Tiểu Vũ (Trung Quốc) đã lên cấp 2. Cô bé học rất giỏi, bình thường lúc nào cũng nằm trong top 10. Nhưng Tiểu Vũ có một vấn đề rất lớn, đó là cứ đến kỳ thi quan trọng, cô bé luôn gặp phải sai lầm và thi trượt. Điểm số của Tiểu Vũ cũng vì thế mà như tàu lượn siêu tốc, có thể một phát tụt khỏi top 100 của trường luôn.
Cha mẹ của Tiểu Vũ là giáo viên. Họ rất quan tâm đến điểm số của con mình và lo rằng cô bé có thể sẽ không thi được vào cấp 3. Vì vậy, họ đã tìm đủ cách để củng cố tâm lý cho con gái, với hy vọng con gái có thể duy trì trạng thái và thể hiện tốt nhất trong các kỳ thi lớn.
Sau đó, một người bạn đang làm tư vấn tâm lý nói với cha mẹ của Tiểu Vũ rằng đây có thể là một dạng tâm lý “hiếu chiến thụ động” hay “hung hăng thụ động” (passive-aggressive) của đứa trẻ. Cô bé cố tình trượt kỳ thi để chống đối cha mẹ mình. Người này khuyên cha mẹ Tiểu Vũ nên tạm thời ngừng quan tâm thái quá đến việc học của con, hãy cho bé không gian riêng.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cha mẹ Tiểu Vũ đồng ý buông tay và thử một thời gian. Kết quả thật bất ngờ, không còn sự quản thúc chặt chẽ của cha mẹ, thành tích của Tiểu Vũ được cải thiện rõ rệt. Cô bé đạt kết quả rất tốt trong kỳ thi chuyển cấp và đỗ vào ngôi trường cấp 3 trọng điểm của thành phố.
Có nhiều đứa trẻ thi trượt không phải vì chúng không làm được bài mà vì chúng cố tình như vậy (Ảnh minh họa)
Nhắc đến Tiểu Vũ, tôi lại nhớ đến một nhân vật trong bộ phim mình từng xem. Trong phim, nữ sinh này thoạt nhìn là một học sinh rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện, thành tích luôn đứng trong top 5. Thế nhưng đến kỳ thi đại học, nữ sinh này lại thi không tốt và trượt khỏi ngôi trường mà mẹ nữ sinh vốn muốn con mình theo học.
Vài năm sau, trong một lần cãi nhau với mẹ, nữ sinh cuối cùng đã tiết lộ lý do khiến cô thi trượt. Hóa ra vì để vào được trường đại học mà mình yêu thích, nữ sinh đã cố tình làm sai một câu hỏi để không vào được ngôi trường mẹ mình đã chọn. Cô không muốn trở thành luật sư và đã cố gắng thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ mình bằng cách cố tình thi trượt.
Tôi nghĩ dù là cha mẹ nào đi chăng nữa, họ cũng sẽ sốc và suy sụp khi nghe được sự thật này hoặc chính con cái họ cũng như vậy. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là vì sao con cái lại chống đối cha mẹ bằng cách cố tình làm bài kiểm tra không tốt hay thi trượt dù cái giá phải trả có thể là tương lai của chính chúng? Đây là điều mà những bậc làm cha làm mẹ nên suy nghĩ.
Trẻ rõ ràng có khả năng đạt điểm cao, vậy tại sao chúng lại chọn cách thi trượt? Có lẽ chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời từ nữ sinh trong bộ phim kia và Tiểu Vũ trong thực tế.
Lấy nữ sinh trong phim là ví dụ, trước mặt mẹ và thậm chí là bạn bè, cô luôn giữ hình ảnh của một cô gái ngoan, nhưng trái tim cô lại đầy nổi loạn và phản kháng. Mẹ của nữ sinh luôn có yêu cầu cao đối với con cái, và chỉ có vị trí số 1 trong lòng bà mới là hiện thân của sức mạnh và năng lực. Dẫu điểm số của nữ sinh lúc nào cũng nằm trong top đầu thì cô vẫn không nhận được sự khen ngợi từ mẹ, thay vào đó là những lời phủ nhận rằng “Sao con không làm tốt hơn?”.
