BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, bưởi là loại quả giàu dưỡng chất, tác dụng tốt đối với sức khoẻ.
Vỏ bưởi chủ yếu chứa flavonoid, acid ascorbic và carotenoid, đóng vai trò quan trọng trong việc chống oxy hóa, chống viêm, chống xơ vữa. Ngoài ra, chiết xuất ethanolic trong nước của vỏ bưởi sẽ giúp cải thiện sức khỏe con người.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra quả bưởi chứa đến hơn 15 loại vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Phần chúng ta ăn được trong quả bưởi là múi bưởi, nhiều dinh dưỡng như vitamin C, kali, chất xơ.
Bên cạnh đó, quả bưởi chứa rất ít calo, hàm lượng calo được đánh giá thuộc nhóm thấp nhất trong các loại trái cây thường ăn tốt cho người giảm cân.
Trong Đông y, các bộ phận của bưởi được dùng để làm thuốc.
Lá bưởi vị đắng, thơm, tính ấm, tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm trừ đờm, hoạt huyết tiêu sưng.
Vỏ quả vị đắng cay, tính bình, tác dụng trừ phong hóa đờm, tiêu tích, tiêu phù, hòa huyết giảm đau.
Múi bưởi vị ngọt, chua, mát, vào tỳ, vị, phế, tác dụng kiện tỳ tiêu thực, khoan trung hạ khí, nhuận phế hóa đàm, chỉ khái, giải tửu.
Theo bác sĩ Vũ, bưởi có thể chữa các bệnh sau:
- Chữa phù thũng
- Phụ nữ có thai hay nôn ọe
- Ho nhiều đờm
- Ăn không tiêu
- Họng ngứa, ho, đờm loãng máu trắng
- Chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, đau bụng
- Người già ho lâu ngày
- Ho khan
- Chữa tức ngực đau sườn, giải uất trong gan
- Cảm cúm, nhức đầu, sốt cao, sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi
- Chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng
- Chữa chướng bụng buồn nôn
Những người không nên ăn bưởi
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho biết, bưởi là trái cây tốt cho sức khỏe, nhưng những người sau đây không nên ăn, hoặc hạn chế ăn.
Bệnh nhân tiêu chảy có hệ tiêu hóa kém
Bưởi có tính lạnh khiến người bị tiêu chảy ăn vào bệnh càng nghiêm trọng. Do vậy, nếu trong người yếu thì không nên ăn nhiều bưởi. Thông thường người ta chỉ dùng bưởi để hạ nhiệt, hạ quá mức cũng sẽ gây ra triệu chứng đau bụng.
Khi uống một số loại thuốc
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, khi ăn bưởi và uống thuốc cùng một thời điểm có thể gây tương tác, làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chất Furanocoumarin trong trái bưởi cũng như các loại quả cùng họ khác, ảnh hưởng tới quá trình phân hủy thuốc trong cơ thể.
Một số bệnh nhân trong thời kỳ sử dụng thuốc chống dị ứng nhất định, nếu ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi, nhẹ thì có thể gây ra đau đầu, tim đập mạnh, loạn nhịp tim, nghiêm trọng có thể dẫn đến đột tử.
Ngoài ra, một số thành phần khi kết hợp với bưởi có thể gây ra tác dụng phụ như dung dịch cyclosporine, chất caffeine, canxi đối kháng, cisapride. Uống một cốc nước ép bưởi, cùng với các thành phần có chứa trong thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng cùng nhau trong vòng 24h.
Nguồn tin: https://cafef.vn/buoi-nhieu-cong-dung-nhung-nhom-nguoi-nay-khong-nen-an-188240401150530096.chn