Mỗi chúng ta lại có cách suy nghĩ, cư xử khác nhau trong từng tình huống. Không phải ai cũng có cách hành xử được lòng người khác, nhất là khi mắc lỗi.
Những lúc chúng ta có lỗi, nếu không biết cách hành xử thông minh thì sự việc có thể tệ hơn. Vì thế, sự bình tĩnh và cách đối đáp thông minh, chừng mực mới là yếu tố cần nhất lúc này.
Trong các mối quan hệ, ai cũng có thể mắc lỗi khiến đối phương suy nghĩ, tổn thương, thậm chí là giận dữ. Thế nhưng điểm khác nhau nằm ở cách cư xử của mỗi người. Nếu chúng ta làm sai và thể hiện được rằng mình đã biết lỗi, mình có thể sửa sai, đó là tín hiệu tích cực. Nếu đã lỡ làm sai nhưng ta chỉ biết nói câu xin lỗi một cách vô vị, lời nói của ta sẽ mất đi trọng lượng.
Bình thường, nếu như mắc lỗi với cấp trên ở nơi làm việc, câu đầu tiên chúng ta thốt ra thường là “Em xin lỗi”. Tuy nhiên, đối phương chắc chắn không muốn nghe câu này từ phía bạn. Nó tạo cảm giác sáo rỗng và giống như bạn đang lấy nó làm thứ để xoa dịu cảm xúc của họ chứ chưa chắc đã nhận ra lỗi lầm thực sự của mình.
Nhìn chung, khi bạn mắc lỗi, thứ các cấp trên cần không phải lời xin lỗi qua loa. Vì thế, đây không phải cách mà những người EQ cao thường dùng.
Ngay cả lúc bối rối nhất, người EQ cao cũng sẽ biết tự dặn mình bình tĩnh và xử trí thỏa đáng. Một người thực sự biết lỗi của mình không cần phải nói nhiều, họ sẽ quan trọng hành động hơn lời nói.
Ví dụ như bạn mắc lỗi với cấp trên, hãy chủ động nhận lỗi bằng thái độ nghiêm túc và hứa sẽ không tái phạm: “Lần này em chủ quan quá nên mắc lỗi, từ nay em sẽ chú ý hơn và rút kinh nghiệm ạ” – đây là câu nói người EQ cao thường sử dụng để có thể xoa dịu đối phương. Hãy nhớ rằng bạn cần thể hiện sự nghiêm túc và rút kinh nghiệm trong tương lai.
Mỗi chúng ta sẽ có những lần mắc sai lầm và cả cơ hội để sửa sai. Người khác chỉ sợ ta không thể thay đổi sau nhiều lần mắc lỗi mà thôi.
Nếu như mọi chuyện vẫn có thể cứu vãn, hãy khẳng định quyết tâm sửa sai của bạn trước mặt người ta. “Lần này em đã mắc sai lầm và tự nhận thức được điều đó. Em cũng đang cố gắng giảm nhẹ ảnh hưởng bằng cách… rồi ạ” cũng là một câu nói thể hiện trí tuệ cảm xúc cao. Bạn nên nhớ lời nói phải đi đôi với hành động mới có thể làm đối phương tin tưởng bạn. Vì thế, khi mắc sai lầm bạn cần nhìn nhận xem mình có thể giảm nhẹ hậu quả hay không.
Ngay cả khi đã gây ra lỗi lầm, hãy thể hiện mình là một người có trách nhiệm với những gì mình đã làm. Thậm chí, ngay cả khi nhận hình phạt từ người kia bạn cũng phải đón nhận để ghi nhớ bài học ngày hôm nay và không bao giờ tái phạm.
Một người khôn khéo sẽ không lấy câu nói xin lỗi làm đầu, thay vào đó họ tìm cách thay đổi thực tại để chuộc lỗi. Đó là cách hay ho mà ai cũng có thể áp dụng, khẳng định trách nhiệm của bản thân cũng như bản lĩnh dám đương đầu. Chớ nên đổ lỗi cho bất kỳ ai hay cho hoàn cảnh vì điều đó khiến bạn trở nên tệ hại hơn trong mắt người kia.
“Em đã tự suy nghĩ và nhận ra lỗi lầm của mình, em mong anh/chị có thể cho em thêm một cơ hội sửa sai” cũng là một câu nói thể hiện sự khôn ngoan, có thể giúp cấp trên “hạ hỏa”. Khi mắc lỗi, đừng cố gắng bảo vệ cái tôi của mình để rồi không tìm cách thay đổi, cải thiện. Điều này sẽ khiến bạn trở thành một người tự cao, đánh mất mối quan hệ tốt đẹp trong đời.
Theo Sohu