Ngay cả những việc vặt vãnh như gọi đồ ăn và chọn quần áo, trong mắt người mẹ, nữ sinh cũng không thể làm tốt. Khi gọi đồ ăn, người mẹ sẽ tự ý gọi những món mà mình muốn chứ không buồn hỏi ý kiến của con gái và khi mua quần áo cho con cũng tương tự, bất kể nữ sinh có thích hay không. Người mẹ còn quyết định chọn luôn cho nữ sinh những thứ to tát hơn như học chuyên ngành nào, học trường đại học nào, có nên thi tuyển công chức sau khi tốt nghiệp hay không, nếu thi thì thi vào đâu…
Nhưng khi biết được sự thật từ con gái, người mẹ đã suy sụp đến bật khóc, cảm thấy rằng sự tận tụy của mình dành cho đứa con cuối cùng đã trở thành một trò đùa và bà không thể chấp nhận sự thật này. Cô con gái ngoan ngoãn mà bà luôn nghĩ rằng rất giỏi giang, hiểu chuyện hóa ra lại biết “nói dối”.
Phải nói rằng phương pháp giáo dục của người mẹ trong bộ phim quả thật có vấn đề, bà sắp xếp quá nhiều, luôn giám sát và can thiệp vào mọi lựa chọn của con, khiến người con không thể làm gì khác hơn ngoài cố tình làm bài thi không tốt để phản đối sự sắp xếp của mẹ dành cho mình.
Điều này cũng đúng với Tiểu Vũ ở đầu bài. Lý do khiến cô bé luôn thi trượt trong các kỳ thi lớn là do cô bé không hài lòng với phương pháp giáo dục của cha mẹ. Nhưng vì phận làm con, cô bé không thể thay đổi được cha mẹ mình. Kết quả cô bé quyết định phản đối âm thầm bằng cách làm bài thi không tốt, xem cha mẹ có thể làm gì được mình.
Cố tình làm sai, cố ý tình thi trượt, trẻ đạt được một loại cảm giác thỏa mãn khi bị phê bình vì lỗi sai này. Đây chính là những biểu hiện của “tâm lý hung hăng thụ động” điển hình. Loại tâm lý xuất hiện khi trẻ muốn trút bỏ sự bất mãn của mình theo hướng tiêu cực, xấu xa, giấu giếm để “tấn công” người hoặc vật khiến mình không hài lòng.
Tâm lý này thực ra không hề lành mạnh, điều này nghĩa là trẻ không thể bày tỏ sự không hài lòng của mình theo cách phù hợp và có lợi hơn, ngược lại chúng sẽ áp dụng kiểu trút giận mà chỉ mình chúng biết rõ, khiến mọi việc ngày càng trở nên mất cân bằng. Nếu tâm lý không lành mạnh này của trẻ không được chấn chỉnh kịp thời, rất có thể tâm lý hiếu chiến thụ động chống đối cha mẹ này sẽ dần phát triển thành tâm lý nhân cách tương đối xấu trong tương lai không xa.
Nhiều đứa trẻ có tâm lý “hung hăng thụ động”, nguyên nhân chính đến từ cha mẹ (Ảnh minh họa)
Phương pháp giáo dục và quan điểm nuôi dạy con cái của cha mẹ quyết định sự trưởng thành của con cái. Thông thường, cha mẹ của những đứa trẻ có hành vi và tâm lý hung hăng thụ động sẽ có 3 điểm chung sau:
1. Kỳ vọng quá mức vào con cái
Hầu hết các bậc cha mẹ đều có kỳ vọng nhất định với con cái mình. Họ cảm thấy con mình thông minh, có năng lực, ưu tú, yêu cầu con cái làm việc gì cũng tốt, giỏi hơn người khác. Ở một số bậc cha mẹ, những kỳ vọng này ở mức rất cao, điều này sẽ tạo áp lực lớn cho trẻ.
