Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai thành lập năm 2008 từ ý tưởng của một nhóm anh em cán bộ và doanh nhân nặng lòng với miền Trung, muốn có một tổ chức thường xuyên giúp đỡ bà con vùng thiên tai một cách chủ động. Suốt 15 năm qua, Quỹ đã kết nối sức mạnh cộng đồng với người dân vùng bị thiên tai, chung tay, góp sức giúp họ có cuộc sống an toàn hơn, ứng phó thiên tai bền vững hơn.
Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã trải lòng về “hậu trường” hành trình bền bỉ của Quỹ.
Ý tưởng thành lập Quỹ nảy sinh từ những chuyến cứu trợ đồng bào miền Trung sau lũ lụt. Nhưng khi Quỹ ra đời, ông và cộng sự lại quyết định cách hoạt động khác, ưu tiên dự phòng, ứng phó hơn là khắc phục hậu quả?
Phòng chống thiên tai gồm 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Miền Trung và cả nước ta năm nào cũng có thiên tai, nếu chỉ lo khắc phục hậu quả thì không giải quyết được vấn đề, mà cần có cách ứng phó chủ động. Những năm đầu, Quỹ tổ chức đi khảo sát thực địa rất nhiều, và tôi cũng trực tiếp tham gia. Có những câu chuyện mà đến giờ tôi không quên nổi.
Ví dụ như lần đi Quảng Ngãi, sau khi lũ về trên sông Trà Khúc, tôi nhớ mãi hình ảnh của một phụ nữ thẫn thờ ngồi trên bệ cửa còn sót lại của căn nhà, nhìn xung quanh khung cảnh tan hoang. Nhà chị ấy ở gần lưng chừng đồi, dưới chân đồi là ruộng lúa. Chiều hôm trước cánh đồng vẫn còn khô, vậy mà đến nửa đêm đã thấy mọi người hô hoán chạy nước. Chị chỉ kịp gọi hai con, vơ ít đồ, dắt theo con bò chạy lên phía đỉnh đồi. Loanh quanh thế nào mà con bò cũng trôi mất. Đến lúc nước rút, ba mẹ con đi xuống thì cái nhà chỉ còn bệ cửa.
Những câu chuyện như thế ở miền Trung rất nhiều. Nó thôi thúc chúng tôi phải hành động để giúp bà con.
Hay có năm nọ, quan sát thấy có địa phương ở Hà Tĩnh cũng bị thiên tai nghiêm trọng, nhưng thiệt hại về tài sản không nhiều, đặc biệt là không có thiệt hại về người. Hỏi ra thì được biết ở đó có một ông bố và hai người con trai làm nghề chài lưới dùng thuyền đi hỗ trợ, vận chuyển tài sản và người ở những nơi bị ngập lụt, những địa bàn bị cô lập, cứu được mấy trăm người.
Từ câu chuyện đó, chúng tôi mới nghĩ, nếu mỗi xã, mỗi thôn có được một đội xung kích phòng chống thiên tai gồm những người như thế, chắc chắn khi có thiên tai, thiệt hại sẽ giảm rất nhiều.
Từ đó, chúng tôi bàn với anh em ở một số xã vùng thiên tai tổ chức đội xung kích phòng chống thiên tai, chủ yếu là lực lượng dân quân tự vệ, khoảng 40-50 người, tặng mỗi đội 2 cái thuyền, áo phao, phao cứu sinh, loa cầm tay… và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tổ chức tập huấn cho anh em kỹ năng ứng phó thiên tai, kỹ năng sơ, cấp cứu, kỹ năng vận chuyển, sơ tán dân…
Trong 10 năm chúng tôi xây được 85 đội như vậy, và đem kinh nghiệm đó, tham gia cùng Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tổ chức thành lập các đội xung kích PCTT cấp xã trong cả nước. Đến nay hơn 90% số xã đã có đội xung kích phòng chống thiên tai.
Quỹ đã làm nhiều công trình cũng như hoạt động ý nghĩa để phòng chống thiên tai, hầu hết là tài trợ không hoàn lại. Nhưng hoạt động cho phụ nữ vay vốn, tạo sinh kế lại yêu cầu hoàn trả tiền, tại sao vậy?
Hoạt động cho vay này Quỹ bắt đầu triển khai cách đây 5-6 năm và đang phát triển mạnh. Gọi là cho vay nhưng đây là hình thức hỗ trợ vốn quay vòng. Quỹ cấp cho chi hội phụ nữ địa phương một số tiền, nhờ chị em quản lý số vốn đó rồi cho các phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sinh kế, trên cơ sở đó có nguồn lực sửa chữa nhà cửa, làm gác xép phòng chống thiên tai. Chúng tôi thống nhất quy chế cho vay là 25 triệu/hộ, vay trong 5 năm, không tính lãi. Sau khi người vay trả vốn thì chuyển cho những hộ khác có nhu cầu.
