Những nhà khoa học gốc Việt khắp nơi đã và đang từng ngày nỗ lực đóng góp trí tuệ nhằm thay đổi chất lượng cuộc sống của nhân loại. Trong đó, có một cái tên được mệnh danh “Thầy của những phát minh” vì đã có khá nhiều sáng chế về Y khoa hết sức hữu ích, tiện dụng cho các bệnh nhân. Đó chính là GS.TS Nguyễn Tấn Hùng, hiện sinh sống và làm việc tại nước Úc.
GS.TS Nguyễn Tấn Hùng đỗ thủ khoa Đại học Medal với bằng kỹ sư năm 1976, sau đó 4 năm bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ tại Đại học Newcastle. Những nghiên cứu chuyên sâu của ông trải dài trong nhiều lĩnh vực khoa học đa dạng từ nghiên cứu Y sinh, Trí tuệ nhân tạo, Thần kinh học, cho đến Điều khiển học…
Từ năm 2018, GS.TS giữ chức Phó Hiệu trưởng phụ trách khoa khoa học kỹ thuật và công nghệ tại Đại học Công nghệ Swinburne. Tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS), ông lần lượt giữ chức Phó Trưởng khoa (năm 2003-2009) và Trưởng khoa (năm 2010-2014) khoa Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, trợ lý Phó Hiệu trưởng (năm 2014-2017). Đam mê của ông là nghiên cứu Kỹ thuật y sinh, Trí tuệ nhân tạo và Khoa học thần kinh.
GS.TS Nguyễn Tấn Hùng đã có 330 bài nghiên cứu xuất bản với các bút danh Nguyen, HT; Nguyen, Hung T.; Nguyen, Hung Tan. Ông đã được cấp 13 bằng sáng chế, được trao huân chương “Thành viên Úc” (AM-Member of the Order of Australia) năm 2002, giải thưởng Giảng dạy UTS (hạng mục cá nhân) năm 2000 và huy chương về nghiên cứu đặc biệt tại UTS năm 2016.
Phát minh đột phá về xe lăn từ tai nạn của con
Năm 2005, con trai lớn của GS.TS Nguyễn Tấn Hùng gặp tai nạn và khả năng bị liệt. Ý nghĩ làm xe lăn để giúp cho con và những người khuyết tật cũng từ đây nảy sinh. Đây là một lĩnh vực không mới, nhưng mục tiêu của GS khi đó là làm sao để tạo ra một cuộc cách mạng lớn cho chiếc xe lăn, đấy là sử dụng ý nghĩa để điều khiển xe lăn.
Trong khoảng gần 10 năm với nhiều tâm sức, trí tuệ và thời gian, GS và cộng sự đã cho ra đời xe lăn thông minh Aviator với hai loại là SAM (thiết bị bán tự động) và TIM (thiết bị thông minh do suy nghĩ điều khiển).
Đối với xe lăn SAM, người sử dụng đội mũ trang bị cảm biến không dây và cử động đầu để điều khiển xe với sự hỗ trợ của máy tính và các cảm biến laser và camera. Còn với xe lăn TIM, người sử dụng mang máy quét nhỏ hơn hộp diêm sau đầu. Máy quét nhận diện sóng não (điện não đồ) rồi diễn dịch thành lệnh điều khiển xe lăn. Hệ thống Aviator được xếp thứ ba trong 100 sáng chế hàng đầu của Úc năm 2011 do tạp chí kinh tế và cải tiến Anthill (Úc) bình chọn.
GS.TS Nguyễn Tấn Hùng giải thích: “Tôi bắt đầu phát triển hệ thống chuyển động đầu vào năm 1997, sau đó mới sáng chế công nghệ thu nhỏ không dây. Về công nghệ kiểm soát bằng suy nghĩ, chúng tôi sử dụng nhiều loại điện cực. Tôi quan tâm đến kết quả các công trình nghiên cứu giúp bệnh nhân và người khuyết tật có thể hoạt động độc lập và công nghệ xe lăn Aviator đáp ứng được điều đó”.
Nhóm nghiên cứu của GS.TS Hùng còn giúp một công ty ở Úc chế tạo thành công một loại thiết bị điện tử gần giống như quả tim nhân tạo. Theo GS.TS, thiết bị này có thể hỗ trợ một số người mắc bệnh liên quan đến tim duy trì sự sống trong 5-10 năm và sau thời gian này còn có thể lắp đặt lại cái mới.
GS Hùng còn phát triển nhiều thiết bị và hệ thống y sinh để dự báo, chẩn đoán và phục hồi các bệnh tiểu đường, rối loạn thần kinh, ung thư vú và tim mạch như máy theo dõi hạ đường huyết không xâm lấn cho người mắc bệnh tiểu đường, hệ thống chẩn đoán sớm ung thư vú, hệ thống theo dõi và ngăn ngừa mệt mỏi nơi người lái xe dựa trên điện não đồ.
Điều đáng nói, chính con trai ông sau khi khỏi bệnh đã đồng hành cùng ông xây dựng, hoàn thành công trình này. Đặc biệt, con trai ông đã dùng chính công trình này để làm đề tài nghiên cứu lấy học vị Tiến sĩ.
Nguồn tin: https://cafef.vn/day-la-nguoi-viet-duoc-menh-danh-la-thay-cua-nhung-phat-minh-co-sang-che-de-doi-duoc-tap-chi-noi-tieng-cua-uc-vinh-danh-188240823105602058.chn