Rapper, nhạc sĩ Karik (Phạm Hoàng Khoa) – người nổi tiếng qua các bản hit “Anh không đòi quà”, “Người lạ ơi”… xuất hiện trong Rap Việt mùa 3 với vai trò giám khảo. Anh thừa nhận, hơn 12 năm qua, mình bị rối loạn lưỡng cực, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc.
Xuất hiện trong ghế nóng của chương trình Rap Việt mùa 3, rapper Karik trở thành vị giám khảo quyền lực. Không còn xa lạ với vị giám khảo này nhưng thông tin anh đã hơn 12 năm bị chứng rối loạn lưỡng cực – một chứng bệnh tâm thần – mới khiến nhiều người bất ngờ.
Không hề giấu giếm tình trạng của bản thân, nam rapper thừa nhận, mình bị rối loạn lưỡng cực (còn gọi là rối loạn cảm xúc). Anh rất nhạy cảm với thái độ của người lạ với mình tại thời điểm hiện tại. Khi đối diện với sự phản biện, anh có xu hướng thu mình. Đó là lý do nhiều lần nam rapper tắt trang mạng xã hội cá nhân vì cảm thấy đây không phải nơi thoải mái cho cảm xúc của mình.
Trước Karik, Nam Em cũng là một trong những sao hoạt động trong showbiz Việt bị chứng rối loạn lưỡng cực. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của cô.
Theo BS Nguyễn Doãn Phương (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn lưỡng cực là một rối loạn tâm thần. Trong xã hội hiện đại, rối loạn lưỡng cực xuất hiện ngày càng nhiều. Nhất là với những người thường xuyên hoạt động trong showbiz, tình trạng này không hề hiếm gặp.
Khi tâm trạng chuyển sang rối loạn lưỡng cực, bạn có thể cảm thấy hưng phấn, tràn đầy năng lượng hoặc cáu kỉnh bất thường. Những thay đổi tâm trạng như vậy có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, năng lượng, hoạt động, sự phán đoán, hành vi và khả năng suy nghĩ một cách rõ ràng, rành mạch.
Theo thống kê của NCBI, rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến khoảng 5,7 triệu người Mỹ trưởng thành, chiếm khoảng 2,6% dân số Hoa Kỳ. Người bị rối loạn lưỡng cực có dấu hiệu không giống nhau do mỗi người có thể ở một giai đoạn khác nhau.
Vậy, người bị rối loạn lưỡng cực thường có những dấu hiệu, triệu chứng như thế nào?
1. Đối với người đang ở giai đoạn hưng cảm
Các dấu hiệu và triệu chứng của một giai đoạn hưng cảm bao gồm:
– Hạnh phúc, hy vọng, phấn khích quá mức.
– Thay đổi tâm trạng đột ngột, nghiêm trọng như chuyển từ vui vẻ sang tức giận, căm thù.
– Bồn chồn.
– Nói nhanh.
– Năng lượng luôn tuôn trào, cần ngủ ít hơn.
– Tăng tính bốc đồng, khả năng phán đoán kém, ví dụ như đột ngột nghỉ việc.
– Lập kế hoạch lớn và không thể đạt được.
– Hành vi liều lĩnh, chấp nhận rủi ro như lạm dụng ma túy, rượu, quan hệ tình dục không an toàn nhưng không có biện pháp bảo vệ…
– Cảm thấy mình quan trọng, tài giỏi, có quyền lực một cách bất thường.
– Ảo giác, ảo tưởng.
Hầu hết những người trải qua một giai đoạn hưng cảm không nhận thức được hậu quả tiêu cực của hành động. Với chứng rối loạn lưỡng cực, tự tử cũng là một mối nguy hiểm thường trực.
2. Đối với những người bị hưng cảm nhẹ
Với chứng hưng cảm nhẹ, bạn có thể cảm thấy rất tốt và thấy rằng mình có thể làm được rất nhiều việc. Những người mắc chứng hưng cảm nhẹ thường có thể hoạt động tốt trong các tình huống xã hội hoặc tại nơi làm việc.
Bạn có thể không cảm thấy có gì bất ổn trong giai đoạn hưng cảm nhẹ. Tuy nhiên, gia đình và bạn bè có thể nhận thấy sự thay đổi tâm trạng và mức độ hoạt động của bạn, nghĩ đó là bất thường. Sau hưng cảm nhẹ, bạn có thể bị trầm cảm nặng.
3. Đối với những người bị trầm cảm
– Nỗi buồn bao trùm.
– Luôn có năng lượng thấp và mệt mỏi.
– Thiếu động lực.
– Cảm giác tuyệt vọng hoặc vô giá trị.
– Mất niềm vui với những thứ đã từng là niềm vui của mình.
– Khó tập trung và đưa ra quyết định.
– Khóc không kiểm soát.
– Cáu gắt.
– Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
– Thay đổi khẩu vị, gây tăng hoặc giảm cân.
– Suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát (có ý định tự sát).
Nếu bạn đang có ý định tự tử, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân, chăm sóc y tế ngay lập tức.
Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến ai?
Theo giới chuyên gia, rối loạn lưỡng cực có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Độ tuổi khởi phát trung bình là 25 tuổi, nhưng hiếm gặp. Thông thường, nó có thể bắt đầu sớm nhất là khi bạn còn nhỏ hoặc muộn nhất là ở độ tuổi 40 – 50.
Theo Phòng khám Cleveland, rối loạn lưỡng cực không có cách nào ngăn chặn, phòng ngừa vì vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Điều quan trọng là bạn phải nắm rõ các dấu hiệu, triệu chứng của rối loạn lưỡng cực, tìm cách can thiệp sớm nhất.