Từ một huyện nhỏ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tới Thượng Hải, làm việc tại một nhà hàng đồ ăn nhanh, 7 năm sau, Uông Lan Siêu, chàng trai sinh năm 1998, hợp tác thành lập một xưởng sản xuất ổ đỡ trục tại An Huy, hiện tại doanh thu mỗi năm là 40.000.000 tệ (khoảng 129 tỷ đồng).
Anh ấy bắt đầu hành trình của mình ra sao?
01
Tôi từng mất phương hướng
Uông Lan Siêu từng phải làm việc tại một cửa hàng đồ ăn nhanh, anh chia sẻ rằng bản thân từng có khoảng thời gian không hề có phương hướng, chỉ nghĩ rằng mình chỉ là một người vô cùng bình thường. Anh đã phải đi rất nhiều đường vòng, “năm 2015, bố tôi tới Thượng Hải mở một cửa hàng bán ổ đỡ trục, cửa hàng mở rồi, sản phẩm cũng nhập rồi, nhưng ông ấy lại không làm gì hết. Thực ra khi đó lượng khách cũng không nhiều, tôi có bảo bố đi làm kiêm thêm việc gì đó nhưng bố nói không, mở được hơn một năm, phải bồi thường hơn 10 vạn tệ (khoảng 324 triệu đồng), phải đóng cửa về quê. Đối diện cửa hàng của bố tôi khi đó vừa hay có một cửa hàng ăn nhanh nên sau đó tôi đã xin vào làm tại đó. Người ta kêu tôi làm gì tôi sẽ làm cái đó, làm được khoảng 3,4 tháng, tôi kiếm được 2 vạn tệ (khoảng 65 triệu đồng).”
02
Chật vật trên con đường kiếm sống và những bài học “nhớ đời”
Uông Lan Siêu chia sẻ rằng anh thực ra cũng có ý định kinh doanh trên Taobao, nhưng không làm, thay vào đó, “trên ứng dụng nhắn tin, tôi tham gia vào 50-60 nhóm liên quan tới ổ đỡ trục, có nhóm có số lượng thành viên lên tới 1300 người, có nhóm 1900 người. Khi đó, nhóm nào đông thành viên tôi sẽ tham gia, vào nhóm rồi tôi bắt đầu thu thập thông tin, loại ổ trục nào bán được số lượng nhiều. Thứ hai nữa là chẳng hạn khi một người nào đó gửi tin nhắn hỏi xem có ai sở hữu loại sản phẩm nào đó hay không vào nhóm, tôi sẽ sang một nhóm khác xem trong nhóm đó có người này không, nếu không có người này, tôi sẽ gửi thông tin mà họ cần vào nhóm, giúp họ tìm sản phẩm, sau đó quay lại nhắn tin cho người đó nói tôi có mặt hàng này, tôi có thể cung cấp sản phẩm cho họ. Khi đó tôi tự giới thiệu mình là công ty lớn, “Công ty nhập khẩu ổ đỡ trục Thiên Vũ, Thượng Hải”, bên tôi nhập hàng thấy danh tiếng có vẻ ổn nên chủ động báo giá cho tôi, khi đó tôi còn làm thẻ hội viên bên mà mình nhập hàng, VIP6. Những người mà tôi nhập hàng cũng đều là những người trung gian giống tôi, không phải xưởng sản xuất. Mỗi một đơn hàng thành công, tôi sẽ kiếm được 10%. Giá cả của loại mặt hàng này dao động, rẻ có loại chỉ vài tệ nhưng cũng có những loại có giá lên hàng ngàn tệ (khoảng hơn 3 triệu đồng).”
Cứ làm như vậy khoảng hơn 1 năm, tuy nhiên thu nhập của anh không được là bao, vì “những người ở trong nhóm cũng đều làm việc theo hình thức giống tôi, tất cả họ ai cũng đều rất thông minh, đều có mánh riêng của mình, người khác có thể cũng biết chiêu trò của tôi rồi, nhưng vì sao họ vẫn đặt đơn chỗ tôi, vì tôi báo giá rất chăm chỉ, không có công lao cũng có khổ lao“, Uông Lan Siêu chia sẻ.
“Năm 2016, có một khách hàng cần tìm ổ đỡ trục, lúc đó tôi cảm thấy có hi vọng vì tôi biết chỗ nào để tìm loại mặt hàng nào, tôi tìm được nguồn cung, nhưng khi đó báo giá cho họ, tôi đã báo giá khá thấp, khi đó tôi nói với họ công ty thành lập được bao nhiêu năm, nói tôi là phú đại nhị ra ngoài khởi nghiệp, khi họ nói muốn xem ảnh công ty, tôi đã tìm trên mạng. Khoảng nửa tháng sau, họ quyết định đặt hàng chỗ tôi, đơn hàng trị giá 40.000 tệ (khoảng 130 triệu đồng). Cảm giác của tôi khi nhận được số tiền đó là, “sống rồi, không cần lo lắng tiền thuê nhà năm sau rồi!”. Dần dần sau đó khách hàng tin tưởng, sau đó tôi kiếm được 1 triệu tệ đầu tiên (khoảng 3,2 tỷ đồng), lợi nhuận thu được rơi vào khoảng 20-30 vạn tệ (khoảng 640 triệu – 970 triệu đồng)”, Uông Lan Siêu nhớ lại.