Thú thật, lúc đầu triển khai chương trình này, chúng tôi nghĩ người ta đã nghèo, mình giúp người ta mà đòi lấy lại vốn, sao người ta trả được? Cách làm này do một tập đoàn chuyên về quy hoạch đô thị từng quen biết với tôi gợi ý cho chúng tôi. Tập đoàn của họ đã thử nghiệm việc cho vay như thế ở Bangladesh, Ấn Độ, cuối cùng là châu Phi, cũng dựa vào các tổ chức phụ nữ. Cái hay của chương trình này là vốn không bị mất đi mà chỉ ngày càng lớn lên. Việc cho vay cũng thúc đẩy người vay vốn có trách nhiệm hơn, cố gắng sử dụng hiệu quả nguồn tiền.
Với 25 triệu đồng, một hộ có thể mua được 2 con bò hoặc 1 con bò và 1 con bê. 2 – 3 năm sau, họ lại có thêm vài con bê, bán đi thì vừa có tiền làm gác xép, vừa trả được Quỹ mà lại duy trì cuộc sống. Trên thực tế, chị em rất tự giác và trả vốn và lãi sòng phẳng. Đến nay chúng tôi đã cho vay được 18 tỷ đồng, 65% số hộ được chúng tôi cho vay tiền đã qua giai đoạn chăn nuôi và đã làm được gác xép.
Những điều Quỹ đã làm được mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhưng có ý tưởng nào ông và cộng sự muốn làm mà không làm được không?
Thú thực là chưa có hoạt động nào thất bại, chỉ có những hoạt động rất thành công chúng tôi muốn mở rộng nhưng chưa làm được ví dụ như dự án trồng rừng.
Trồng rừng là một sự nghiệp rất lớn và là nội dung cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong việc phòng chống thiên tai, nhưng nó quá lớn so với tầm vóc của Quỹ, chúng tôi muốn làm nhiều hơn và chủ yếu làm những dự án mang tính hình mẫu, thử nghiệm nhưng hơi khó. Cũng phải thú nhận là các nhà tài trợ cũng không mấy hứng thú rót vốn vào hoạt động này.
Ví dụ như hiện nay nhiều nơi nông dân trồng rừng sản xuất, trồng cây keo sau khoảng 5 năm khi cây đến tuổi lớn nhanh cho sản lượng lớn thì họ lại thu hoạch làm nguyên liệu giấy, giá trị chỉ 80 triệu đồng/ha, rừng cây lúc này còn ít tuổi, chưa phát triển nên khả năng bảo vệ đất chống xói mòn cũng còn thấp.
Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai dự án hỗ trợ người dân vùng trồng keo kéo dài thời gian trồng thêm vài năm (sau 8-10 năm) rồi mới thu hoạch để vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa tăng giá trị phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường cũng tốt hơn. Nếu mô hình này thành công thì có thể cho ta kinh nghiệm để phổ biến rộng.
Như ông vừa hé lộ, có một số việc Quỹ muốn làm nhưng khó khăn về tài chính. Vận động tài trợ hẳn là một thách thức, thưa ông?
Nhiệm vụ nặng nề nhất của Quỹ chính là vận động tài trợ. Không có nguồn tài chính thì ý tưởng hay đến mấy cũng không để làm gì. Lúc đầu, chúng tôi cũng rất bỡ ngỡ, chủ yếu nhờ sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, nhờ các đồng chí lãnh đạo ban ngành quen chúng tôi trực tiếp đứng ra vận động giúp ở các doanh nghiệp có quan hệ. Cuối mỗi năm chúng tôi tổ chức chương trình giới thiệu với bà con công việc mình đã làm cũng như những sự giúp đỡ mình đã nhận được, cảm ơn nhà tài trợ. Trong những dịp như vậy thì kêu gọi tài trợ cho chương trình năm sau.
Cách vận động không chuyên nghiệp lắm nhỉ (cười), nên có năm được hơn 100 tỷ, có năm chỉ được khoảng 20 tỷ.
