Tử vong vì biến chứng tiểu đường ở tuổi 29
Lý Dương là nhân viên văn phòng, 29 tuổi, đang sống ở Tứ Xuyên (Trung Quốc). Lý Dương nặng gần 100kg. Vài tháng trước, anh được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường khi đi khám sức khỏe theo chế độ của công ty.
Mặc dù đã được bác sĩ yêu cầu dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi lối sống nhưng Lý Dương không mấy bận tâm. Anh cho rằng bản thân vẫn còn trẻ, dù có mắc tiểu đường cũng không nghiêm trọng.
Lý Dương vẫn thường xuyên thức khuya chơi game, ngày ngày ăn đồ ăn nhanh. Món anh yêu thích nhất là gà rán và nước ngọt có ga, anh thường xuyên sử dụng các món này trước khi đi ngủ.
Khoảng 1 tuần trước, Lý Dương bắt đầu cảm thấy cơ thể mệt mỏi, thường xuyên buồn nôn và nôn mửa sau bữa ăn. Gia đình thấy tình trạng sức khỏe của anh không ổn nên đã đưa anh đi viện cấp cứu.
Nhiễm toan ceton là biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân mắc tiểu đường. Nhiễm toan ceton là sự tích tụ axit trong máu của người bệnh, thường xảy ra khi lượng đường trong máu tăng quá cao trong thời gian dài.
Kết quả xét nghiệm ở viện cho thấy lượng đường trong máu của Lý Dương đã tăng cao bất thường, đạt mức 90mmol/L. Kết hợp với tiền sử mắc tiểu đường của Lý Dương, bác sĩ chẩn đoán anh gặp biến chứng nhiễm toan ceton của bệnh tiểu đường. Các bác sĩ tiến hành bù dịch, truyền insulin và sử dụng thuốc để điều trị cho bệnh nhân nhưng đáng tiếc anh đã không thể qua khỏi.
Bác sĩ chỉ ra 3 sai lầm khiến bệnh tiến triển nặng
Bác sĩ cho biết, với trường hợp của bệnh nhân Lý Dương, anh bị béo phì, đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường nhưng lại không chú trọng điều trị. Bệnh nhân vẫn ăn uống thả ga, thường xuyên ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và uống nước ngọt chứa đường mỗi ngày. Điều này làm trầm trọng thêm vấn đề rối loạn chuyển hóa, khiến chỉ số đường huyết trong cơ thể bệnh nhân tăng cao không kiểm soát. Tình trạng này kéo dài khiến bệnh nhân đối mặt với biến chứng nghiêm trọng của tiểu đường.
Các chuyên gia y tế cho biết thói quen ăn uống, chế độ sinh hoạt và lối sống của con người có mối liên hệ mật thiết đối với bệnh tiểu đường. Theo đó, có 3 thói quen có thế khiến lượng đường trong máu tăng cao.
3 thói quen này khiến đường huyết “mất kiểm soát”
1. Không phối hợp điều trị bệnh
Bác sĩ Kỳ Cương, Giám đốc Khoa Nội tiết, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nguyên, Tứ Xuyên Trung Quốc cho biết, khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, rất nhiều trường hợp bệnh nhân chủ quan với bệnh. Một số bệnh nhân không tuân thủ dùng thuốc đúng liều, một số bệnh nhân lại tự ý bỏ thuốc và điều trị bằng các phương pháp dân gian. Hoặc cũng có một số trường hợp như bệnh nhân Lý Dương, không dùng thuốc, cũng không thay đổi chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt. Điều này có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao bất thường, khiến bệnh nhân dễ gặp các biến chứng của bệnh.
2. Chế độ ăn uống bất hợp lý
Bác sĩ Kỳ Cương nói: “Điều chỉnh chế độ ăn là một trong những yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát đường huyết. Nếu bệnh nhân vẫn giữ chế độ ăn kém lành mạnh thì dù có uống nhiều loại thuốc, bệnh tình vẫn sẽ trở nặng”.
Theo chuyên gia, người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa và nhiều carbohydrate tinh chế. Việc lạm dụng những thực phẩm kể trên có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt, từ đó đẩy nhanh sự tiến triển của bệnh tiểu đường.
3. Thức khuya dẫn đến thiếu ngủ
Thức khuya có thể gây ra tình trạng thiếu ngủ. Một nghiên cứu tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu ngủ có liên quan chặt chẽ đến hai loại hormone điều khiển cảm giác đói và no của cơ thể là hormone ghrelin và leptin.
Thường xuyên thức khuya và thiếu ngủ có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone ghrelin, tăng cảm giác đói. Điều này sẽ khiến mọi người hình thành thói quen ăn vặt hay ăn khuya, từ đó làm tăng đường huyết.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago cũng chỉ ra rằng, ngủ không đủ giấc trong 4 ngày sẽ giảm khoảng 30% khả năng sản xuất insulin, gây ảnh hưởng tới chỉ số đường huyết.
Theo các chuyên gia y tế, kiểm soát đường huyết là mục tiêu chính trong điều trị tiểu đường, giúp phòng biến chứng. Do đó, khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, mọi người cần tuân thủ chỉ định điều trị và dùng thuốc của bác sĩ, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để kiểm soát đường huyết và bệnh tiểu đường hiệu quả.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chang-trai-29-tuoi-tu-vong-vi-tieu-duong-mac-3-sai-lam-chi-mang-188240810150456075.chn