Cha mẹ có kỳ vọng đối với con cái là điều bình thường, kỳ vọng trong phạm vi hợp lý chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của con cái. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không thấu hiểu con cái mà chỉ đặt kỳ vọng cao một cách mù quáng khiến kỳ vọng này vượt quá sức chịu đựng của trẻ thì sẽ có tác động tiêu cực.
2. Mong muốn kiểm soát con cái quá mạnh
Giống như người mẹ trong bộ phim kể trên, vì sợ con mình gặp phải trở ngại nên bà hy vọng có thể thu xếp mọi thứ cho con mình càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, việc trẻ ngày một trưởng thành, có những sở thích, lý tưởng và kế hoạch riêng lại bị bỏ quên.
Cha mẹ kiểm soát và can thiệp vào mọi việc, từ ăn uống trang phục đến học hành công việc bất chấp việc trẻ đã lớn sẽ đẩy nhanh suy nghĩ trốn chạy hoặc nổi loạn của đứa trẻ.
3. Con cái không được bày tỏ sự bất mãn với cha mẹ
“Mẹ đã lo cho con mọi thứ rồi, con còn điều gì không hài lòng nữa?” – Đây là suy nghĩ của cha mẹ, nhưng đối với trẻ em, chính kiểu sắp xếp này khiến chúng thấy nhàm chán, thậm chí hụt hơi. Nhiều cha mẹ tự hào về sự nghe lời của con cái, họ cho rằng con cái nghe lời là một ưu điểm, thực ra những đứa trẻ quá nghe lời đều có bản ngã đè nén trong lòng.
Mọi sự kỳ vọng của cha mẹ nên dừng ở một giới hạn nhất định (Ảnh minh họa)
Sự kết hợp của 3 điểm chung trên có thể khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt và oán hận sâu sắc đối với cha mẹ, từ đó dẫn đến hành vi hung hăng thụ động. Vì vậy, để thoát khỏi hành vi cố tình “thi rớt” của trẻ, cha mẹ cần có những sự thay đổi.
1. Hãy buông bỏ một cách thích hợp
Cha mẹ có thể đặt ra một điểm mấu chốt cơ bản cho con cái, sau đó để con cái tự lên kế hoạch cho cuộc sống và học tập của mình. Trẻ cần không gian để lớn lên. Không có đường vòng trong cuộc sống, bất kể trẻ đi như thế nào, trẻ rồi cũng sẽ trưởng thành.
2. Tạo bầu không khí giao tiếp tốt trong gia đình
Nếu đứa trẻ nói chuyện với cha mẹ về điều gì đó nhưng cha mẹ chỉ biết thuyết giảng, mắng mỏ trẻ thì dần dà, trẻ sẽ mất đi nhu cầu muốn trao đổi cùng cha mẹ.
Cha mẹ nên chú ý đến bầu không khí giao tiếp trong gia đình và đảm bảo rằng trẻ có thể trực tiếp bày tỏ cảm xúc và sự không hài lòng với cha mẹ khi ở nhà. Nếu trong lòng trẻ có điều bất mãn mà gia đình ngăn cấm thể hiện thì trẻ sẽ thể hiện theo kiểu “hung hăng thụ động”.
Tóm lại, cách để con không cố tình “thi trượt”, cha mẹ phải hiểu con, nghe theo và tôn trọng ý kiến của con, để con tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, cha mẹ cũng nên cho phép con có những ý tưởng và quan điểm khác nhau, cho con được sở hữu những bí mật nhỏ của riêng mình và trao cho chúng quyền tự chủ đầy đủ.
Nguồn: Sohu