Tuy nhiên, những tưởng con đường sẽ bằng phẳng hơn, nhưng anh tiếp tục gặp phải một khó khăn khác khiến bản thân thay đổi tư duy, “có tiền rồi tôi bắt đầu tư nhiều hơn trong việc quảng bá, liên hệ với nhiều khách hàng hơn, sau đó tôi từ bỏ sau một lần bị khách hàng “cho vào tròng”, lần đó khiến tôi nghĩ mình không thể tiếp tục con đường này được nữa. Lúc đó đang có trong tay khoảng 1 triệu tệ, tôi quyết định bỏ ra 60 vạn tệ (khoảng 1,9 tỷ đồng) để thành lập xưởng ở Sơn Đông.“
Khi được hỏi vì sao lại quyết định thành lập công ty, Uông Lan Siêu thẳng thắn “vì cảm thấy đây mới là con đường đúng đắn và lâu dài. Tôi phải thực sự có công ty của mình, về mặt thực tế.”
Làm việc trong môi trường này, Uông Lan Siêu luôn bị đánh giá thấp vì tuổi đời non trẻ của mình, “tôi hầu như đều làm việc với những người 40-50 tuổi, họ đều là những người lăn lộn lâu năm, tôi cũng đã rất nhiều lần bị họ gài. Thường xuyên phải bỏ ra rất nhiều tiền để xã giao, ăn có, uống có, họ nói toàn những lời ngọt tai, nhưng cuối cùng lại không làm gì cả.”
“Một lần nọ, một công ty tới xưởng tôi để xét duyệt sản phẩm, anh ta nói với tôi, ‘Uông Lan Siêu, lần xét duyệt này không dễ làm, nhưng sản phẩm của cậu không có vấn đề gì, tôi có thể giúp cậu.’ Sau đó thì tôi mời đoàn của anh ta đi ăn, đi uống, còn đưa phong bì cho anh ta, chúng tôi uống từ 2h tới 6h chiều, buổi tối, họ nói muốn đi mát xa chân, nhưng không phải là mát xa chân thông thường, khi đó tôi ngây thơ nghĩ là đi mát xa thông thường nên đưa họ đi. Xong xuôi hôm sau anh ta nói với tôi, “cậu đúng thật là…”, tôi nghe xong tuy rất muốn mắng người nhưng vẫn phải mỉm cười xin lỗi nói mình vẫn còn trẻ chưa hiểu chuyện… Sau cùng tôi mới biết anh ta thực ra không hề có quyền quyết định trong việc này. Kiểu người như vậy tôi gặp cũng không phải là ít. Sau đó để giải quyết, tôi vẫn phải đưa anh ta thêm một chút chỉ để anh ta nói tốt đẹp về xưởng của tôi trước mặt lãnh đạo công ty. Sau đó tôi nghĩ kiểu làm ăn như vậy quả thực không hề tốt, vậy thì việc của tôi là gì, tôi sẽ làm thật tốt khâu tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng của mình, tôi sẽ khiến họ không tìm ra được điểm thiếu sót nào của tôi”, Uông Lan Siêu nhớ lại một trong những “bài học nhớ đời” của mình.
Năm 2020, Uông Lan Siêu hợp tác thành lập xưởng tại tỉnh An Huy, tính tới hiện tại, công việc làm ăn hiện tại vẫn đang tiến triển theo dự tính.
03
Đã có những lúc cảm thấy bất lực, nhưng chưa từng có ý định bỏ cuộc
Uông Lan Siêu sinh ra ở một thôn nhỏ thuộc tỉnh Sơn Đông, theo chia sẻ của anh thì “ở thôn tôi, nhà nhà đều làm ổ đỡ trục. Lúc nhỏ hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bố tôi là kiểu luôn hứa lần sau bố nhất định sẽ không như này như kia nữa, nhưng vẫn luôn tái diễn, và mỗi một lần cần tiền, thay vì nghĩ cách kiếm, việc đầu tiên là tìm tới tôi. Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi thường xuyên cãi nhau, chủ yếu là vì bố tôi rất lười, có thể không làm sẽ không làm, mới chỉ làm 10, 20 phút đã nói mình mệt, mẹ tôi là người làm 80% công việc, tôi làm 10%, quay lại phát hiện ra ông ấy đang ngủ. Nhưng khi đó cả gia đình chỉ có một nguồn thu nhập từ ổ đỡ trục.”
“Đã có những lúc tôi cảm thấy vô cùng bất lực, cảm thấy mình không có hậu thuẫn, nhưng đó lại là thứ thúc đẩy tôi nhiều hơn“, nhớ lại tuổi thơ cơ cực của mình, Uông Lan Siêu nghẹn ngào.
Khó khăn, vất vả, một mình trải nghiệm, một mình lần mò ra cách để sinh tồn giữa xã hội, hiện tại khi đã có một nền tảng vững chắc và ổn định, chàng trai sinh năm 1998 có một lý tưởng lớn hơn, “hiện tại tôi có một suy nghĩ, nâng cao chất lượng ổ đỡ trục trong nước, hoặc là khiến ổ đỡ trục trong nước được công nhận, ổ đỡ trục tại Sơn Đông được công nhận. Cá nhân tôi cho rằng việc này có thể thực hiện được và nhất định phải thực hiện. Tôi sẽ là người đi đầu, khi tôi không đủ sức làm nữa, tôi mong là sẽ có người tiếp theo muốn tiếp tục hiện thực hóa lý tưởng này.”
Nguồn tin: https://cafef.vn/sinh-nam-1998-tu-mot-nhan-vien-rua-bat-toi-ong-chu-mot-cong-xuong-khong-the-lua-chon-xuat-than-nhung-co-the-quyet-dinh-cuoc-doi-minh-188240827211717783.chn