Tôi và Tiến là bạn học cùng thời đại học và cũng ở chung phòng ký túc xá với 2 người khác. Tiến là con nhà nghèo, ở nông thôn xa xôi lên thành phố nên rất ngố. Còn tôi tuy không phải người thành phố nhưng sống trong một thị trấn lớn từ bé nên cũng tiếp xúc nhiều với không khí thành thị, thế nên tôi trưởng thành, già dặn nhất nhóm.
Trong cuộc sống sinh hoạt và học tập, chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau, thân thiết như những người anh em ruột thịt. Tốt nghiệp đại học, 2 người bạn kia về quê lập nghiệp, tôi và Tiến ở lại thành phố. Tôi vào làm ở một công ty lớn, bắt đầu là một nhân viên bình thường rồi thăng tiến dần, lên quản lý và giờ là phó giám đốc mảng bán hàng. Còn Tiến thì khá lận đận, cậu bạn làm kinh doanh cái gì cũng thất bại.
Ban đầu Tiến muốn làm giàu nhanh nên đi theo con đường đa cấp. Thời đó đa cấp chưa rộ và bị lật tẩy như bây giờ, cậu bạn tôi tin vào nó lắm. Về huy động đến tiền của bố mẹ, bán cả con bò trong nhà để đầu tư vào làm đại lý. Đến khi thất bại, Tiến suy sụp một thời gian rồi mới gượng lại được. Cậu ấy lại đi làm ở xưởng sản xuất nhôm kính, gác tấm bằng đại học sang một bên, học mót cách làm việc của chủ xưởng. Sau 1 năm thì tách ra tự lập xưởng riêng.
Nhưng Tiến không có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực này, cũng không phải là một người thợ tài hoa, thế nên sau 8 tháng không có khách hàng, Tiến phải thanh lý lại xưởng rồi ôm theo món nợ đến gặp tôi xin ở nhờ để tìm việc mới.
Tôi thương bạn nên giúp Tiến làm hồ sơ xin vào công ty tôi. Làm được vài tháng thì Tiến chê mức lương thấp nên bỏ sang công ty khác, từ đó chúng tôi ít liên lạc hơn.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi nghe được tin tức về 3 người bạn cùng trọ năm xưa. 2 người về quê lập nghiệp thì giờ 1 người là chủ trang trại nhà vườn, mỗi năm doanh thu cả tỷ bạc, còn người kia thì mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, cũng có tài sản lớn trong tay. Chúng tôi gọi điện hẹn ngày kỷ niệm 40 năm thành lập trường thì sẽ có cuộc gặp gỡ riêng ở nhà tôi.
Còn Tiến, sau vài lần kinh doanh thất bại nữa thì hiện tại cũng đã yên ổn với trung tâm dạy ngoại ngữ của mình. Cậu bạn mở trung tâm rồi thuê giáo viên về dạy, khá đông học sinh. Tôi rất mừng vì Tiến là người đúng như tên gọi của cậu ta, chỉ tiến chứ không lùi. Sau bao nhiêu thất bại, cậu ta vẫn hừng hực quyết tâm làm giàu, vẫn mày mò tìm đủ cách để kinh doanh vì nghĩ kinh doanh thì sẽ nhanh giàu hơn đi làm thuê.
Thế nhưng, mọi suy nghĩ của tôi dường như bị đảo lộn sau lần tôi chuyển khoản nhầm 50 triệu cho Tiến.
Cách đây 1 năm, tôi chuyển khoản đặt cọc mua xe ô tô. Tiền cọc là 150 triệu, tài khoản chính của tôi chỉ còn 100 triệu nên tôi buộc phải chuyển thêm ở tài khoản phụ 50 triệu. Nhưng lúc chuyển khoản, tôi nhìn nhầm Lê Danh Tiến – cậu bạn học cùng – thành Lê Mạnh Tiến – nhân viên showroom ô tô, nên đã chuyển nhầm 50 triệu cho bạn học.
Biết mình nhầm, tôi nhắn một tin cho Tiến rằng: “Mình chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn, check thấy thì chuyển lại cho mình nhé”. Kèm theo đó là bill chuyển khoản. Sau đó tôi tiếp tục thực hiện giao dịch khác với nhân viên showroom ô tô rồi vội quay về công việc của mình.
Đến đêm, khi chuẩn bị lên giường ngủ, tôi mới nhớ ra việc chuyển nhầm nên kiểm tra số tài khoản thì không thấy tiền về. Tôi liền gọi lại cho Tiến, sau 2 cuộc, Tiến mới bắt máy và nói đang đi đường, khi về nhà cậu ấy sẽ kiểm tra lại tài khoản.
Tôi chờ tới gần 12 giờ đêm vẫn không thấy, nghĩ đã khuya, không tiện gọi điện làm phiền nên tôi đi ngủ. Sáng hôm sau chỉ thấy Tiến nhắn một tin: “Tôi thấy 50 triệu rồi, đúng đợt này tôi đang cần tiền gấp nên cho tôi mượn vài tháng nhé”.
Bạn cần tiền, tôi sẵn sàng cho vay nhưng vay kiểu này khiến lòng tôi không được thoải mái lắm. Nhưng tiền đã chuyển đi rồi, giờ đòi lại người ta cũng đâu trả, thế nên tôi đành nhắn lại một chữ “ok” vào đó.
Đến nay, đã 1 năm trôi qua, tôi không hề nghe thấy Tiến đề cập gì tới khoản tiền 50 triệu đó. Tôi cũng từng nhắn tin, gọi điện đòi vài lần, nhưng lần nào Tiến cũng có lý do chính đáng để hoãn trả. Khi thì mẹ ốm, đang cấp cứu, khi thì việc kinh doanh gặp trục trặc, chưa xoay được tiền trả…
Tôi thấy rất thất vọng, cảm giác dường như Tiến không muốn trả lại khoản tiền này cho tôi. Thế nên tôi đã nhắn lại một câu rằng: “Nói lời phải giữ lấy lời. Tiền đó là mồ hôi nước mắt của tôi, bạn mượn thì cũng nên trả, đừng để tôi đòi nhiều mà tình bạn bị sứt mẻ”.
Tiến liền nhắn lại: “Có 50 triệu mà làm như 50 tỷ. Tôi không thèm quỵt đâu, cuối tuần này tôi trả. Giàu mà có vài đồng cũng lẽo đẽo đòi mãi”.
Tôi biết, tình bạn của tôi và Tiến đến đây coi như chấm dứt. Sau này có gặp, chúng tôi cũng khó mà nói chuyện được giống như trước kia. Nhưng tôi không tiếc người bạn này.
Cũng nhờ việc này mà tôi nhận ra một bản chất của con người: Đó là nếu bạn luôn giúp đỡ một ai đó đến mức họ quen với việc này rồi, thì họ sẽ không nhớ ơn bạn và cho rằng đó là điều đương nhiên. Đến khi bạn không giúp đỡ họ nữa, họ sẽ quay ra trách móc bạn, họ sẽ chỉ nhớ đến bạn như người quay lưng lại với họ và quên hết ân tình trước kia.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chuyen-khoan-nham-50-trieu-cho-ban-toi-suyt-mat-ca-chi-lan-chai-cay-dang-nhan-ra-mot-ban-chat-cua-con-nguoi-chi-can-co-co-hoi-la-troi-day-188241007160550625.chn