Một số tập đoàn, công ty lớn hỗ trợ chúng tôi nhiều, qua quá trình quan sát hoạt động của quỹ nhiều năm, thấy hoạt động Quỹ thiết thực, hiệu quả, công khai, an toàn về tài chính nên họ tự nguyện đến. Nhưng bắt đầu từ Covid-19, chúng tôi cảm thấy khó khăn hơn. Đặc biệt là từ đầu 2023, sau mấy năm kinh tế khó khăn, một số đơn vị cũng nói thẳng là điều kiện tài trợ khó hơn trước. Chúng tôi cũng đang lo khắc phục nguồn tài trợ cho sang năm, có thể sẽ vận động các doanh nghiệp nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Như ông vừa nói, công khai, an toàn về tài chính là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp tài trợ cho Quỹ. Vậy làm thế nào để Quỹ duy trì sự chính trực trong mọi hoạt động của mình suốt 15 năm qua?
Có mấy yếu tố, thứ nhất là Quỹ luôn tìm việc thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết của người dân để làm. Chúng tôi luôn ý thức được mình ít tiền (cười) nên cố làm việc gì cũng nhiều mục đích, đem đến nhiều lợi ích cho người dân cùng một lúc.
Thứ hai là thực hiện công khai minh bạch và đưa trọn vẹn số tiền tài trợ cũng như sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đến tận tay người dân và làm việc đó một cách nghiêm túc. Giữ được điều đó còn quan trọng ở chỗ nó giúp giữ cho đoàn kết trong nội bộ của Quỹ. Bạn biết đấy, nếu có tiêu cực thì tập thể cũng khó mà đoàn kết, nhưng nếu ai cũng cố gắng giữ đúng, giữ nghiêm kỷ luật về tài chính thì tất cả đều thoải mái. Chúng tôi có quy chế hoạt động, quy trình xử lý rõ ràng nên có căn cứ để kiểm tra, kiểm soát và dễ sử dụng các lực lượng cộng tác.
Việc chuyển tiền tài trợ trọn vẹn đến người dân là nghĩa vụ đạo đức của Quỹ, đấy cũng là điều kiện căn bản giúp cho Quỹ có uy tín, đảm bảo hoạt động an toàn.
Ví dụ như khi làm các công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai, chúng tôi để địa phương làm chủ đầu tư, Quỹ chỉ khảo sát, nghiên cứu và đóng góp ý kiến từng khâu một, sau đó gửi thông tin đến nhà tài trợ, từ kết quả khảo sát, bản thiết kế, dự toán công trình… Khi công trình được triển khai, chủ đầu tư có nhiệm vụ nghiệm thu từng giai đoạn của công trình. Họ nghiệm thu xong thì gửi cho chúng tôi kết luận, chúng tôi có thể thẩm tra, góp ý nếu cần. Sau khi chúng tôi cũng đồng ý với kết luận nghiệm thu, chúng tôi mới gửi một đề nghị cho nhà tài trợ đề nghị họ giải ngân cho phần khối lượng công việc đã hoàn thành. Nhà tài trợ sẽ chuyển thẳng tiền cho bên thi công.
Cách làm như thế vừa chặt chẽ và cũng đỡ việc cho Quỹ, tránh xảy ra những phức tạp. Nhà tài trợ hài lòng và yên tâm, vì họ thấy rõ là chúng tôi không có nguyện vọng cầm tiền (cười) mà chỉ muốn công việc có hiệu quả tốt nhất.
Rất cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của ông. Thú thực tôi không nghĩ đang trò chuyện với một người U90. Có khi nào người thân phàn nàn rằng ông cần dành thêm thời gian để nghỉ ngơi không?
(Cười lớn) không có chuyện đó! Tất nhiên đến khi mà mình yếu thì gia đình sẽ nhắc nhở giữ gìn sức khỏe, nhưng tôi chưa bao giờ vì đi công tác hay hoạt động mà yếu cả, nên không mấy khi bị nhắc. 15 năm qua, sau khi nghỉ hưu, bạn bè rủ vào hoạt động này tôi đã tham gia ngay, thấy mình làm việc có ích. Nhưng càng lớn tuổi, sức khỏe cũng bị hạn chế dần, ví dụ như tai và mắt kém đi. Tôi sẽ cân nhắc thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, chỉ theo dõi và đóng góp theo khả năng.
Tôi tin là với những điều lệ chặt chẽ và di sản mà Quỹ đã tạo lập, những người thay tôi và những người lâu nay cùng làm việc với tôi hoàn toàn có thể tiếp tục đảm đương công việc, và Quỹ vẫn duy trì và phát triển hoạt động tốt.
“Giải thưởng hành động vì cộng đồng – Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đơn cử như ngân hàng quân đội MBBank với dự án ứng dụng Thiện nguyện minh bạch; trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện, Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.