Chọn thông điệp ngày Tết gần gũi, chiến dịch truyền thông gắn với văn hóa bản địa… là cách Bia Saigon đến gần hơn với người tiêu dùng.
Anh Bùi Minh Văn (40 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM) vẫn nhớ, mỗi dịp Tết đến, bên cạnh sắm sửa mâm ngũ quả, làm món thịt kho trứng, canh khổ qua, ngâm củ kiệu, bố mẹ anh không quên mua vài thùng bia Saigon và 333 đặt trong nhà. Mẹ anh kể, mang bia đãi khách ngày Tết là thói quen của ông ngoại. Kể cả không có khách đến nhà thì ông vẫn thích được ngồi cùng các con, nhâm nhi miếng bánh tét, ít củ kiệu, tôm khô kèm ly bia.
Khi anh có gia đình riêng, vợ chồng anh lại tiếp tục “lệ” này. “Ngày thường mình hay ra ngoài nhậu nên ít mua bia về nhà, nhưng Tết thì trong nhà không thể thiếu bia. Cảm giác chở thùng bia về nhà là thấy Tết đang cận kề”, anh Văn chia sẻ.
Bên cạnh hương vị bia đậm đà, tạo cảm giác hưng phấn sau những cái cụng ly cùng người thân, bạn bè, một điều khiến anh Văn cảm thấy thú vị khi mua bia Saigon ngày Tết chính là cách thương hiệu làm mới mỗi dịp cuối năm. “Dù nhãn hàng chỉ thay đổi chút bao bì hay thông điệp trong chiến dịch quảng cáo nhưng mang lại cho mình cảm giác mới mẻ, đúng tinh thần đón năm mới ngày Tết”, anh Văn chia sẻ. Ngoài ra, vị khách này thích thú với các game may mắn từ nhãn hàng.
Ra đời tại một xưởng bia tại đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TP HCM – ngày nay) từ năm 1875, bia Saigon, bia 333 từ lâu đã là thức uống quen thuộc của người dân Sài Gòn. Trong thời tiết ấm nóng phương Nam, những ly bia kèm đá mát lạnh dường như không thể thiếu trong những bữa tiệc, lễ Tết. Tiếng trò chuyện, tiếng hô vang “một, hai, ba, dzô” giúp cho các cuộc vui thêm hào hứng.
Với mong muốn gắn bó với người tiêu dùng, các chiến dịch Tết của bia Saigon nói riêng và Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nói chung đều nhất quán mục tiêu quảng bá văn hóa của người Việt. Đó cũng là lý do năm nay, thương hiệu nhấn mạnh vào hình ảnh Rồng.
Đại diện hãng cho biết, Rồng chính là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), cũng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên. Theo đó, thương hiệu ra mắt bộ sưu tập phiên bản lon giới hạn cho Tết Giáp Thìn với hình ảnh rồng được phủ vàng, phù hợp với tâm lý đón nhận “hồng phúc” vào năm mới người Việt.
Bên cạnh đó, đơn vị triển khai chiến dịch “Đón Tết rồng – nhân bội lộc” hướng tới lan tỏa tinh thần lạc quan, chia sẻ những điều may mắn đến người tiêu dùng và cộng đồng, bằng việc tặng những phần thưởng giá trị cho người tiêu dùng may mắn; trao quà Tết cho cộng đồng.
Năm ngoái, thương hiệu cũng gây ấn tượng khi tung bộ sưu tập “63 Là 1” và chuỗi hoạt động quảng bá, tương tác trước thềm năm mới. Nổi bật là thùng bia màu đỏ dài 30 mét thả trôi trên bến Bạch Đằng, quận 1, TP HCM quảng bá cho bộ sưu tập. Nhãn hàng còn sáng tạo các tấm bảng chúc Tết độc đáo được ghép từ chữ cái đầu của các tỉnh thành trên các đường phố lớn như Hà Nội với Hiên Ngang, Long An với Luôn An, Kiên Giang với Kiên Gan, Bà Rịa – Vũng Tàu với Bền Vững, Đồng Nai với Đơm Nắng, Hải Phòng với Hưng Phú hay Thanh Hóa với Thăng Hoa… cùng các hình ảnh đặc trưng về công trình kiến trúc của địa phương.
Nhờ đó, vừa qua chiến dịch này nhận giải Key Visual xuất sắc nhất cho hạng mục Sáng tạo, tại Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam 2023.
Thời gian qua, doanh nghiệp cũng đồng hành với nhiều hoạt động văn hóa tại nhiều tỉnh, thành như lễ hội văn hóa – ẩm thực Việt Nam tại Quảng Trị (tháng 4), Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X tại Cần Thơ, Lễ hội Vũng Tàu Beerfest 2023; chuỗi sự kiện Đêm Sài Gòn diễn ra tại hơn 34 tỉnh thành…
Đại diện Sabeco cho biết, các chiến dịch Tết, các hoạt động đồng hành với cộng đồng là cách doanh nghiệp củng cố trụ cột Culture (Văn hóa) trong chiến lược phát triển bền vững của mình, hướng đến mục tiêu nâng tầm vị thế thương hiệu Việt.
Hoàng Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cach-bia-saigon-ghi-dau-an-voi-nguoi-dung-moi-dip-tet-4693941.html