Tính cách trưởng thành của một người chịu ảnh hưởng bởi mọi thứ từ gia đình đẻ của họ. Có thể nhiều người không để ý, trong quá trình trưởng thành, bầu không khí trong gia đình có sự ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em. Những ảnh hưởng này rất tinh vi, khiến nhiều bậc cha mẹ không dễ phát hiện, dẫn đến việc không nhận ra vấn đề trong cách giáo dục của mình để sửa đổi kịp thời. Câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tầm quan trọng của môi trường sống, cũng như là cách giáo dục của cha mẹ đối với sự trưởng thành của trẻ.
Lâm Lệ và Hạ Viên là hai bé gái có số phận tương đối giống nhau, duy chỉ có cách giáo dục của cha mẹ là khác nhau. Năm 2 tuổi, chúng làm đổ bình sữa, mẹ của Lâm Lệ rất tức giận, mắng cô, khiến cho cô rất tủi thân. Còn mẹ của Hạ Viên thì lại khác, bà không trách Hạ Viên vì nghĩ con còn nhỏ, dù sao thì đối với một đứa trẻ 2 tuổi, chuyện làm đổ đồ đạc là rất bình thường. Cho nên bà đã an ủi Hạ Viên, khiến cô không những không có cảm giác sợ hãi mà còn cảm thấy được yêu thương.
Khi lớn lên, họ trở thành hai kiểu người khác nhau và có cuộc sống hoàn toàn trái ngược.
Năm 6 tuổi, nhà của Lâm Lệ có khách đến chơi, khi đó mẹ của cô liền bảo cô mang đồ chơi của mình vào phòng chơi, không được ở ngoài phòng khách quấy rầy người lớn nói chuyện. Hành động này khiến cô nghĩ mình là một đứa trẻ phiền phức. Trong khi đó, ở một gia đình khác, Hạ Viên lại được chơi ở ngoài phòng khách cùng mẹ và bạn của mẹ, cả 3 cười nói rất vui vẻ.
Năm 10 tuổi, tính cách dần được hình thành sâu sắc hơn, Lâm lệ trở nên trầm lặng, suốt ngày chỉ ở trong phòng, chẳng màng bước ra ngoài. Khi mẹ kêu cô ra chào khách đến nhà, cô xấu hổ nên đã không bước ra, cô nghĩ mình ra đó chỉ tổ làm mất mặt mà thôi. Còn Hạ Viên, khi được mẹ gọi ra, cô rất vui vẻ hoạt bát, nhanh chóng bước ra, lễ phép chào hỏi người lớn.
Năm 14 tuổi, cô giáo viết một bài toán lên bảng, hỏi ai có thể giải được bài toán này. Lâm Lệ lập tức cúi sầm mặt sợ hãi, trong đầu liền nghĩ: “Đừng gọi tên mình, nếu không làm được nhất định sẽ rất nhục nhã.” Trong khi đó Hạ Viên lại giơ tay xung phong, háo hức muốn lên bảng giải bài tập mới.
Năm 18 tuổi, cả 2 cùng lên đại học, ở ký túc xá với bạn bè. Mỗi khi bị bạn bè nhờ vả mua giúp thứ này thứ kia, mặc dù bản thân rất bận, nhưng Lâm Lệ vẫn cắn răng gật đầu đồng ý, không dám từ chối. Còn Hạ Viên thì lại thoải mái nói ra lý do của mình, từ chối những chuyện bản thân không thể làm.
Năm 20 tuổi, cả hai bắt đầu biết yêu. Lâm Lệ thì luôn nghĩ bản thân không xứng đáng với người cô thích nên mãi vẫn không dám mở lời tỏ tình, cuối cùng đành đứng nhìn người mình thích nắm tay một cô gái khác. Nhưng bên phía Hạ Viên, cô đã không ngần ngại nói ra cảm giác của mình với chàng trai trong đội bóng rỗ, lúc này mới biết thì ra anh chàng đó cũng có ý với cô.
Năm 22 tuổi, tất cả cùng chụp ảnh tốt nghiệp. Hạ Viên thì cười rạng ngời trong bức ảnh, lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng bạn bè. Còn Lâm Lệ thì liên tục né tránh, không muốn ai chụp hình mình, cuối cùng chẳng lưu được chút kỷ niệm gì.
Năm 25 tuổi, bước vào đời, Lâm Lệ thì giao tiếp kém, luôn tự ti, còn Hạ Viên thì tràn đầy nhiệt huyết nên rất được lòng đồng nghiệp và sếp. Khi nhận được tin nhắn tỏ tình từ một anh chàng, Lâm Lệ lại buồn rầu nghĩ: “Mình xứng đáng được yêu sao?” Còn bên thế giới của Hạ Viên thì ngược lại, tràn ngập ánh nắng, cô trả lời tin nhắn: “Em cũng thích anh!”
Sau khi đọc câu chuyện trên, bạn muốn con mình trở thành ai? Tôi tin rằng các bậc cha mẹ đều hy vọng con mình có thể trở thành một cô gái như Hạ Viên, tràn đầy tự tin và hào phóng, nhưng vì môi trường sống tiêu cực từ nhỏ nên đã vô tình biến không ít bé gái trở thành người như Lâm Lệ. Nếu như con của bạn còn nhỏ, hãy nhân khoảng thời gian này, quan tâm hơn đến việc giáo dục con đúng cách, cố gắng tạo cho con một bầu không khí tích cực trong gia đình và bầu bạn cùng con trên hành trình trưởng thành với một trái tim cảm thông nhé!