Phát hiện bản thân mắc ung thư trong một lần đi khám đau họng
1 tuần trước, thấy đau đầu, đau họng liên tục… Mai Hương (32 tuổi, quê tại Hải Dương, tên nhân vật đã được thay đổi) quyết định đi khám sức khỏe tổng quát. Ban đầu, cô gái trẻ chỉ nghĩ bản thân mắc bệnh vặt vãnh, nhưng không ngờ kết quả siêu âm cổ cho thấy cô có nhiều khối u tuyến giáp. Cả hai bên tuyến giáp đều ghi nhận khối u nghi ngờ ung thư.
Ths.BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn (chuyên ngành Ung bướu, hợp tác chuyên môn tại Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt) cho biết, cả hình ảnh siêu âm tuyến giáp lẫn việc khám lâm sàng cho bệnh nhân đều cho thấy: Thùy phải tại vị trí 1/3 có nhân giảm âm, bờ kém đều, có các nốt vi vôi, chiều cao lớn hơn chiều rộng, 1/3 giữa có nhân tương tự nhưng nhỏ hơn. Thùy giáp trái cũng có u tương tự, thậm chí nghi ngờ phá vỡ vỏ bao. U tuyến giáp 2 thùy được đánh giá là Tirads 5, nghi ngờ ung thư trên 80%.
Ths.BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn tư vấn cho bệnh nhân 32 tuổi.
Sau đó, Mai Hương được tư vấn thực hiện sinh thiết nhân tuyến giáp đó. Kết quả cho thấy đúng là ung thư, bệnh nhân được bác sĩ tư vấn nên phẫu thuật càng sớm càng tốt. Vì có khối u ở 2 thùy tuyến giáp nên trường hợp của cô gái trẻ này sẽ cần phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp: Dấu hiệu rất dễ bỏ sót
Ths.BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, ung thư tuyến giáp thường biểu hiện ít triệu chứng, bệnh nhân thường đến bệnh viện với triệu chứng đầu tiên là nhìn hoặc sờ thấy khối u vùng cổ. Hay là tình cờ phát hiện qua siêu âm tuyến giáp. Hoặc cũng có thể là khi phát hiện hạch cổ, các vị trí di căn.
Các dấu hiệu bệnh rất dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua, thường là: Cổ to lên, sờ thấy khối u vùng cổ; nuốt khó, khó thở, nói khàn khi u to chèn ép xâm lấn xung quanh.
Có nhiều loại ung thư tuyến giáp, tuy nhiên thường được chia làm 4 loại chính: Đầu tiên là ung thư tuyến giáp thể nhú, loại hay gặp nhất và có tiên lượng tốt nhất. Thứ hai là ung thư tuyến giáp thể nang. Thứ ba là ung thư tuyến giáp thể tủy. Và cuối cùng là ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.
Hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp đều có thể chữa khỏi, trong đó thể nhú, thể nang là 2 loại có khả năng chữa khỏi cao nhất. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa lại hiếm gặp và có tiên lượng xấu.
Ung thư tuyến giáp không biệt hóa thường được phát hiện sau khi nó đã lan rộng, bởi vì tốc độ phát triển tại chỗ của khối u là rất nhanh. Không may là hầu hết các trường hợp đều không còn khả năng phẫu thuật được. Bệnh nhân thường tử vong sau khoảng 6-12 tháng. Ngay cả khi may mắn phẫu thuật được ở giai đoạn sớm thì tiên lượng vẫn rất xấu. Đa phần bệnh nhân sẽ được điều trị phối hợp hóa trị, xạ trị và thuốc đích để kiểm soát bệnh.
Bác sĩ cho biết, siêu âm tuyến giáp là một phương pháp tiết kiệm, lại đem lại hiệu quả cao trong việc phát hiện u tuyến giáp lành tính lẫn ác tính. Siêu âm giúp xác định các đặc điểm của nhân, tổn thương thuộc tuyến giáp hay là các khối lân cận tuyến giáp như nang giáp lưỡi, nang bạch huyết, hạch to vùng cổ. Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên thực hiện siêu âm định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần, đặc biệt là siêu âm tuyến giáp để có thể tầm soát bệnh sớm và điều trị ngay khi còn ở giai đoạn đầu tiên.
Nguồn tin: https://cafef.vn/di-kham-vi-dau-hong-co-gai-32-tuoi-khong-ngo-da-mac-benh-ung-thu-phai-cat-bo-1-bo-phan-tren-co-the-188240321140912564.chn