“Tôi đang ăn tối với một người bạn, đứa con 5 tuổi của bạn tôi nói với tôi: “Dì ơi, cái túi của dì không đắt bằng của mẹ cháu, và nhà dì cũng không lớn bằng nhà cháu”. Đứa trẻ 5 tuổi biết Gucci và LV, đồng thời biết rằng mẫu LV phổ biến nhất mà tôi mang theo không đắt bằng mẫu phiên bản giới hạn của mẹ nó. Bé còn hỏi nhà tôi có diện tích bao nhiêu. Tôi nên trả lời thế nào?” – Đây là thắc mắc của một cư dân mạng trên diễn đàn nổi tiếng ở Trung Quốc. Người này cho biết, mình “đơ” khi bị một đứa trẻ mới 5 tuổi so sánh nơi công cộng. Đồng thời, nhờ những người khác tư vấn cách đáp lại trong trường hợp này.
Dưới phần bình luận, nhiều câu trả lời được đưa ra. Trong đó, có nhiều phương án nhận được đông đảo sự ủng hộ.
Câu trả lời thứ nhất:
Tôi từng quản lý một trại hè, trong đó có cặp song sinh 9 tuổi. Tôi đi xe buýt, còn mẹ các em lái chiếc Land Rover. Ngày hôm sau, người cha đến đón con và đó là một chiếc Land Rover khác. Sở dĩ tôi nhớ rõ như vậy là vì màu sắc của hai chiếc xe khác nhau.
Sau hai ngày một đêm cắm trại, trên đường về, tôi ngồi cùng em trai của cặp song sinh. Cậu bé hỏi: “Thầy ơi, nhà thầy rộng bao nhiêu?”. Tôi trả lời: “Khoảng 100 mét vuông”. Đứa trẻ ồ lên: “Nhà em là một căn biệt thự có diện tích hơn 500 mét vuông, ngoài ra tiền trang trí còn hơn 10 triệu nhân dân tệ, toàn bộ là tiền cha em vất vả mới kiếm được”.
Em nói tiếp: “Thầy ơi, em đoán nhà thầy có giá khoảng 800.000 nhân dân tệ đúng không?”. Tôi hưởng ứng: “Wow, em còn trẻ mà còn biết nhiều về bất động sản. Bố em siêu đỉnh, ông ấy đã làm việc chăm chỉ để mua một căn nhà lớn như vậy cho gia đình, thầy ghen tị quá”.
Cậu bé nói tiếp: “Thầy ơi, em thấy nhà thầy chắc cũng khá đẹp, thầy là người rất vui tính. Em biết một chút về giá nhà nhưng nhà hiện nay khá đắt và khó mua. Mẹ dặn em, hãy học hành chăm chỉ và sau này sẽ mua một căn nhà to như bố”.
Tôi nói: “Thầy tin em sẽ giỏi hơn bố em, vậy sau này mua nhà to thì mời thầy đến làm khách nhé? Nếu có thời gian, em cũng có thể cùng mẹ đến nhà thầy, ở nhà có hai cậu con trai, vui lắm”. Cứ thế, chúng tôi trò chuyện hơn 40 phút trên đường về, cậu bé còn dạy tôi cách quản lý tốt việc học của con trai, phàn nàn với tôi về việc mẹ mình khắt khe đến mức nào.
Quay lại chủ đề câu hỏi, chắc hẳn cậu bé khi so sánh túi xách của người phụ nữ nọ không hề cố ý “chê bai”. Khi điều kiện vật chất đạt đến một mức độ nhất định, một số thứ mà chúng ta cho là xa xỉ thực ra chỉ giống như những nhu cầu thiết yếu thông thường trong những gia đình có điều kiện tốt. Vì thế, trẻ con nhìn quen rồi nên không thấy lạ.
Khi một người lớn nghe thấy những lời như vậy của một đứa trẻ, phản ứng đầu tiên chắc hẳn là: “Ôi, tại sao đứa trẻ này lại như thế? Tại sao từ nhỏ đã khoe khoang sự giàu có của mình?”. Khi đứa trẻ hỏi về kích thước và giá cả của ngôi nhà của tôi, cũng hơi sốc. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, mình nên phản ứng tích cực, thay vì đánh giá suy nghĩ của trẻ dựa trên những quy tắc giao tiếp giữa những người lớn. Hãy động viên và hy vọng rằng con sẽ giỏi hơn cha mẹ trong tương lai.
Câu trả lời thứ 2:
Tôi đã gặp nhiều vấn đề tương tự như thế này.
Ví dụ 1: Có lần, một đứa trẻ bắt nạt bạn, tôi bảo nó đứng sang một bên và suy ngẫm. Đứa trẻ nói: “Thầy ơi, ông nội của con là sếp của thầy, nếu thầy dám chỉ trích con, con sẽ nhờ ông mắng thầy đó”. Tôi nói: “Ồ, thầy biết rồi! Nhưng ông nội là ông nội, còn con là con. Con có dám nói với ông nội tại sao thầy lại phạt con không? Khi con mắc lỗi, thầy cô sẽ phê bình con. Vì vậy, dù ông con có là lãnh đạo thì giáo viên cũng sẽ chỉ cho con biết con đã làm sai điều gì”.
