Trở thành người ăn chay là điều Maki Yazawa, cây viết của chuyên trang về sức khỏe Well+Good, dự tính từ rất lâu. Yazawa từng nhiều lần thử nhưng không thành công nên lại quay về thói quen ăn uống có thịt trước đây. “Tôi lớn lên trong gia đình yêu tất cả các loại thịt nên thịt đỏ, hải sản hay thịt gia cầm luôn có trong thực đơn mỗi ngày. Thế nhưng khi tôi nhận thức rõ hơn về một số tác động đến môi trường của thịt động vật, tôi biết mình cần ăn nhiều thực vật hơn”, cô gái này chia sẻ.
Dù chưa hoàn toàn từ bỏ việc ăn thịt nhưng mới đây Yazawa quyết định ăn chay trong 3 tuần để trải nghiệm và tạo động lực. Cô gái này nhận ra rất nhiều thay đổi trong lối sống của bản thân, đặc biệt là về sức khỏe và tài chính.
1. Tiết kiệm rất nhiều tiền
“Tôi đã bị sốc khi thấy bản thân tiết kiệm được rất nhiều tiền sau mỗi lần đi siêu thị. Mua các loại đậu, trái cây, rau quả rẻ hơn so với mua thịt. Việc nấu món chay cũng không khó vì tôi có thể tham khảo công thức trên mạng, dù lười biếng vẫn có thể nấu được một bữa ăn ngon”, Yazawa cho biết.
Mặc dù có rất nhiều nhà hàng nấu thuần chay với những thực phẩm lành mạnh dành cho người theo chế độ này nhưng Yazawa nhận ra chúng lại rất đắt. Điều này tạo động lực cho cô nấu ăn nhiều hơn thay vì mua ở ngoài, vừa tốt cho sức khỏe lại tiết kiệm hơn rất nhiều so với mua đồ ăn ngoài.
2. Hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn
Maki Yazawa nhận ra việc ăn chay giúp ích rất nhiều cho hệ tiêu hóa của cô, không còn táo bón và đầy hơi nhờ bổ sung nhiều thực phẩm tươi, giàu chất xơ. Những lần bị trào ngược dạ dày của cô cũng giảm đi đáng kể. Các nhà khoa học dinh dưỡng luôn khuyên mọi người nên tiêu thụ 30g chất xơ mỗi ngày.
Rau xanh ít calo, giàu vitamin và khoáng chất tự nhiên chính là sự lựa chọn hợp lý để bổ sung chất xơ, thúc đẩy quá trình vận chuyển tốt trong ruột và cũng cho phép kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu, hạn chế tích trữ chất béo.
3. Không còn thấy thịt hấp dẫn nữa
Trước đây, Yazawa thường bắt đầu ngày mới bằng một chiếc bánh mì kẹp thịt từ cửa hàng đồ ăn nhanh. Nhưng sau khi thử ăn chay vài ngày, cô nhận ra mình không còn bị thịt “lôi cuốn” nữa. “Khi cơ thể tôi bắt đầu cảm thấy được nạp năng lượng nhờ thói quen ăn uống mới, tôi ít thèm thịt hơn. Thay vào đó, tôi muốn ăn nhiều protein từ thực vật”, cô gái này chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Yazawa, phụ nữ nên tiêu thụ 52g protein mỗi ngày. Ban đầu do không ăn đủ lượng chất đạm nên cô gái này thường nhanh đói và hơi bồn chồn. Yazawa đã điều chỉnh lại chế độ ăn, bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như đậu phụ, đậu lăng, các loại hạt với khối lượng nhiều hơn để nạp đủ lượng chất đạm cần thiết.
4. Biết lựa chọn đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe hơn
Mặc dù ít thèm thịt hơn nhưng Maki Yazawa lại cảm thấy mình muốn ăn đồ ngọt hơn bình thường. Để chống lại cơn thèm đường mới của mình, cô đã lựa chọn thưởng thức trái cây tốt cho sức khỏe như táo, chuối, và họ quả mọng. Đây là sự thay thế vừa hiệu quả, vừa giúp cô tránh được tác hại khi nạp vào cơ thể quá nhiều đường tinh chế.
Ăn nhiều đồ ngọt được chứng minh làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim và ung thư. Đồ ngọt còn cung cấp môi trường sinh sản tốt cho vi khuẩn trong khoang miệng nên dễ dẫn đến các bệnh về răng miệng như sâu răng.
“Nhiều món ngon như khoai tây chiên, bánh mì, bánh rán đều có thực vật nên tôi từng nghĩ ăn chúng vẫn ổn. Thế nhưng sự thật là chúng ít dinh dưỡng khiến tôi uể oải và dễ đói hơn. Vậy nên tôi không còn ăn những đồ ăn vặt này nhiều nữa”, cây viết Well+Good nói.
Theo Real Simple