Tại Việt Nam, rất nhiều công ty đang “trẻ hoá” từ văn hoá nội bộ, các quy định chung đến văn phòng làm việc. Không lạ khi thấy các công ty trang bị bàn bi-a, ghế mát-xa, tủ đồ ăn chống đói… cho nhân viên. Thế nhưng thiện chí “tạo nơi làm việc thoải mái hết sức để phát huy năng lực tối đa” tại một công ty ở Thảo Điền, TPHCM, vẫn khiến 1 tiếng 30 phút nghỉ trưa không khỏi bất ngờ – công ty này cho phép nhân viên mang thú nuôi đến chỗ làm mỗi ngày, bữa trưa xuống bàn chung vừa ăn vừa xem phim, chọn văn phòng làm việc có thiết kế không gian như một căn nhà hoàn chỉnh…
Liên hệ tìm hiểu, hoá ra công ty này có cá tính trẻ như vậy vì đây là công ty được thành lập tại Singapore tên Skapa.
Cho phép mang thú nuôi theo đi làm để tiện chăm sóc
Ban đầu chúng tôi biết đến Skapa vì đời sống văn phòng của công ty hiện tại đang được cộng đồng mạng TikTok khá quan tâm. Một phần lý do cho sự nổi tiếng này là sự xuất hiện của chú chó nhỏ nghịch ngợm dưới chân mỗi người khi đang họp hành, làm việc trong hàng loạt video mà công ty đăng tải.
Được biết, đây là chú chó của một nhân viên trong công ty, vì độ tuổi còn khá nhỏ nên bạn nhân viên không nỡ để ở nhà mà phải mang cùng đến nơi làm việc. Chị Bích Trang (Social Media Specialist) cho biết: “Công ty mình cho phép mang thú cưng đến nơi làm việc (thậm chí là thi thoảng có thể mang em bé đến nơi làm việc nữa) như một chính sách cho nhân viên có một môi trường làm việc cởi mở, thoải mái và phần nào giúp nhân viên trong việc ‘work-life balance’ hơn”.
Bích Trang (Social Media Specialist) và chú chó Happy mà cô đưa đi làm cùng mình mỗi ngày.
Trong giờ làm việc, chú chó có tên Happy này có thể chạy nhảy tự do khắp nơi mà không vướng phải quy định nào. “Bạn Happy có thể dạo ngoài bãi cỏ, chạy lăng xăng bên bờ hồ bơi, luẩn quẩn dưới chân mọi người trong văn phòng làm việc… và nhảy phóc lên người một bạn đồng nghiệp nào đó ngồi liếm láp.
Trước khi có Happy, chúng mình dành nhiều thời gian cho công việc. Sau khi có em ấy, chúng mình lại có nhiều niềm vui hơn. Mặc dù cũng có chút xao nhãng khi làm việc (đặc biệt là chủ nhân của chú vì phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh của thú cưng mình mang tới) nhưng chúng mình sẽ có thêm một nguồn năng lượng tích cực khi làm việc tại văn phòng, cảm giác có thêm một “đồng nghiệp” để chia sẻ áp lực.” – Chị Christine Van (PR and Comms Manager).
Khá hay ho khi thay vì ăn xong đi ngủ trưa, thì mọi người trong công ty có thêm một hoạt động để giải khuây. Người bạn chung này sẽ tạo ra nhiều cử chỉ hài hước để cả nhóm rôm rả tiếng cười, loanh quanh chơi cùng cún sẵn vận động dễ tiêu hoá. Hoặc đôi khi bí bách trong giờ làm việc, có thể dắt Happy đi dạo quanh khu vườn, thư thả trong người thì ý tưởng, phương án giải quyết công việc cũng tự nhiên mà đến.
Chị Denise Sandquist (CEO – Đồng sáng lập công ty): “Chúng tôi nghĩ rằng việc có thú cưng tại văn phòng là tùy thuộc vào mỗi công ty, văn hoá làm việc, không gian văn phòng cũng như thỏa thuận với nhân viên. Chúng tôi có không gian thuận tiện cho việc mang thú cưng đến như sân vườn, phòng khách, phòng giải lao… nên ‘sự cho phép’ này sẽ giúp đội ngũ nhân sự cảm thấy vui vẻ hơn tại nơi làm việc.”
Trái ngược với e ngại thú nuôi ở công ty làm giảm hiệu suất, các “sếp” ở đây khá thoải mái trong việc này lại giúp nhân viên của mình được “sạc pin” hiệu quả với nhiều hình thức khác nhau.
Bữa cơm nhà được lo toàn bộ chi phí
Áp dụng mô hình làm việc kết hợp (hybrid working), nhân viên của công ty này sẽ chỉ phải đến công ty 4 ngày trong tuần. Ngoài ra, mọi người ở đây còn có thể linh động bắt đầu hoặc kết thúc sớm hơn khung giờ làm việc được quy định chính thức để phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Sắp đến giờ nghỉ trưa, thay vì băn khoăn “Trưa nay ăn gì?” hay lục đục đi hâm nóng đồ ăn thì chúng tôi thấy ai nấy đều quay sang nhau rộn ràng chọn món. Hỏi ra thì mới biết, những ngày đi làm mọi người đều sẽ được công ty mời cơm, thực đơn đa dạng được gửi trong nhóm chat.