Ví dụ 2: Lớp chúng tôi có một bạn bố là người thu gom rác. Một số em cùng lớp từ chối chơi cùng. Tôi biết đây là kết quả từ sự hướng dẫn của cha mẹ. Vì vậy, tôi đã dạy một buổi về lợi ích của việc tái chế, tái sử dụng rác thải: Đây là hành động bảo vệ môi trường; tiết kiệm năng lượng… để các em biết rằng công việc nào cũng cần có người làm, và đều đáng quý.
Tôi đã liên lạc với cha mẹ của những đứa trẻ này và yêu cầu họ khuyên bảo lại con cái, bởi điều này sẽ có tác động tiêu cực đến trẻ.
Trở lại câu chuyện trên, nếu đứa trẻ nói những lời phân biệt túi xách hay nhà cửa trước mặt con bạn thì bạn cần phải hướng dẫn con mình: “Ồ! Con à, những thứ đó đều là do bố mẹ kiếm được nên con phải làm việc chăm chỉ để giỏi hơn bố mẹ nhé”. Còn nếu không, bạn có thể không cần quan tâm.
Câu trả lời thứ 3:
Cách đây một thời gian tôi cũng gặp phải chuyện tương tự. Em trai hàng xóm sang nhà tôi chơi, nói ngắn gọn: “Nhà anh bẩn quá, bừa bộn quá. Mẹ em dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp hơn nhiều!”.
Bạn có thể nghĩ rằng điều này và trải nghiệm mà người phụ nữ nói trên đề cập là hai việc khác nhau, nhưng theo tôi, chúng có cùng bản chất. Một đứa trẻ nói không kiềm chế, và những gì nó thể hiện chỉ là khái niệm mà nó đã được tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu bạn cho rằng việc trẻ “tôn thờ tiền bạc” từ nhỏ là không tốt, cho rằng việc giáo dục của gia đình bạn mình có vấn đề và muốn dạy dỗ đứa trẻ, thì tôi khuyên bạn nên “bỏ đi”. Suy cho cùng, con cái của bạn bè không nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta. Đừng vượt quá giới hạn. Tất nhiên, nếu cha mẹ của đứa trẻ xin bạn lời khuyên thì đó lại là một vấn đề khác, nhưng có vẻ như người bạn này không có ý định đó.
Hơn nữa, những gì đứa trẻ nói là đúng. Túi xách của bạn rẻ hơn, nhà cũng nhỏ hơn. Nếu tức giận vì điều này, có nghĩa là bạn quá quan tâm đến sự so sánh. Tôi nghĩ thời điểm duy nhất để phản hồi là khi có con bạn ở bên.
Chẳng hạn, khi đứa trẻ hàng xóm nói nhà bẩn thỉu, bừa bộn, tôi không thừa nhận, nhưng nhà mình cũng không sạch sẽ ngăn nắp bằng nhà họ, điều này là đúng. Vì ba mẹ đứa trẻ mở quán trà, có rất nhiều khách đến và đi hàng ngày nên yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt.
Lúc đó tôi đã bật cười thành tiếng – một mặt tôi nghĩ cách nói chuyện trẻ con của đứa trẻ rất đáng yêu, mặt khác, tôi cũng cảm thấy thích thú trước những tiêu chuẩn cao trong mắt nó.
Rồi tôi nói: “Ừ, nhà con rất sạch sẽ và ngăn nắp, mẹ con rất siêng năng và dọn dẹp rất tốt” – Thể hiện sự cảm kích của mình trước mặt người khác thay vì phản đối là điều tôi mong có thể dạy cho các con.
Tôi quay sang con nói tiếp: “Nhưng nhà của chúng ta cũng rất tốt. Chúng ta đã cất hết đồ chơi nên cất đi – con đã tự làm rồi, thật tuyệt, sàn nhà cũng rất sạch sẽ. Thế này là đủ tốt rồi. Con không cần phải đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cao như vậy, thời gian tiết kiệm được có thể dùng để xây dựng những khối lego, điều đó thú vị hơn đúng không?” – Lúc này tôi không cần tranh cãi. Quan trọng là tôi chỉ cần cho các con biết rằng theo tôi, “dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ” không phải là điều đặc biệt quan trọng. Chúng ta có những việc khác cần thiết hơn để làm.
Quay lại chủ đề, nếu bạn có con đứng bên cạnh và không muốn lời nói người khác ảnh hưởng đến con, có thể trả lời như sau: “Những chiếc túi đắt tiền hơn và những ngôi nhà to hơn quả thực rất đáng ghen tị. À! Nhưng cô rất thích chiếc túi của mình, và ngôi nhà của cô cũng rất ấm áp. Cô nghĩ nó đủ tốt. Nếu sau này có một chiếc túi và ngôi nhà nào mà thích hơn, cô cũng phấn đấu để có được. Chúng ta phải làm việc chăm chỉ mới đạt được mơ ước, như bố mẹ của con vậy, con thấy có đúng không?”.
Việc giáo dục con cái người khác không phải là điều tôi quan tâm. Tôi chỉ mong con sẽ đi ngàn dặm mà không bị bị giới hạn bởi một vài nhận xét của người khác, trong sự so sánh hoặc phủ nhận.
Nguồn tin: https://cafef.vn/di-an-toi-voi-ban-toi-dieng-nguoi-nghe-cau-binh-pham-cua-dua-chau-5-tuoi-co-le-ban-toi-nen-day-lai-con-188240221195818244.chn