn là quan trọng nhất
Ở nhà mặc dù có khả năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản hàng ngày với con nhưng ngay từ đầu chị Phượng đã xác định con phải “sõi” tiếng mẹ đẻ rồi mới học ngôn ngữ khác. Chủ đích của chị chỉ là nắm bắt được giai đoạn vàng con từ 2 tuổi, cho con nghe tiếng Anh tiềm thức để sau này đỡ đầu tư chi phí cho con học trung tâm tiếng.
Thêm vào đó, con có nên tảng tiếng Anh ngay từ nhỏ thì sau này sẽ yêu thích và học tiếng Anh trong vui vẻ nhẹ nhàng. Với chị tiếng Anh chỉ là công cụ giao tiếp ra thế giới, còn tiếng mẹ đẻ mới là quan trọng, vì tiếng Việt rất phong phú và rất đẹp.
Để cân bằng học song song hai thứ tiếng mà con không bị loạn ngôn ngữ, chị Phượng chỉ cho con nghe tiếng Anh, còn giao tiếp là nói tiếng Việt với mẹ. Tối trước khi đi ngủ, chị đọc truyện tiếng Việt cho con nghe. Bé Én vì thế dùng câu rất rành mạch giữa Anh và Việt.
Bà mẹ này cho rằng, học tiếng Anh nên bắt đầu càng sớm càng tốt, tận dụng giai đoạn vàng để con nghe tiếng Anh tiềm thức từ khoảng 18 tháng tuổi. Chỉ cần duy trì cho con nghe tiếng Anh đều đặn mỗi ngày, cùng với việc đọc sách là trình độ tiếng Anh của con sẽ tốt.
Ngoài tiếng Anh thì các môn còn lại bé Én được học từ thực tế, vừa áp dụng từ các tình huống trong đời sống hàng ngày. Ba bé sẽ dạy các kỹ năng cơ bản của bé trai như theo ba xem ba sửa máy, phân biệt các dụng cụ. Cũng có khi chuyển sang đề tài về tài chính như món nào là tiêu sản món nào là tài sản, sử dụng như nào thì là tài sản và khi nào thì nó lại là tiêu sản… Hiện con có vốn kiến thức khá về Toán, Khoa học, Kỹ thuật, chơi cờ… đều do bố mẹ tự dạy dỗ và hướng dẫn.