“Các công ty khác thì mỗi người sẽ thường tự lo bữa trưa, hoặc chuẩn bị trước rồi mang theo hoặc tự túc đặt đồ ăn, còn tại đây, cơm trưa dành cho nhân viên sẽ do công ty lo từ chi phí cho đến đặt món. Nếu ngày hôm đó lên văn phòng, chúng mình sẽ chọn trong hàng chục món theo thực đơn hàng ngày có sẵn. Sau đó chúng mình sẽ xuống khu ăn uống, ngồi quây quần trên một chiếc bàn lớn, vừa ăn trưa vừa tán gẫu, và có khi lại rủ nhau bật ti vi màn hình lớn để xem nốt tập phim trong series đang theo dõi trên Netflix chẳng hạn.” – Chị Trúc Lan (Marketing Executive).
Dĩ nhiên không phải vì bữa trưa được miễn phí mỗi ngày nên qua loa về chất lượng. Các món trong thực đơn chuẩn bị cho mọi người cũng sẽ là “cơm nhà”, với 3 món chính 1 món phụ cơm canh đầy đủ, cứ luân phiên đổi món và được quyền chấm điểm để nâng chất lượng món ăn hơn. Vậy ra trung bình một tháng, chỉ riêng tiền ăn trưa mọi người ở đây đã tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.
Đặc biệt, riêng mỗi chiều thứ Sáu hàng tuần tại công ty này còn có thêm “Happy Hour” – một bữa tiệc nhẹ với thực đơn thay đổi mỗi tuần để các phòng ban gặp gỡ, giao lưu thân mật với nhau.
Gian bếp khá rộng để mọi người quây quần ăn uống, trò chuyện cùng nhau như một gia đình.
Châm ngôn “có thực mới vực được đạo” của công ty hiện tại đang làm hài lòng toàn bộ nhân viên: “Công ty chúng mình chu đáo đến mức trang bị bếp ăn đủ thiết bị gia dụng để linh động dùng, tủ lạnh và hộc tủ thì chất đầy ngũ cốc, sữa tươi, bánh ngọt, snacks, sữa chua… đáp ứng cơn đói của anh chị em trong công ty bất cứ lúc nào.” – Chị Trúc Lan nói thêm.
Văn phòng làm việc là một ngôi nhà
Bây giờ đa phần các công ty tại TP.HCM đều có văn phòng đặt tại toà nhà cao tầng, gửi xe vào hầm và đợi thang máy. Trong khi với thời tiết bí bách nóng nực của TP.HCM hiện tại, rất nhiều nhân viên lại ao ước có một nơi làm việc thông thoáng hơn, không gian mở với nhiều cây xanh, gió trời.
Điều mà nhiều dân văn phòng cho là lý tưởng thì với nhân viên công ty này là một chế độ làm việc nghiễm nhiên. Mọi người làm việc trong một căn villa, có khuôn viên bên ngoài gồm hồ bơi, thảm cỏ, vườn cây xanh. Tất nhiên, bên trong nơi làm việc là một căn nhà đúng nghĩa – có phòng làm việc, có phòng khách sinh hoạt chung, phòng bếp, phòng giải trí chơi bóng bàn, tầng trên là không gian mở…
“Mình đến đây làm việc có cảm giác như ở nhà, giảm bớt cảm giác cứng nhắc, khô khan như các văn phòng làm việc truyền thống. Với không gian làm việc như thế này thì không chỉ mình mà mọi người cũng rất “chill”, đặc biệt giúp các bộ phận thiên về sáng tạo như Marketing, Design… có nhiều ý tưởng trong công việc của mình hơn. Thích thì pha cốc cà phê tản bộ trong vườn, có thời gian thì bơi một vòng reset lại đầu óc…” – Chị Bích Trang.
Cấp quản lý của công ty tiết lộ: “Chúng tôi nghĩ rằng không gian tại nơi làm việc rất quan trọng vì thế hệ trẻ ngày nay có tư duy khác biệt khi nói đến nơi làm việc so với 20 hoặc thậm chí 10 năm trước. Họ rất quan tâm đến môi trường làm việc lành mạnh, chúng tôi cũng tin rằng sức khỏe tinh thần rất quan trọng đối với đội ngũ nhân sự, nên đây là lí do chúng tôi chọn một không gian xanh để làm việc thay vì một văn phòng trong toà nhà cao tầng.”
Làm việc với sếp nước ngoài thì có được ngủ trưa?
Các bậc quản lý cấp cao của công ty này đều là người châu Âu, thế nên tất nhiên các “sếp” sẽ không có “văn hoá ngủ trưa” của dân văn phòng tại Việt Nam.
“Dù mình không thấy các anh/chị ngủ trưa nhưng nhập gia tùy tục mà, các sếp cũng hiểu và tạo điều kiện cho mọi người ngủ trưa bằng cách trang bị các chiếc ghế lười, hoặc không có ý kiến về việc nhân viên trải chiếu ra ngủ tại văn phòng, miễn là mình ngủ nghỉ trong khung giờ cho phép và không gây ảnh hưởng tới công việc là được.” – Chị Trúc Lan.
Các nhân sự tại công ty này chia sẻ, thay vì khó khăn trong văn hoá làm việc, mọi người lại cảm thấy ưu điểm khi làm việc với “sếp Tây” là các sếp không quá chú trọng và quản lý nghiêm khắc thời gian làm việc, họ sẽ chỉ tập trung đến chất lượng công việc nên quá trình đi làm cũng dễ thở hơn rất nhiều.
Chị Denise Sandquist nói rằng các lãnh đạo của công ty thừa nhận thách thức là cần cân bằng và tôn trọng nền văn hóa độc đáo của mỗi người, đặc biệt là khi có đội ngũ lao động đa văn hóa Thụy Điển, Việt Nam, Tây Ban Nha và Mỹ. “Để đảm bảo kết nối mọi người, chúng tôi rất nỗ lực lắng nghe đội ngũ của mình và linh hoạt trong cách làm việc. Chính vì không phải ai cũng giống nhau và sự thỏa hiệp là yếu tố rất quan trọng.”